Phó Chủ tịch LienVietPostBank và bài học “lấy nông dân làm gốc”

(ĐTCK) Trong khi một số ngân hàng nông thôn chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng đô thị thì Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) lại “ngược dòng” tìm đến với những vùng đất khó khăn, đến với những người nông dân.
Nhiều năm nay, mỗi dịp Tết đến Xuân về, LienVietPostBank lại mang quần áo ấm, chăn màn và trao tặng bò cho người nghèo huyện Xín Mần, Hà Giang. Chương trình năm nay có sự đồng hành của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nhiều năm nay, mỗi dịp Tết đến Xuân về, LienVietPostBank lại mang quần áo ấm, chăn màn và trao tặng bò cho người nghèo huyện Xín Mần, Hà Giang. Chương trình năm nay có sự đồng hành của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

“Lấy nông dân làm gốc”, theo chia sẻ của TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực LienVietPostBank, không phải khẩu hiệu khô cứng, mà chính là bài học thành công của Ngân hàng. 

Lại thêm một cái Tết LienVietPostBank mang “hơi ấm” đến huyện Xín Mần, Hà Giang. Điều gì thôi thúc các cán bộ ngân hàng trèo đèo lội suối đến với bà con vùng sâu, vùng xa như vậy, thưa ông?

Thứ nhất, các hoạt động xã hội luôn được LienVietPostBank gắn với hoạt động kinh doanh, bởi chúng ta sống trong xã hội thì phải phục vụ xã hội. Thứ hai, khi chúng ta đem lại niềm vui cho người khác, chúng ta cũng mang lại hạnh phúc cho chính mình.

Những việc làm từ thiện của chúng tôi, cũng như hoạt động thúc đẩy sản xuất hàng hóa ở các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, không chỉ có ý nghĩa kinh tế - xã hội, mà còn có ý nghĩa với sự phát triển lâu dài của LienVietPostBank, bởi đây chính là đối tượng khách hàng của Ngân hàng.

Từ khi sáp nhập hệ thống tiết kiệm bưu điện, chúng tôi đã đúc kết bài học tưởng rất cũ, nhưng rất thực tế. Đó là huy động vốn tiết kiệm phải từ người nghèo.

- TS. Nguyễn Đức Hưởng, 
Phó chủ tịch thường trực LienVietPostBank.

Đến với Xín Mần, chúng tôi đến bằng cái tâm thật. Ngay Công ty cổ phần Phát triển Xín Mần, do Him Lam và LienVietPostBank góp cổ phần có quy chế kinh doanh có lãi, nhưng không đem lợi nhuận ra khỏi Xín Mần.

LienVietPostBank kiếm lãi ở nơi khác và mang về phục vụ cho bà con ở đây. Nhưng tương lai không xa, tôi tin Xín Mần sẽ phát triển hơn rất nhiều huyện miền núi, thậm chí cả huyện đồng bằng, nếu như chúng ta lao tâm khổ tứ tập trung nghiên cứu phát triển kinh tế ở đây. 

LienVietPostBank có lẽ là ngân hàng thương mại cổ phần duy nhất mở chi nhánh ở những vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Ban lãnh đạo Ngân hàng đã bao giờ băn khoăn việc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả kinh doanh?

Từ khi sáp nhập hệ thống tiết kiệm bưu điện, chúng tôi đã đúc kết bài học tưởng rất cũ, nhưng rất thực tế. Đó là huy động vốn tiết kiệm phải từ người nghèo. Do vậy, hiện nay, số dư huy động vốn của chúng tôi ở Hà Giang, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh… là bền vững nhất, thậm chí đóng góp tỷ trọng lớn trong huy động vốn của toàn hệ thống.

Chính những vùng đất còn nhiều khó khăn mới thực sự là tích lũy ngân hàng, bởi những người nghèo thường chọn ngân hàng để cất giữ những đồng tiền quý báu của mình, không đứng núi này, trông núi nọ như những người có nhiều tiền ở thành phố.

Có thể nói, huy động vốn từ nông dân là một trong những bài học mới của LienVietPostBank. Chính vì vậy, chúng tôi thậm chí không sợ lỗ, có chăng chỉ là bớt lãi đi để ủng hộ xã hội.

Vậy câu chuyện cho vay đối với người dân ở những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn thì sao, ông có lo ngại rủi ro không khi mà những người nghèo thường không có nhiều tài sản thế chấp?

 TS. Nguyễn Đức Hưởng 

Các món vay của người nông dân thường nhỏ lẻ nên chi phí lớn, lãi suất lại thấp. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là, cho nông dân vay không phải không có lãi, nhưng lãi không nhiều. Trong khi, nguồn vốn huy động ở đây thường rất tốt, chúng tôi điều chuyền về thành phố để cho vay, thu lãi nhiều hơn, nên về tổng thể toàn hệ thống vẫn lãi.

Hơn nữa, việc cho nông dân vay, theo tôi, chính là không bỏ trứng vào một giỏ, là biện pháp phân tán rủi ro. Cho một công ty lớn vay có thể tới hàng ngàn tỷ đồng, nếu 20 món vay lớn như vậy gặp rủi ro có thể làm mất đi một ngân hàng... Tôi cho rằng, việc cho người nông dân vay không chỉ có hiệu quả về kinh tế, mà còn ý nghĩa xã hội.

