Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Ninh Bình) cho rằng, để không đánh đồng quy kết tất cả các bộ sách giáo khoa lớp 1 đều có vấn đề. Chúng ta cần phải làm rõ có hay không tình trạng sai sót ở đây, nếu có thì sai ở đâu, thuộc cuốn nào, bộ sách nào và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai.
Theo đại biểu, sách giáo khoa đã sai thì bắt buộc phải sửa. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng thực hiện. Cần khẩn trương tiến hành rà soát và cho thẩm định lại toàn bộ các sách giáo khoa này.
Đối với từng môn học, cần thành lập một Hội đồng thẩm định cấp quốc gia với tất cả các thành viên mới hoàn toàn thẩm định lại khách quan, minh bạch từng bài học, từng nội dung. Chỉ khi nào thật sự kỹ lưỡng, chính xác thì mới đưa sách giáo khoa vào sử dụng nhằm tạo sự yên tâm cho toàn xã hội.
Trong thời gian thẩm định lại sách giáo khoa, cần tránh trường hợp việc thu hồi sách chỉ diễn ra cục bộ ở từng địa phương, từng bộ sách và tránh việc sử dụng học liệu thiếu tính nhất quán. Cần phải có phương án dạy cho trẻ lớp 1 thống nhất tại các nhà trường trên toàn quốc, thay thế trong thời gian này cần sử dụng các bài học tương đương trong sách giáo khoa cũ hoặc có thể tăng thời lượng trải nghiệm hay giáo dục vận động cho học sinh.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Bình Định) cho rằng, sách Tiếng Việt có lỗi, có sạn nhưng không đến nỗi nghiêm trọng. Sai sót là không tránh khỏi và có thể khắc phục được.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao đổi thêm. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta đang đổi mới giáo dục. Ai chịu trách nhiệm về sách giáo khoa, quy trình thẩm định, phê duyệt sách như nào đều được quy định bằng luật. Luật giáo dục đã quy định trách nhiệm này thuộc về Bộ trưởng Bộ Giao dục - Đào tạo.
“Nói điều đó để thấy luật đã quy định rõ ràng, tuy nhiên như những vấn đề khác, Chính phủ và Thủ tướng đều rất quan tâm. Sai đến đâu, sai mức nào phải có cơ quan chuyên môn. Qua những lần làm việc, có thể nói sách Tiếng Việt của nhóm Cánh Diều là có lỗi, có sai sót, có sạn. Cái lỗi này cần được tiếp thu cầu thị, khoa học”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nhìn nhận có sai sót. Bộ trưởng đã có các bước chỉ đạo và khá cương quyết.
“Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ trưởng là phải hết sức lưu ý. Những sai sót có thể tránh được phải rút kinh nghiệm nghiêm túc để quy trình biên soạn, thẩm định bộ sách giáo khoa lớp 6 năm nay và các năm sau không để xảy ra tình trạng như này”, Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ Giao dục - Đào tạo cần phải có việc “trao đi đổi lại”, cần đưa các bản thảo lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình phê duyệt để những người có kinh nghiệm dạy trẻ góp ý để tiếp thu.