Phó Thủ tướng băn khoăn khi công nghiệp, xuất khẩu phụ thuộc FDI

0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, xuất khẩu phụ thuộc FDI là quá rõ mà chưa đánh giá được trong FDI có bao nhiêu là chuyển giao công nghệ.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Công thương năm 2023. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Công thương năm 2023.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, xuất khẩu phụ thuộc FDI là quá rõ mà chưa đánh giá được trong FDI có bao nhiêu là chuyển giao công nghệ.

Sản xuất công nghiệp đã đi qua năm 2023 đầy thăng trầm, với các chỉ số tăng trưởng ở mức thấp so với nhiều năm.

Số liệu công bố tại Hội nghị tổng kết ngành Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy có chuyển biến nhưng còn chậm, IIP toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng khoảng 2,3% (2022 tăng 7,4%), là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn 3,1% trong năm 2023 do sản xuất hàng gia công thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 vì nhu cầu thị trường thế giới giảm, thiếu hụt đơn hàng.

Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%,.

Chỉ số IIP của một số ngành trọng điểm trong xuất khẩu ước giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất trang phục ước giảm 1,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 1,9%; sản xuất xe có động cơ, rơ mooc ước giảm 5,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác ước giảm 7,7%.

Ngành thép, vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường bất động sản trong nước tiếp tục trầm lắng và nhu cầu thế giới giảm, cung vượt cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm.

Ngành dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại các loại và linh kiện cũng đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu (kim ngạch xuất khẩu của các ngành này lần lượt ước giảm 16,9%; 12,2%; 17,1% và 7,4% trong năm 2023)... đã đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Theo Cục Công nghiệp, đầu ra của phần lớn các ngành công nghiệp chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, nhất là với dệt may, da – giày, điện tử, chế biến thực phẩm, thép xây dựng… Năm 2023, kinh tế thế giới suy giảm, cầu hiện ở mức thấp ảnh hưởng lớn tới các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước, dẫn đến sản xuất công nghiệp sụt giảm đáng kể và hồi phục rất chậm.

Việc chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao có phần chững lại.

Báo cáo cho hay, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo ước giảm nhẹ từ 86% năm 2022 xuống còn 85% năm 2023.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do sụt giảm đơn hàng, chi phí vốn tăng ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất.

Lãi suất tăng, tỷ giá đồng USD tăng cao dẫn đến giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng khiến chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp sản xuất tăng cao, giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu. Tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khó khăn hơn, các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn...

Năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến việc tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp trong nước.

Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn chậm.

Do đó, chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Chưa có sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, sản xuất công nghiệp, thương mại đã đi qua năm 2023 đầy sóng gió. Nếu tháng 1/2023, sản xuất công nghiệp giảm sâu (giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước), xảy ra ở diện rộng, nhất là các địa phương đóng góp nguồn thu lớn, thì đã dần hồi phục trong những tháng cuối năm.

Nhưng về tổng thể, sản xuất công nghiệp vẫn chưa đạt kỳ vọng. Phó Thủ tướng băn khoăn khi chỉ số sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo giảm.

"Công nghiệp chế biến chế tạo là nền tảng cho các ngành công nghiệp khác, nhưng có lĩnh vực giảm khá sâu 43% như điện tử".

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, xuất khẩu phụ thuộc FDI là quá rõ mà chưa đánh giá được trong FDI có bao nhiêu là chuyển giao công nghệ. Ngành Công thương cần xem xét, cho ý kiến lựa chọn lĩnh vực để thu hút FDI, nếu tới đây thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, thì làm sao phải nắm bắt được công nghệ trong chuỗi để có thêm giá trị gia tăng, chứ không chỉ là gia công như sản xuất giày dép và may mặc.

"Đây là những vấn đề lớn, phải xây dựng chiến lược để thu hút FDI, vừa phải xây dựng được ngành công nghiệp chiến lược của Việt Nam. Chúng ta có thể đi sau nhưng có chính sách khéo léo sẽ vươn lên được", Phó thủ tướng nói.

Ông Phan Văn Tài, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải cho hay, thị trường khó khăn, tiêu dùng giảm đã tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Doanh số bán xe trong năm 2023 của Tập đoàn giảm 25%, doanh thu mảng cơ khí giảm 20%...

Đề xuất các giải pháp tạo động lực sản xuất kinh doanh thời gian tới, ông Tài cho biết, Thaco hiện đang hợp tác với các đối tác sản xuất các sản phẩm mới, sản phẩm xanh, giảm phát thải, Tập đoàn đề xuất Bộ Công thương có cơ chế ưu đãi để thúc đẩy sản xuất các dòng xe thân thiện môi trường, sớm hoàn thiện Luật công nghiệp trọng điểm để thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp, xây dựng nền công nghiệp tự chủ...

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục