Theo quy định, đến ngày 7/7 tới là hết hạn người sử dụng ví điện tử phải hoàn tất xác thực thông tin cá nhân để duy trì việc sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, đang có những ý kiến ngại ngần từ phía người sử dụng dịch vụ khi phải thực hiện việc này, vì e ngại thông tin cá nhân có rủi ro khó được bảo mật...
Liên quan đến nội dung trên, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020 diễn ra chiều tối nay (2/6), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, việc người sử dụng ví điện tử phải xác thực thông tin cá nhân chính là tuân thủ quy định của pháp luật và là bảo vệ sự an toàn cho giao dịch của người sử dụng dịch vụ.
“Các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm bảo mật thông tin xác thực của khách hàng khi sử dụng ví điện tử. Chúng tôi khuyến cáo người sử dụng dịch vụ không nên cung cấp thông tin, hoặc để lộ lọt thông tin ví điện tử cho những người không tin tưởng, đồng thời chỉ sử dụng dịch vụ khi liên kết với hệ thống cung cấp dịch vụ giao dịch chính thức theo quy định của pháp luật, để đảm bảo thông tin được bảo mật...”, ông Tú lưu ý.
Liên quan đến một lĩnh vực quản lý khác của Ngân hàng Nhà nước, trả lời câu hỏi của báo giới, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, ngành ngân hàng có hạ chuẩn cho vay không, một mặt chia sẻ nhu cầu vốn của doanh nghiệp gia tăng để phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu dịch Covid-19 là chính đáng, nhưng tương tự như thông điệp của các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khác đã nhiều lần tái khẳng định, ông Tú cho biết, ngân hàng không hạ chuẩn cho vay, vì làm việc này đồng nghĩa với rủi ro gia tăng nợ xấu, gây mất an toàn hoạt động cho từng tổ chức tín dụng cũng như hệ thống ngân hàng quốc gia.
“Ngành ngân hàng đang thực hiện song song hai nhiệm vụ là vừa đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, vừa đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng…”, ông Tú cho hay.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh như giãn, hoãn thời gian trả các khoản nợ đến hết năm 2020.
“Chúng tôi đang xem xét thực tế khó khăn của doanh nghiệp, để tính toán phương án điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm giải quyết nhu cầu vốn lành mạnh của doanh nghiệp. Hiện với các doanh nghiệp có dự án tốt, thì việc tiếp cận vốn đang tích cực…”, ông Tú nói.