Có vẻ như LienVietPostBank đang cạnh tranh với một số ngân hàng chủ lực trong cho vay nông nghiệp, nông thôn?

Như tôi đã từng chia sẻ, trên thị trường, LienVietPostBank chỉ có đối tác, không có đối thủ. Hiện nông nghiệp - nông thôn là một thị trường vô cùng to lớn, khi khu vực này hiện vẫn chiếm tới 70% dân số.

Với một thị trường như vậy, một vài ngân hàng khó có thể phủ sóng hết được. Không chỉ ở nông thôn, mà ngay ở thành thị, vốn đang có khá nhiều tổ chức tín dụng đang hoạt động, nhưng theo tôi, thị trường vẫn còn rộng mở. Tôi đã khảo sát ở nhiều đô thị, vẫn còn có những hộ kinh doanh không biết vay ngân hàng là gì.

Còn ở nông thôn, các ngân hàng cũng mới chỉ bao phủ được một phần nào thôi. Dân đang cần các ngân hàng và ngân hàng cũng cần dân.

LienVietPostBank đã có một năm 2016 kinh doanh thành công, thưa ông?

Chúng tôi đã có một năm kinh doanh thành công, tổng tài sản của LienVietPostBank tính đến ngày 31/12/2016 đạt 142.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.300 tỷ đồng, đây quả thực là con số ấn tượng so với những năm trước.

Nguyên nhân một phần cũng bởi chúng tôi đã để dành một phần lợi nhuận của các năm trước để phát triển mạng lưới. Nhờ vậy, đến nay, mạng lưới chi nhánh của LienVietPostBank đã phủ sóng toàn quốc, thậm chí các điểm giao dịch đã vươn tới tận các huyện, xã xa xôi.

Đây chính là tiền đề cho các bước phát triển trong tương lai và kết quả hoạt động năm nay là một minh chứng. Lùi một bước để tiến ba bước cả về lợi nhuận và quy mô.

Tất nhiên, lợi nhuận luôn là điều ấn tượng nhưng đối với tôi, phủ sóng mạng lưới toàn quốc mới là ấn tượng nhất. Đây cũng là bước đệm để ngân hàng ra đời Ví Việt thật mạnh trong năm 2017. Phát triển ngân hàng trên điện thoại di động, điện tử dần dần thay thế ngân hàng truyền thống.

Mở rộng mạng lưới liệu có cần thiết không khi LienVietPostBank đang đẩy mạnh ngân hàng điện tử?

Số lượng người sử dụng điện thoại di động và máy tính ở Việt Nam chưa nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng cao còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, chúng tôi xác định vẫn phải đi song song, phải "lấy ngắn nuôi dài". Với một đất nước hơn 90 triệu dân, mới một nửa có cuộc sống hiện đại, một nửa kia đương nhiên vẫn phải phục vụ.

Tất nhiên đã là ngân hàng thương mại hiện đại phải là dịch vụ bán lẻ sau đó mới đến bán buôn. Hiện LienVietPostBank đang đi đúng hướng như vậy. Trong điều kiện hiện nay, phải là bán lẻ, tương lai là dịch vụ hiện đại.

Ông có thể chia sẻ đôi nét về chiến lược hoạt động của LienVietPostBank trong năm 2017?

Trước tiên, lợi nhuận phải tịnh tiến. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn chỉnh 700 phòng giao dịch ở cấp huyện và sau này phát triển mạnh dịch vụ thu hộ, chi hộ; củng cố những ý tưởng của những năm trước.

Chiến lược lâu dài của LienVietPostBank là trở thành "ngân hàng của mọi người", "bán lẻ - dịch vụ - kinh doanh đa năng" với phương châm "Sức mạnh - Đoàn kết - Đổi mới - Hiệu quả - Bền vững - An toàn".

Ông dự cảm thế nào về triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong năm 2017?

Tôi cho rằng, 6 tháng đầu năm sẽ khá thuận lợi với hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó và đặc biệt là quý IV/2017, ngành ngân hàng sẽ có những khó khăn nhất định, do một số yếu tố. Thứ nhất, thị trường bất động sản sau một thời gian hồi phục sẽ chững lại.

Thứ hai, theo chu kỳ kinh tế, chu kỳ kinh doanh của ngành ngân hàng, cứ 5  - 7 năm thường có hiện tượng dư thừa thanh khoản, sau đó đầu ra tích cực lại dẫn đến thiếu nguồn. Hệ thống ngân hàng cần cẩn trọng với vấn đề này vào cuối năm 2017, đầu năm 2018.

Theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, từ ngày 1/1/2017, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm xuống 50%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%. Hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng, đặc biệt là cho vay bất động sản, đồng thời tạo sức ép lên lãi suất.

Theo tôi nghĩ, lãi suất huy động USD 0%/năm đã hoàn thành sứ mệnh. Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần nâng lãi suất USD lên khỏi mặt đất. Điều này có hai ý nghĩa: Thứ nhất, hút nguồn vốn nước ngoài; thứ hai, kéo đồng USD của người dân đang cất trong két vào ngân hàng.

Mức lãi suất nên khoảng từ 0,25 - 0,5%/năm cho kỳ hạn trên 1 năm. Nếu làm được như vậy trong 6 tháng đầu năm, tôi tin tưởng sẽ “chia lửa” cho áp lực lãi suất nội tệ và thị trường ngoại hối vì nguồn vốn lớn, đầu ra nội tệ, ngoại tệ tốt.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục