Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giãn cách xã hội tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong"

0:00 / 0:00
0:00
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về một số điểm chú ý trong thực hiện chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 kiểm tra công tác phòng dịch. (Ảnh: TTXVN) Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 kiểm tra công tác phòng dịch. (Ảnh: TTXVN)

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 5553/VPCP-KGVX ngày 12/8/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về một số điểm chú ý trong thực hiện chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Văn bản nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng chống dịch nói chung và việc mua sắm vật tư thiết bị, nghiên cứu, nhập khẩu, sản xuất, phân bổ thuốc, vaccine và tổ chức tiêm vaccine nói riêng. Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực cao trong thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tổ chức thực hiện ở một số nơi, một số thời điểm còn chưa thật triệt để, nghiêm túc, hiệu quả. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn vẫn còn không ít nội dung chưa được kịp thời bổ sung, cập nhật phù hợp với diễn biến tình hình.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có ý kiến chỉ đạo như sau:

I. Bộ Y tế

1. Khẩn trương rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn để cập nhật kịp thời, phù hợp với diễn biến của tình hình. Cần phân biệt rõ các nội dung “cứng” yêu cầu các địa phương phải tuyệt đối tuân thủ và các nội dung “linh hoạt” để các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn phát huy tính chủ động, sáng tạo và thực hiện phù hợp, hiệu quả nhất. Trong đó đặc biệt lưu ý:

a) Các quy định, hướng dẫn về xét nghiệm để tránh tình trạng lạm dụng xét nghiệm, xét nghiệm thiếu trọng tâm, trọng điểm, vừa tốn kém vừa không kiểm soát được dịch bệnh.

b) Các quy định về chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh và những người nghi nhiễm đang cách ly nhằm giảm tỷ lệ người nhiễm, người nhiễm bệnh có triệu chứng, người bệnh tăng nặng… ở tất cả các tầng, các lớp chăm sóc, điều trị. Các cơ sở điều trị (kể cả bệnh viện dã chiến) phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, ô-xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế.

2. Căn cứ tình hình dịch bệnh và kịch bản ứng phó với dịch, hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản; kịp thời công bố, cập nhật danh mục vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch để các địa phương chủ động mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ”; khẩn trương tổ chức mua sắm một số trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương nếu tình hình dịch vượt quá kịch bản đã chuẩn bị.

3. Căn cứ diễn biến dịch bệnh, khả năng cung ứng vaccine từ tất cả các nguồn, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mua, nhập khẩu cho từng năm. Đối với các thỏa thuận nhập khẩu đã ký, cần tập trung thúc đẩy đối tác giao vaccine sớm nhất có thể (nhất là trong quý III năm 2021), hạn chế tối đa việc vaccine về quá muộn và dồn dập trong cùng một thời điểm, để quá hạn lãng phí.

Chỉ đạo tổ chức kiểm định vaccine đúng quy định, kịp thời; hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục các tổ chức, doanh nghiệp mua hoặc nhận vaccine tài trợ.

Thực hiện phân bổ theo đúng chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tiêm kịp thời, an toàn, không để tình trạng có vaccine mà không tiêm kịp thời dẫn tới lãng phí. Trong giai đoạn trước mắt khi lượng vaccine còn ít hơn nhu cầu, việc phân bổ vaccine cần tập trung cho các địa bàn, nhóm đối tượng cần bảo vệ cấp bách để hiệu quả sử dụng cao nhất. Việc phân bổ từng loại vaccine ngoài yếu tố chuyên môn (như mũi 1 và các mũi tiếp theo có tiêm các loại khác nhau không) cần chú ý tạo thuận lợi cho các địa phương trong công tác tổ chức tiêm. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức tiêm bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người dân, tuyệt đối không được để tập trung đông người, vi phạm quy định về thực hiện giãn cách khi tiêm vaccine cũng như khi xét nghiệm; không để lây lan dịch bệnh trong quá trình tiêm, xét nghiệm.

Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, thử nghiệm, chuẩn bị sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19; thực hiện việc cấp phép có điều kiện đối với vaccine, thuốc điều trị sản xuất trong nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV; đề xuất cơ chế mua, sử dụng vaccine sản xuất trong nước.

II. Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các phần mềm, công cụ công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là các phần mềm, công cụ phục vụ xét nghiệm, tiêm vaccine. Trường hợp phần mềm, công cụ chưa hoàn thiện hoặc sử dụng chưa thuận lợi, cần tạo điều kiện để các ngành, địa phương sử dụng các phần mềm, công cụ phù hợp (để ngay trước mắt các nhiệm vụ, công việc không bị ngưng trệ) và thực hiện các công việc cần thiết để tích hợp, liên kết thống nhất.

2. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông đảm bảo công khai minh bạch tạo đồng thuận, quyết tâm phòng, chống dịch trong toàn xã hội.

III. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế, phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo để chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản theo phương châm “4 tại chỗ”. Căn cứ quy định tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ động áp dụng các biện pháp bảo đảm đúng tinh thần có thể cao hơn, sớm hơn nhưng không được thấp hơn, chậm hơn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm quy định phòng, chống dịch. Trong đó cần chú ý:

1. Trong điều kiện dịch bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước, tất cả các địa phương đều cần thực hiện nghiêm túc phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện những người đến, về từ địa phương khác. Xử lý nghiêm người đến, về từ địa phương khác mà không khai báo và chính quyền cấp cơ sở khi không nắm được và không thực hiện các biện pháp quản lý y tế đối với người đến, về từ địa phương khác.

2. Khi thực hiện giãn cách xã hội nhất thiết phải thực hiện nghiêm, thực chất; tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, “chặt ngoài, lỏng trong”. Khi đã thực hiện giãn cách xã hội (ở mức độ nguy cơ cao nhất theo Quyết định 2686 và theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ) phải đảm bảo đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”. Đối với những người buộc phải di chuyển để khám, chữa bệnh, thực thi công vụ, sản xuất, lưu thông,… theo yêu cầu hoặc được sự cho phép của chính quyền thì cần được quản lý chặt chẽ, tăng cường các biện pháp bảo vệ (như tiêm vaccine) và xét nghiệm thường xuyên. Đối với các hộ gia đình, cần tăng cường giám sát y tế để bất kỳ người dân nào có triệu chứng đều được hỗ trợ y tế kịp thời. Thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, không để bất kỳ người dân nào thiếu đói.

3. Thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả; tránh lạm dụng xét nghiệm, lãng phí. Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nếu cần xét nghiệm tầm soát cộng đồng ở những thời điểm nhất định thì thực hiện lấy mẫu đại diện gia đình, xét nghiệm mẫu gộp; dành nguồn lực xét nghiệm để tăng tần suất đối với khu vực bệnh viện, các đối tượng nguy cơ cao (phải di chuyển ra khỏi nhà), người cao tuổi, có bệnh nền. Chú ý hướng dẫn người dân tự lấy mẫu để giảm tải cho lực lượng y tế.

4. Chủ động thực hiện cách ly F0, F1 tập trung hoặc tại nhà căn cứ tình hình dịch bệnh ở từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng trường hợp nhằm đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo (nếu cách ly tập trung) và lây lan ra cộng đồng (nếu cách ly tại nhà).

5. Việc tổ chức các tầng điều trị (mô hình 3 tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế) cần vận dụng linh hoạt phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương. Đặc biệt lưu ý không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly (tại các trung tâm thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết) và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng. Đối với các bệnh viện (kể cả bệnh viện dã chiến) cần bảo đảm nhân lực, thuốc, ô-xy y tế, trang thiết bị theo quy định để bảo đảm số giường điều trị thực chất.

Như Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục