Nếu nhìn lại năm 2016, bà ấn tượng nhất điều gì trong số nhiều thành quả mà hệ thống ngân hàng đã đạt được?
Thực tế, năm 2016, hệ thống ngân hàng đã làm được rất nhiều việc và một trong những điểm khiến tôi ấn tượng nhiều liên quan đến sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm sát sao với các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh cho người dân tại địa phương có sự cố.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các chính sách tiền tệ để ổn định thanh khoản hệ thống.
Cụ thể, Thống đốc chỉ đạo các đơn vị vụ, cục chức năng, Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn thành lập tổ sẵn sàng hỗ trợ thực hiện phương án khoanh nợ, miễn giảm lãi, thực hiện cho vay để người dân tiếp tục sản xuất; chỉ đạo ngân hàng thương mại nhà nước cho vay thu mua tạm trữ hải sản tại các tỉnh miền Trung.
Theo đó, các ngân hàng đã hỗ trợ 7.000 khách hàng với số tiền 1.500 tỷ đồng, cho vay mới trên 200 tỷ đồng. Những quyết sách, hành động kịp thời đã phần nào làm vơi nỗi vất vả của người dân.
Hiện nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, kinh tế thế giới trong năm 2017 tiềm ẩn nhiều bất ổn khi chưa biết các chính sách của Mỹ sẽ thay đổi thế nào dưới thời Tổng thống Donald Trump. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
Năm 2017 sẽ có nhiều biến động và thử thách cho các thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam. Sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ, thị trường kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nếu chính phủ nhiệm kỳ mới của Mỹ thực hiện cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất khoảng 2 - 3 lần trong năm 2017 do triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát tăng. Đây là một bài toán khó cho rất nhiều nền kinh tế mới nổi khi chi phí vay vốn bằng USD sẽ tăng cao.
Ngoài ra, USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá so với đồng tiền của các thị trường mới nổi do kỳ vọng Fed tăng lãi suất. Xu hướng này sẽ gây khó cho ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi khi dư địa cắt giảm lãi suất hầu như không còn.
Thông thường, các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đồng nội tệ mất giá so với USD và lãi suất USD có xu hướng tăng, việc cắt giảm lãi suất sẽ khó thực hiện được.
Hiện chúng ta chưa biết ông Donald Trump sẽ có các chính sách gì khi chính thức tiếp nhận chức vụ Tổng thống. Tuy nhiên, chắc chắn nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới sẽ có nhiều biến động.
Mặc dù trước mắt có nhiều khó khăn với những diễn biến khó đoán định của cả trong nước và thế giới, quan điểm của tôi cũng tương đồng với kết quả cuộc Điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước hoàn thành gần đây, các tổ chức tín dụng vững tin vào những bước phát triển mới trong năm 2017.
Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vậy theo bà, đâu là cơ hội cũng như thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong tiến trình này?
Kinh tế Việt Nam những năm qua đã có nhiều thành tựu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nếu không nhận diện được thì sẽ khó đạt thành công.
Kinh tế hội nhập mạnh mẽ đồng nghĩa thương mại, luồng đầu tư sẽ luân chuyển mạnh với quy mô lớn, sẽ tác động đến điều hành chính sách tiền tệ. Có nhiều chỉ tiêu kinh tế gắn với thị trường quốc tế như tỷ giá, lãi suất, dòng vốn vào ra…, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bám sát diễn biến thực tế để chủ động điều hành.
Cơ hội đó là sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào chuyển giao kỹ năng quản lý công nghệ, giúp đa dạng hoá dịch vụ tài chính cung cấp cho nền kinh tế với những sản phẩm tiên tiến. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt, đòi hỏi các ngân hàng phải có sự thay đổi để hoạt động an toàn, hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của hệ thống thanh toán, tăng nguồn thu từ dịch vụ…
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay trung - dài hạn trong năm 2017. Vậy Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp gì để hiện thực hóa mục tiêu này, thưa bà?
Mặc dù kinh tế thế giới sẽ có những biến động bất ngờ trong năm 2017, nhưng tôi tin tưởng, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định. Đặc biệt, cam kết của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới bao gồm đổi mới khu vực tài chính và doanh nghiệp công sẽ giúp đưa Việt Nam tới con đường phát triển bền vững trong tương lai.
Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn phải đối mặt với những vấn đề rất thường ngày, thậm chí còn khó khăn hơn so với năm 2016. Chẳng hạn, giải bài toán giảm lãi suất cho vay như thế nào trong bối cảnh lạm phát năm 2017 có khả năng tăng trở lại, đồng thời với đó là cầu tăng, khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tiếp tục ở mức lớn?
Bà Nguyễn Thị Hồng
Trong lúc Chính phủ đang từng bước thực hiện những cải cách cần thiết để đưa tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững hơn, chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế nhiều khó khăn khi dư địa cho nới lỏng tiền tệ đều bị giới hạn.
Tôi muốn chia sẻ thêm, mục tiêu lạm phát năm 2017 là trung bình 4% và để đạt được sẽ rất khó khăn. Nếu phát huy cách thức phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách quản lý giá và chính sách kinh tế vĩ mô khác như năm 2016, lạm phát năm 2017 có thể đạt được mục tiêu đề ra. Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát thì phạm vi, mức độ giảm lãi suất sẽ bị hạn chế.
Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn xác định đặt mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016 và nếu có điều kiện sẽ giảm cho từng đối tượng cụ thể. Theo đó, năm 2017, thông qua thị trường liên ngân hàng, nghiệp vụ thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành thanh khoản, lãi suất hợp lý để các tổ chức tín dụng gặp khó khăn huy động vốn trên thị trường này không phải quay ra thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế).
Đối với các tổ chức tín dụng, cần cân đối nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn hợp lý; sử dụng chi phí hợp lý để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Còn câu chuyện điều hành tỷ giá sẽ thế nào trước biến động khó lường của thị trường tài chính thế giới?
Đối với thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm được công bố hàng ngày trên cơ sở yếu tố biến động các đồng tiền có tỷ trọng thương mại lớn ở Việt Nam, diễn biến trong nước, xem xét tỷ giá biến động phù hợp cân đối kinh tế vĩ mô. Tất cả nhằm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, qua đó gia tăng niềm tin của người dân vào đồng nội tệ.
Như tôi đã chia sẻ, kinh tế thế giới, đặc biệt là thị trường tài chính toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Trong khi đó, độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, hội nhập sâu rộng, nên những yếu tố tác động rất phức tạp. Bởi vậy, việc điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối phải theo dõi sát diễn biến hàng ngày, hàng giờ, sẵn sàng phương án dự phòng phản ứng nhanh với biến động trên thế giới và trong nước.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thanh khoản hệ thống; phối hợp điều hành lãi suất với điều hành tỷ giá để ngăn chặn đầu cơ trên thị trường.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dành gói tín dụng 50.000 - 60.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vậy hệ thống ngân hàng đã có những chuẩn bị gì cho gói tín dụng này?
Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành theo phương châm: mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, cảnh báo lĩnh vực rủi ro bất động sản. Tập trung tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực nhận được rất nhiều sự quan tâm, chỉ đạo.
Trên thực tế thời gian qua, có nhiều giải pháp cho vấn đề nguồn vốn, chẳng hạn gói tín dụng hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện lạm phát tăng trở lại, Ngân hàng Nhà nước còn nhiều nhiệm vụ như tái cấp vốn cho vay trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tái cơ cấu…, với những thách thức không nhỏ, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất với Chính phủ cách thức triển khai gói tín dụng này trên tinh thần là các ngân hàng thương mại sẽ cân đối nguồn vốn từ chính các nguồn vốn của ngân hàng, chủ lực là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
Để nguồn tín dụng được giải ngân, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cụ thể các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tiêu chí, cung cấp địa chỉ để Ngân hàng Nhà nước hướng dòng tín dụng vào đối tượng này.