Phó thủ tướng: Ngành Ngoại giao phát huy sức mạnh tổng hợp, đảm đương tốt vai trò tiên phong

Sau khi hợp nhất Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một phần nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ngành Ngoại giao đứng trước cơ hội phát huy cao độ hơn nữa sức mạnh tổng hợp để đảm đương tốt vai trò tiên phong.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Đức Thanh

Sáng 28/7, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc”.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao, hướng tới đại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, ngành Ngoại giao có một vinh dự vô cùng đặc biệt là được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, rèn luyện và dìu dắt trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Kế thừa truyền thống ngoại giao của ông cha qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dưới ánh sáng của Đảng và Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh suốt chặng đường 80 năm qua, Ngoại giao Việt Nam đã luôn tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc, có nhiều đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Khái quát những thành tựu và đóng góp của ngành Ngoại giao, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng ngoại giao như một vũ khí sắc bén để thêm bạn bớt thù, phân hóa hàng ngũ đối phương, giữ vững chính quyền non trẻ, tranh thủ thêm thời gian và lực lượng cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong thời gian đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng với các mặt trận chính trị và quân sự, ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Ngoại giao đã góp phần cụ thể hóa các thắng lợi trên chiến trường thành chiến thắng trên bàn đàm phán, chấm dứt chiến tranh.

Thứ hai, Ngoại giao Việt Nam luôn khẳng định vai trò tiên phong trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoại giao đã góp phần mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác; phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của đất nước, người dân, doanh nghiệp; huy động sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; tích cực quảng bá hình ảnh đất nước.

Đặc biệt, ngoại giao kinh tế đã trở thành nhiệm vụ trung tâm, một động lực quan trọng để phát triển đất nước. Việt Nam đã thu hút được hàng trăm tỷ USD vốn FDI, trở thành một trong Top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, là một mắt xích quan trọng trong 17 FTA gắn kết chúng ta với hơn 60 nền kinh tế quan trọng trên thế giới. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, đóng góp to lớn của ngoại giao vaccine đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều lần ghi nhận, tuyên dương.

Thứ ba, ngoại giao đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế đất nước, đưa Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ chính trị thế giới đến vai trò, vị trí ngày càng tăng trong nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.

“Từ thân phận một nước bị xem là “nhược tiểu”, ngày nay, trong con mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam là một quốc gia tầm trung có vai trò, vị thế ngày càng tăng trong ASEAN và ở khu vực, có đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc tham gia giải quyết các công việc chung của cộng đồng quốc tế”, Phó thủ tướng khẳng định.

Thứ tư, công tác xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ Ngoại giao đạt nhiều thành tựu vượt bậc. Từ chỗ chỉ có khoảng 20 cán bộ, nhân viên, Bộ Ngoại giao hiện nay đã có trên 2.000 cán bộ, nhân viên cả trong và ngoài nước. Chúng ta đã có hệ thống 98 Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và đang tiếp tục mở rộng hơn nữa sự hiện diện của đất nước trên bản đồ ngoại giao thế giới. Tổ chức bộ máy Bộ Ngoại giao đang ngày càng hoàn thiện, hiện đại.

Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, lịch sử 80 năm qua đã có nhiều nhà ngoại giao Việt Nam xuất sắc, được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng đã thể hiện trí tuệ và bản lĩnh được bạn bè quốc tế cũng như đối phương nể trọng. Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta tự hào đã bước đầu hình thành được nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp.

Để đạt được những thành tựu quan trọng nói trên, toàn ngành Ngoại giao rút ra một số bài học lớn: Đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược theo phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”; bài học về tầm quan trọng của đoàn kết, đồng thuận; bài học về không ngừng đổi mới tư duy và phương pháp triển khai đối ngoại, ngoại giao; và trên hết, bài học về vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước đối với công tác đối ngoại.

Ghi nhận đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao, Đảng và Nhà nước đã hai lần tặng thưởng Huân chương Sao vàng, hai lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Hội thảo khoa học “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc”. Ảnh: Đức Thanh

“Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chúng ta thành kính tưởng nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên và cũng là người Thầy lớn của nền Ngoại giao cách mạng. Chúng ta vô cùng biết ơn các thế hệ cán bộ ngoại giao tiền bối, đặc biệt là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thuỷ, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Cơ Thạch…. Chúng ta cũng không quên những đóng góp, cống hiến và hy sinh thầm lặng của lớp lớp thế hệ cán bộ Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương, những binh chủng hợp thành của nền ngoại giao cách mạng”, Phó thủ tướng nói.

Nhìn lại chặng đường vẻ vang đã đi qua, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn lưu ý, ngành Ngoại giao càng nhận thức rõ về sứ mệnh nặng nề nhưng cũng đầy vinh quang của ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là phải tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài đóng góp đắc lực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của đất nước, đặc biệt là các mục tiêu phát triển 2030 và 2045 mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra.

Đặc biệt, sau khi hợp nhất Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một phần nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ngành Ngoại giao đứng trước cơ hội phát huy cao độ hơn nữa sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân để đảm đương tốt vai trò tiên phong và nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt hiện nay, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Hội thảo làm rõ thêm các nguyên tắc kinh điển của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh như “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, bài học về độc lập, tự chủ, triết lý “Ngũ tri” trong xử lý quan hệ với các nước lớn. Xác định rõ bản sắc và giá trị cốt lõi của trường phái Ngoại giao Việt Nam. Đồng thời, đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, ngoại giao trong tình hình mới.

Thanh Huyền

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục