Phó Thống đốc: Hoàn thiện khung pháp lý cho tài chính vi mô phát triển

Phát biểu tại tọa đàm “Tài chính vi mô trong phát triển tài chính toàn diện” ngày 12/12, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, năm 2019, NHNN sẽ đặc biệt quan tâm đến mô hình tài chính vi mô bởi đây là một trong những công cụ phát triển tài chính toàn diện quốc gia.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Năm 2019 sẽ là "năm tài chính vi mô" Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Năm 2019 sẽ là "năm tài chính vi mô"

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, những người nghèo và người có thu nhập thấp trên thế giới thường khó có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức do một số rào cản về năng lực, hiểu biết tài chính, khả năng tiếp cận và thiếu tài sản thế chấp khi tiếp cận với dịch vụ tín dụng chính thức. Tài chính vi mô ra đời bù đắp được khoảng trống này.  Do đó, tài chính vi mô được coi là công cụ phát triển của người nghèo, chứ không chỉ là dịch vụ tài chính đơn thuần.

Thực tế, không chỉ riêng Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, tài chính vi mô là công cụ hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo. Ở nước ta, Chính phủ và NHNN đặc biệt quan tâm đến hoạt động và sự phát triển của tài chính vi mô. Điều này thể hiện thông qua việc Chính phủ đã phê duyệt đề án của NHNN về “Xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020”.    

Mặc dù ghi nhận vai trò quan trọng của mô hình tài chính vi mô, song Phó Thống đốc cũng thừa nhận, cơ chế, hành lang pháp lý với lĩnh vực này chưa hoàn thiện. Số tổ chức tài chính vi mô được cấp phép chưa nhiều trong khi số tổ chức tài chính vi mô bán chính thức trên cả nước còn nhiều, do đó cần sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý để giúp các tổ chức này được chính thức hóa.

Các tổ chưc tài chính vi mô cũng đưa ra một số vướng mắc trong hoạt động kiến nghị NHNN tháo gỡ. Cụ thể, bà Dương Thị Ngọc Linh- Tổng Giám đốc tổ chức Tài chính vi mô Tình thương (TYM) cho rằng, NHNN cần bổ sung người thu nhập thấp vào đối tượng phục vụ của các tổ chức tài chính vi mô.

Cụ thể, Thông tư 03/2018/TT-NHNN quy định đối tượng của tổ chức tài chính vi mô chỉ là người nghèo, cận nghèo trong khi có tới hơn 90% đối tượng phục vụ của TYM lại là người có thu nhập thấp. Nếu theo Thông tư trên, tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ bị đóng cửa.

Trong khi đó, bà Lê Thị Lân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng (CFRC), chỉ ra một vướng mắc lớn nhất hiện nay dù Luật các tổ chức tín dụng có quy định, các tổ chức phi chính phủ được phép hoạt động tài chính vi mô nhưng phải xin xác nhận từ Bộ Nội vụ. Song hiện nay khái niệm tổ chức phi chính phủ không tồn tại trong thể chế nên Bộ Nội vụ từ chối xác nhận.Điều này khiến nhiều tổ chức tài chính vi mô bị chậm trễ trong khâu cấp phép.

Trước những vướng mắc của các tổ chức tài chính vi mô, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận, khuôn khổ pháp lý hiện nay không chỉ bị chi phối bởi Quyết định 20 nêu trên mà còn hàng loạt quy định khác như: nguồn vốn hoạt động lại liên quan đến Nghị định 93 và 38; tổ chức phi chính phủ nước ngoài lại liên quan đến Nghị định 12  (Bộ Ngoại giao tham mưu). “Và muốn sửa những cái này thì Chính phủ phải đóng vai trò nhạc trưởng điều hành thì mới đảm bảo hỗ trợ cho các bên liên quan”, ông Kiên nói.

Dù vậy, điện NHNN cũng khẳng định sẽ tích cực tham gia tháo gỡ những vướng mắc để các tổ chức tài chính vi mô phát triển mạnh thời gian tới. Năm 2019 được NHNN xác định là “năm tài chính vi mô” để từng bước đẩy mạnh tài chính toàn diện quốc gia.

Trong khuôn khổ tọa đàm sáng nay, NHNN cũng đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn nguồn lực tài chính vi mô doanh nghiệp nhỏ và vừa (VMFWG) tổ chức Lễ trao giải thưởng “Doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi - Việt Nam (CMA) 2018”.

Đây là một hoạt động thường niên toàn cầu do Quỹ Citi/ Ngân hàng Citi - Việt Nam tài trợ nhằm ghi nhận và tôn vinh các doanh nhân vi mô đã có những sáng kiến trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả và các Tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu đã có những đóng góp đáng kể trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô bền vững tại Việt Nam đến năm 2020, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.

Phó Thống đốc: Hoàn thiện khung pháp lý cho tài chính vi mô phát triển ảnh 1

Năm 2018 là năm thứ 12 Chương trình CMA tổ chức tại Việt Nam. Ban tổ chức Chương trình CMA 2018 đã nhận được hơn 100 hồ sơ tham dự chương trình và đã lựa chọn 30 cá nhân và 04 Tổ chức Tài chính vi mô tiêu biểu đạt giải thưởng lần này.

Mỗi cá nhân được vinh danh là doanh nhân vi mô tiêu biểu hôm nay cũng như hơn 450 cá nhân được vinh danh trong suốt 12 năm qua thực sự là những câu chuyện điển hình về sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, gia đình với sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực của các tổ chức TCVM đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn trở thành những hộ gia đình có thu nhập khá, có ảnh hưởng lan tỏa tích cực tới xóa đói giảm nghèo ở địa phương”, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo CMA 2018 ghi nhận.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục