Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Hà Nội có thể chuyển từ thu hút FDI sang hợp tác toàn diện, phát triển

Sáng 29/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với thành phố Hà Nội về công tác thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài có thể coi là thành phần hữu cơ của nên kinh tế Việt Nam. Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong thu hút và sử dụng FDI, trong đó Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước.

Phó thủ tướng cũng gợi mở những vấn đề tạo nên thành công nổi bật của Hà Nội trong việc thu hút và sử dụng FDI; tác động của thành phần FDI trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô trong 30 năm qua như: mức độ sử dụng công nghệ trong FDI; tình hình liên kết đầu tư nước ngoài; cách thức ngăn chặn tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng ở tại các DN nhỏ; kiểm soát được tổng mức đầu tư; chất lượng nguồn nhân lực và trình độ quản lý; công tác chăm lo bảo về quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân lao động; các quy định và tư duy mới mang tính cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao; đánh giá và kiến nghị những bất cập trong hệ thống pháp luật và thể chế chính sách...

Báo cáo thực trạng tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2018, thành phố Hà Nội có gần 4.500 dự án còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỷ USD.

Trong đó, giai đoạn 1989 - 2005 thu hút 10,95 tỷ USD; giai đoạn 2006-2014 thu hút 15,22 tỷ USD; giai đoạn 2015-2018 thu hút 15,11 tỷ USD. Năm 2018, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD - lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, vốn thực hiện đã giải ngân lũy kế đạt khoảng 18,9 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đặc biệt, dự án 100% vốn nước ngoài chiếm phần lớn (80%), còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Phân chia theo lĩnh vực, vốn đầu tư thu hút lớn nhất là vào bất động sản (29,53%), tiếp đến là công nghiệp chế biến chế tạo (20,01%), thông tin truyền thông (11,48%). Theo quốc gia, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,2 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỷ USD; đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 5,48 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình một dự án là 7,6 triệu USD.

Nhìn vào những con số trên, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kết quả về thu hút FDI của thành phố Hà Nội thể hiện mức độ đậm đặc trong việc hút vốn đầu tư nước ngoài tại địa phương này.

Ngoài ra, Thứ trưởng Thắng cũng khẳng định sẽ phối hợp với Hà Nội trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư thông qua sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng cơ chế chính sách.

Còn theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung, những kết quả bước đầu có được trong thu hút FDI là nhờ thành phố hoạch định rõ và phân loại các dự án FDI làm 3 nhóm, bao gồm: nhóm các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng gặp vướng mắc Hà Nôi đang tập trung để tháo gỡ, nhóm dự án đã đầu tư trên địa bàn sau khi lắng nghe tiếp xúc  họ đang có nguyện vọng để mở rộng sản xuất kinh doanh và cuối cùng là nhóm kêu gọi đầu tư mới.

Riêng với nhóm kêu gọi đầu tư mới, ông Chung cho biết, các nhà đầu tư đã khảo sát và có kế hoạch từ vài năm trước, do đó thành phố đã trực tiếp làm việc để hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, thành phố luôn trao đổi thẳng thắn với họ thông qua các kênh như cục Đầu tư nước ngoài, các đại sứ tham tán, hiệp hội doanh nghiệp các nước tại Hà Nội để nắm bắt được các kế hoạch của các doanh nghiệp nước ngoài có ý định đầu tư để đưa ra những kế hoạch phân công tiếp xúc cụ thể, Chủ tịch Hà Nội nêu rõ.

Cũng trong Báo cáo về tình trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố Hà Nội, Phó chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho biết, giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bao gồm: Lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại: giao thông, đô thị thông minh, môi trường; lĩnh vực sản xuất, gia công, sử dụng ít năng lượng hoặc năng lượng tái tạo, tạo thêm việc làm với mức lương cao hơn và người lao động được phát triển kỹ năng, tay nghề; lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao như: Dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, Thương mại, giáo dục đào tạo..

Để thực hiện mục tiêu này, ông Toản cho rằng, thành phố sẽ xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, không ngừng cài thiện môi trường đâu tư, cải cách, hành chính, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch… Đặc biệt, Hà Nội xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (tập trung vào 3 khu vực lớn là: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản – Hàn Quốc).

Hà Nội sẽ tập trung thu hút vốn FDI từ các tập đoàn lớn để lôi kéo các doanh nghiệp nhỏ của nước ngoài sang đầu tư tại Hà Nội 

Lấy ví dụ về việc cấp phép cho Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) xây dựng trung tâm thương mại, nhờ đó thu hút không ít các doanh nghiệp của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tập trung thu hút vốn FDI từ các tập đoàn lớn để lôi kéo các doanh nghiệp nhỏ của nước ngoài sang đầu tư tại Hà Nội.

Đơn cử như việc Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) vừa chính thức khai trương trụ sở KOTRA Đông Nam Á và châu Đại Dương tại Hà Nội. Đi cùng với quyết định này, lãnh đạo thành phố Hà Nội dự báo sẽ có thêm làn sóng doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đến Việt Nam đầu tư.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, sau 30 năm thu hút FDI, trong thành công chung của cả nước, Hà Nội có sự thành công vượt trội, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô. Ngoài ra, tỷ trọng vốn FDI giảm trong tổng thể thu hút vốn chung cho thấy, việc thu hút nguồn lực trong nước cũng được đẩy mạnh, tránh lệ thuộc vào nước ngoài...

Qua thực tiễn tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong giai đoạn 10 năm tới, đến  năm 2030, với bối cảnh, yêu cầu cũng như thách thức mới đặt ra đòi hỏi phải đổi mới tư duy trong thu hút và sử dụng FDI. Riêng với Hà Nội Phó Thủ tướng đặt vấn đề, Hà Nội có thể chuyển từ giai đoạn tăng cường thu hút, sử dụng FDI sang giai đoạn hợp tác toàn diện đầu tư, phát triển.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, hợp tác toàn diện thể hiện qua việc coi nhà đầu tư là đối tác, trong đó, thể hiện qua sự trân trọng, cầu thị theo văn hóa Việt Nam, tạo môi trường đáng sống để các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam gắn bó với Việt Nam.

Hướng thu hút đầu tư cũng phải đổi mới, có chọn lọc với những tiêu chí mới, trong đó đặc biệt đặt yêu cầu cao hơn với tiêu chí khoa học công nghệ. Trong xúc tiến đầu tư phải chú trọng đến yếu tố dài hạn, nắm bắt nhu cầu của thế giới, chuyển từ chiều rộng sang chiều sau, từ số lượng sang chất lượng, có trọng điểm.

Thu Trang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục