Phó Chủ tịch WB: “NHNN có quá nhiều mục tiêu và ít tính độc lập“

(ĐTCK) Khi Việt Nam đang bước cao hơn trên nấc thang thu nhập trung bình, cần một cách tiếp cận khác biệt nhằm phát triển ngành tài chính để chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới, đón nhận các cơ hội kinh tế từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Để thành công trong việc hội nhập ngành ngân hàng, cần có môi trường trong nước hấp dẫn và sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng, cả nước ngoài và trong nước, quốc doanh và tư nhân Để thành công trong việc hội nhập ngành ngân hàng, cần có môi trường trong nước hấp dẫn và sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng, cả nước ngoài và trong nước, quốc doanh và tư nhân

Sự phát triển đáng ghi nhận sau Đổi mới

Việt Nam đã có quá trình phát triển đáng ghi nhận kể từ khi chuyển đổi nền kinh tế vào năm 1986, bao gồm sự tăng trưởng của các tổ chức trung gian tài chính chính thức và sự tăng trưởng sâu rộng của ngành tài chính. Tài sản của hệ thống tài chính hiện nay đã gấp 2 lần GDP.

Vào năm 2001, chỉ có khoảng 200.000 tài khoản ngân hàng cá nhân trên toàn quốc và thẻ tín dụng/ghi nợ, máy ATM hầu như không có. Nhưng đến giữa năm 2013, khoảng hơn 20% dân số trưởng thành có tài khoản cá nhân, khoảng 57,1 triệu thẻ tín dụng/ghi nợ được phát hành, gần 14.300 cây ATM và 104.400 điểm POS đi vào hoạt động…

Tuy nhiên, sự mở rộng tín dụng quá mức sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 đã dẫn đến một giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát và nợ xấu gia tăng. Phương pháp cho vay không lành mạnh, yếu kém trong quản trị ngân hàng và sự giám sát lỏng lẻo là các lý do dẫn đến tình trạng gia tăng nợ xấu trong ngành ngân hàng và có tác động tiêu cực đến các tổ chức trung gian tài chính vào năm 2011.

Ngày 1/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 254/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, đây là một phần của gói cải cách nhằm thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô. Cho đến nay, ngành ngân hàng đã có những tiến bộ đáng kể. Đáng chú ý nhất là cuộc khủng hoảng thanh khoản mang tính hệ thống đã bị đẩy lùi, sự giám sát và các quy định của hệ thống ngân hàng được tăng cường, nợ xấu giảm mạnh, số lượng ngân hàng giảm theo hướng sáp nhập, hợp nhất.

Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương 

Các thế hệ cải cách ngành ngân hàng

Thế hệ đầu tiên của những cải cách ngành ngân hàng bắt đầu từ năm 2011 - 2012, nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng về thanh khoản. Giai đoạn thứ hai của cải cách tập trung vào cải thiện sức khoẻ của ngành ngân hàng và sự ổn định của hệ thống tài chính bằng cách thúc đẩy các quy định giám sát nghiêm ngặt và áp dụng việc quản lý rủi ro tốt hơn thông qua áp dụng dần các nguyên tắc Basel II. Tiếp sau đó là cách tiếp cận dài hạn trong việc giải quyết nợ xấu với việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Cải cách ngành ngân hàng được đẩy mạnh trong năm 2015, trong dó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại 3 ngân hàng nhỏ và đưa các nhà quản lý có kinh nghiệm của các ngân hàng lớn vào những vị trí chủ chốt nhằm thúc đẩy cải tiến hoạt động kinh doanh của 3 ngân hàng này.

Bên cạnh đó, có một số cuộc sáp nhập những ngân hàng thương mại cổ phần mạnh hơn với nhau. Những bước đi này đã làm giảm một số rủi ro hệ thống được xác định trong Chương trình đánh giá ngành tài chính (FSAP) do Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tiến hành năm 2012.

Một bước tiến lớn trong xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng là việc thành lập VAMC. Kể từ khi thành lập vào tháng 7/2013, công ty này đã mua hơn 8,5 tỷ USD nợ xấu và đổi các khoản nợ này thành các trái phiếu với lãi suất bằng 0.

Tuy nợ xấu giảm, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, trong khi NHNN yêu cầu các ngân hàng dự phòng cho các khoản nợ xấu đã chuyển giao trong một thời hạn nhất định (hiện nay đã tăng từ 5 đến 10 năm). Hơn nữa, nếu không củng cố các biện pháp phân bổ tín dụng của ngành ngân hàng, cải cách các quy định cần thiết và thắt chặt giám sát hơn nữa, thì nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trên bảng cân đối của các ngân hàng.

Một vấn đề khác liên quan đến khả năng của VAMC trong việc giải quyết các khoản nợ xấu là vào trung tuần tháng 9/2015, VAMC đã giải quyết các khoản nợ xấu tương đương gần 600 triệu USD (7% trong tổng số nợ xấu), nhưng chỉ thu về được 150 triệu USD từ việc bán các khoản nợ xấu và nắm giữ các tài sản đảm bảo. Nỗ lực của VAMC bị ảnh hưởng bởi thiếu các quy định pháp lý thuận lợi về phá sản, định giá tài sản, nắm giữ tài sản đảm bảo...

Tuy nhiên, các quy định mới có hiệu lực từ 15/10/2015 sẽ giúp giảm bớt những khó khăn này khi đưa ra cơ chế giá trị thị trường hợp lý cho việc mua bán nợ xấu của VAMC và cho phép xử lý nợ xấu linh hoạt hơn, bao gồm cả việc bán trực tiếp.

Thách thức trong cải cách ngành ngân hàng và nâng cao khả năng giám sát

Nhiệm vụ phát triển ngành ngân hàng một cách ổn định và đa dạng tại Việt Nam đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và lâu dài. Thách thức đầu tiên là phải giải quyết các khoản nợ xấu lớn vẫn đang tồn tại. Một khởi điểm tốt có thể là những cuộc kiểm toán bí mật (bao gồm kiểm toán hoạt động) bởi các công ty quốc tế có uy tín và áp dụng mạnh mẽ các chuẩn mực về giám sát với các quy định không được xoá nợ.

Với những ngân hàng được cho là lành mạnh và ổn định, việc giải quyết nợ xấu là bán trực tiếp các tài sản thế chấp liên quan tới nợ xấu, chuyển giao nợ xấu và các khoản thế chấp theo khung pháp lý mạnh mẽ hơn cho VAMC quản lý, thu hồi và bán.

Với những ngân hàng được cho là không có khả năng trả nợ, có thể đóng cửa, sáp nhập với các ngân hàng mạnh hơn, hoặc bán (trực tiếp hoặc thông qua VAMC).

Một số yếu tố làm hạn chế việc thực thi có hiệu quả các chức năng của NHNN là có quá nhiều mục tiêu và ít tính độc lập.

Việc cải thiện hiệu quả của ngành ngân hàng trong tương lai cần phải dựa vào việc thực thi tốt hơn các quy định mới và giám sát rủi ro của các ngân hàng.

Hiện tại, việc điều tiết và giám sát ngân hàng đối mặt với không ít thách thức, trong khi mức độ tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi trong Basel vẫn còn thấp. Việc kết hợp các chức năng giám sát thận trọng (tập trung vào sự an toàn, liêm chính và lành mạnh của hệ thống ngân hàng) và chức năng “tổng thanh tra” (tập trung vào giám sát vi phạm các quy trình thủ tục hành chính) đã làm suy giảm chức năng cốt lõi về giám sát thận trọng của NHNN.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra các ngân hàng thương mại nhà nước của NHNN đã không được thực hiện trong vài năm, một phần là tránh sự chồng chéo với Tổng Thanh tra và Kiểm toán nhà nước.

Ngoài ra, việc giám sát từ xa vẫn đang trong giai đoạn khởi động; chuẩn mực báo cáo tài chính và kế toán có nhiều điểm khác với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Một số yếu tố làm hạn chế việc thực thi có hiệu quả các chức năng của NHNN là có quá nhiều mục tiêu và ít tính độc lập.

Cơ hội mới từ hội nhập quốc tế sâu rộng

Kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng trong thương mại và đầu tư. Giá trị xuất khẩu tăng từ 48 triệu USD vào năm 2007 lên 162 triệu USD vào năm 2015 và tổng giá trị đầu tư FDI cam kết trong giai đoạn 2007 - 2015 đạt 233 tỷ USD, gấp 6,6 lần so với giai đoạn 2000 - 2006.

Mục tiêu của hội nhập khu vực AEC là tạo ra một thị trường chung cạnh tranh với việc thông thương tự do hàng hoá, dịch vụ, nguồn vốn đầu tư và lao động có kỹ năng, sau việc tự do hóa bắt đầu từ 31/12/2015, bao gồm cả việc giảm thuế quan và tinh giản một số thủ tục hành chính. Hiệp định TPP và EVFTA cũng đem lại những cơ hội lớn nhằm mở rộng thương mại, đầu tư hàng hoá và dịch vụ (bao gồm cả các dịch vụ tài chính).

Đáng chú ý, Việt Nam có nhiều nỗ lực hội nhập ngân hàng với khối ASEAN. Tháng 3/2015, các thống đốc ngân hàng trung ương của các nước ASEAN đã ký Khuôn khổ hội nhập ngân hàng ASEAN (ABIF) với 3 mục tiêu chính: tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài tham gia thị trường nội địa, loại bỏ phân biệt đối xử đối với các ngân hàng nước ngoài và tinh giản quy định ngân hàng trong khu vực để dịch chuyển theo hướng xây dựng AEC vào cuối năm 2015.

Hội nhập yêu cầu Việt Nam mở cửa thị trường cho các ngân hàng nước ngoài và dần dần mở cửa cả tài khoản vốn. Việc gia nhập thị trường của các ngân hàng nước ngoài sẽ tạo cơ hội mở rộng việc tiếp cận nguồn tài chính cho các doanh nghiệp chưa được tiếp cận dịch vụ đầy đủ, đặc biệt là các hộ gia đình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như mở rộng các kênh đáp ứng nhu cầu tài chính dài hạn cho đầu tư cơ sở hạ tầng cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Việc hội nhập sâu rộng hơn cũng cung cấp các cơ hội cho đầu tư chiến lược nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng và đẩy mạnh hoạt động M&A.

Phó Chủ tịch WB: “NHNN có quá nhiều mục tiêu và ít tính độc lập“ ảnh 2

Hội nhập yêu cầu Việt Nam mở cửa thị trường cho các ngân hàng nước ngoài và dần dần mở cửa cả tài khoản vốn. 

Hướng đến tương lai

Ngành ngân hàng có một vai trò quan trọng trong việc mở rộng tiếp cận các dịch vụ tài chính và định hướng đất nước trở thành nước công nghiệp hoá và hiện đại hóa vào năm 2035 (cùng với Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới gần đây đã công bố Báo cáo Việt Nam 2035, trong đó có các khuyến nghị dành cho ngành ngân hàng).

Sẽ có các cơ hội kinh tế lớn trong tương lai nhờ AEC, TPP, EVFTA. Tuy nhiên, để thành công trong việc hội nhập ngành ngân hàng, cần có môi trường trong nước hấp dẫn và sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng, cả nước ngoài và trong nước, quốc doanh và tư nhân.

Một hệ thống luật pháp lành mạnh, quyền sở hữu tài sản rõ ràng, giám sát thận trọng, độc lập, mạnh mẽ và các tiêu chuẩn quản trị tốt, bao gồm tính minh bạch và công khai thường xuyên các tài khoản, kết quả kiểm toán phù hợp với các chuẩn mực quốc tế là điều cần thiết.

Cải tiến trong những lĩnh vực nêu trên sẽ mang tính quyết định, giúp ngành ngân hàng Việt Nam có được những lợi ích đầy đủ từ các cơ hội hội nhập toàn cầu.

Bà Victoria Kwakwa,
(Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương) 


Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2016

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục