Phó Thủ tướng: TP.HCM cần chuẩn bị cho doanh nghiệp sản xuất từng phần

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, TP.HCM cần nghiên cứu, xem xét các phương án cho doanh nghiệp sản xuất trở lại từng phần căn cứ trên diễn biến dịch bệnh.

Chiều 14/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc giao ban trực tuyến với TP.HCM về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn.

Đã hỗ trợ gần 131.000 người lao động tự do

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Sau 9 ngày triển khai chính sách hỗ trợ, TP đã hỗ trợ cho gần 131.000 người lao động tự do với tổng số tiền gần 196 tỷ đồng, trong đó có khoảng gần 9.000 người bán vé số, đạt 57% kế hoạch.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn (ảnh: TTBC)

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn (ảnh: TTBC)

Hiện Thành phố đã thành lập và chuẩn bị đưa vào hoạt động Bệnh viện hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu Thành phố. Đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện được tăng cường từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Ung bướu.

Bệnh viện hồi sức Covid-19 được trang bị trang thiết bị hiện đại, phòng bệnh rộng rãi, thông thoáng. TP.HCM đang chuẩn bị thêm các điều kiện để khi cần thiết có thể tăng công suất, đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.

Về công tác lấy mẫu xét nghiệm, ông Phong cho biết đang được triển khai đúng hướng; tập trung có trọng tâm, trọng điểm ở những nơi có nguy cơ cao; sự vận hành, phối hợp từ Thành phố đến các quận - huyện, TP. Thủ Đức đã đồng bộ, hài hòa hơn.

Tại các quận - huyện cũng đã thành lập Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND quận - huyện làm Tổ trưởng; đồng thời, tiếp nhận sự hỗ trợ về nguồn nhân lực từ Trung tâm điều hành xét nghiệm của Thành phố. Nhờ đó, việc trả kết quả xét nghiệm đảm bảo đúng thời hạn (mẫu đơn trong vòng 12 tiếng và mẫu gộp trong vòng 24 tiếng).

Việc cung ứng hàng hóa đã khắc phục được tình trạng khan hiếm cục bộ và khắc phục tình trạng chậm trễ khi giao các đơn hàng online. UBND TP.HCM đã giao Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá đột biến.

Thành phố cũng thành lập các đội ứng cứu nhanh để tiếp nhận và giải đáp kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân trên địa bàn từng quận, huyện, TP. Thủ Đức.

TP.HCM cần vận động người dân chia sẻ khó khăn

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, sau 6 ngày triển khai giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều vấn đề lúng túng ban đầu đã được khắc phục; công tác xét nghiệm đã bài bản hơn, góp phần quan trọng trong truy vết, điều tra dịch tễ. Các phần mềm hỗ trợ công tác phòng chống dịch cũng được xây dựng và sẵn sàng triển khai.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về sự nỗ lực của Thành phố để tổ chức lại đời sống sinh hoạt cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, nhất là đảm bảo cung ứng hàng hóa và hỗ trợ kịp thời các đối tượng khó khăn.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện tại, không thể đáp ứng nhu cầu như bình thường, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý công tác thông tin, truyền thông về tình hình dịch bệnh của TP.HCM không chỉ thông báo số ca mắc mà phải phân tích đầy đủ nguyên nhân, xu hướng các ổ dịch…

Việc này giúp người dân thêm lòng tin vào những giải pháp đang thực hiện cũng như những gì mỗi người cần làm để giữ được kết quả chống dịch.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng TP.HCM cần vận động người dân cùng chia sẻ khó khăn. (Ảnh: VGP)

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng TP.HCM cần vận động người dân cùng chia sẻ khó khăn. (Ảnh: VGP)

Bên cạnh đó, việc lưu thông của người dân trong Thành phố và với bên ngoài cũng cần được xem xét, điều chỉnh thêm để không bị ách tắc. TP.HCM là địa phương đầu tiên ứng dụng hệ thống phần mềm QR code nhận diện phương tiện ưu tiên ra/vào Thành phố, điều này rất tốt nhưng chống dịch cần phải là hệ thống đồng bộ, liên tỉnh mới thật sự hiệu quả.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với TP.HCM và các tỉnh, thành rà soát, nghiên cứu chuyển đổi sang phần mềm dùng chung.

“Vấn đề không phải ở kỹ thuật mà là sự thống nhất để đem lại hiệu quả cao nhất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuẩn bị cho doanh nghiệp sản xuất từng phần

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm trong các doanh nghiệp mà công nhân ở rải rác tại các quận, huyện, lãnh đạo TP.HCM đã thảo luận với hiệp hội doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, lãnh đạo địa phương để áp dụng phương án cho phép các doanh nghiệp thực hiện theo hai phương thức.

Thứ nhất là “ba tại chỗ”, gồm: Ăn nghỉ tại chỗ, sản xuất tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ trong khuôn viên sản xuất nhưng cũng phải bảo đảm an toàn.

Thứ hai là “hai điểm, một con đường”. Tức là nếu nơi sản xuất không có chỗ bố trí ăn nghỉ thì phải bố trí bên ngoài và phải bảo đảm an toàn phòng dịch, tổ chức xe đưa đón tập trung từ nơi nghỉ đến nơi sản xuất.

Một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tân Bình bố trí chỗ ăn ngủ cho công nhân tại công ty (ảnh: Trọng Tín)

Một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tân Bình bố trí chỗ ăn ngủ cho công nhân tại công ty (ảnh: Trọng Tín)

Nếu các doanh nghiệp bảo đảm điều kiện an toàn và thỏa mãn một trong hai phương thức, cùng với nhu cầu tiếp tục sản xuất thì cơ quan chức năng sẽ chuẩn bị để doanh nghiệp được sản xuất. Nếu không đảm bảo, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.

Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 07 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng lưu ý ngoài những doanh nghiệp thực hiện hai phương thức trên, thành phố cần nghiên cứu, xem xét các phương án cho doanh nghiệp sản xuất trở lại từng phần căn cứ trên diễn biến dịch bệnh.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục