Phó thủ tướng khẳng định, những hành vi lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để phá hoại như đã xảy ra ở Bình Dương, Hà Tĩnh phải kiên quyết xử lý.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: Chính phủ đã giao Bộ Công an, Công an tỉnh phối hợp bảo đảm an ninh an toàn cho khu kinh tế, đồng thời tiếp tục điều tra, truy tố xét xử các đối tượng phá hoại vi phạm pháp luật bởi tính chất phá hoại là nhìn thấy rõ.
Hiện các bộ, UBND tỉnh, thành phố đang rà soát với các doanh nghiệp về những thiệt hại của họ, để có giải pháp cụ thể hỗ trợ, đưa các DN trở lại hoạt động, cả DN nước ngoài và Việt Nam. Cần phục hồi những nhà xưởng bị phá hoại, bị đốt.
Ở khu Vũng Áng có đến 36.000 lao động nhưng khi tình hình bất ổn, người lao động đã giảm nhiều. Do đó giải pháp về lao động phải được xem xét.
Những DN khó khăn về lương phải có giải pháp hỗ trợ để người lao động trở lại làm việc. Và có giải pháp về hỗ trợ tài chính, cơ chế thuế, trên cơ sở rà soát kỹ. Đối với DN cần hỗ trợ cấp bách thì các bộ, địa phương đang phải ngồi lại tìm giải pháp tùy thuộc vào khó khăn của từng DN cụ thể.
Thưa Phó thủ tướng, chúng ta đã có giải pháp gì để bù đắp lượng công nhân thiếu hụt ?
Trước hết, chúng ta phải làm việc với từng DN để phân loại lao động còn thiếu. Tôi đã chỉ đạo các tập đoàn của chúng ta trong nước, các bộ phải lưu ý. Ví dụ như LILAMA, các tập đoàn xây dựng rất lớn của chúng ta sẽ tập trung đáp ứng nhu cầu lao động thiếu.
Khó nhất hiện nay là các lao động cao cấp, kỹ sư, thiết kế, cũng phải phân loại để cùng với nhà thầu tìm nguồn cung ứng, từ trong nước hoặc từ các thị trường khác. Việc đó nhà thầu, các chủ đầu tư phải chuẩn bị.
Chính phủ, bộ ngành, UBND tỉnh phối hợp với họ để hỗ trợ giúp đỡ. Ngay trong chỉ thị của Thủ tướng, những thủ tục về lao động cũng được tháo gỡ tối đa, để trong lúc khó khăn cung ứng được lao động giúp các doanh nghiệp có thể quay trở lại nhanh nhất.
Thủ tướng cũng đã có thư động viên, gửi Chủ tịch Tập đoàn Fomosa (doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn trong vụ việc ở Hà Tĩnh), thể hiện cam kết của Chính phủ: giữ vững trật tự an ninh an toàn, bảo đảm cho nhà đầu tư và người lao động nước ngoài. Chính phủ luôn đứng bên cạnh DN và cùng DN tháo gỡ khó khăn, khăc phục thiệt hại.
Việc miễn, giảm thuế cho các DN Bình Dương, Vũng Áng có cần phải xin phép Quốc hội hay không, thưa Phó Thủ tướng ?
Đây mới là chỉ đạo khung của Thủ tướng. Cụ thể phải rà soát với từng DN, mỗi DN cần cách thức hỗ trợ khác nhau chứ không thể ốp khung đó vào. Có DN vướng tiền lương, có DN không vướng tiền lương, nhưng lại vướng về cung ứng. Hoặc là có DN không vướng về hoàn thuế VAT mà lại vướng về thông quan… Nhìn chung là các hình thức rất đa dạng mà chúng ta phải làm việc cụ thể mới có được.
Những chính sách miễn giảm thuế sẽ làm trong thẩm quyền của Chính phủ. Nếu vượt thẩm quyền thì Chính phủ sẽ xin phép Quốc hội. Để biết được có vượt thẩm quyền của Chính phủ hay không thì cần phải chờ rà soát đã.
Vậy việc rà soát dự kiến bao giờ sẽ xong, thưa Phó Thủ tướng?
Điều này phụ thuộc vào khả năng phối hợp của DN, mỗi DN khác nhau. Ví dụ, Bình Dương, Đồng Nai, nơi không bị ảnh hưởng nặng như ở Vũng Áng, những DN bị ảnh hưởng nhẹ đã quay trở lại làm việc ngay, nhưng những DN bị ảnh hưởng nhiều hơn sẽ phải mất thời gian hơn.