Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Nam: “Tôi sẽ chọn người có tư duy đổi mới”

Bà Đinh Thị Lụa tin rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự cho Đại hội XIII, danh sách bầu Ban Chấp hành TƯ khóa mới sẽ không có những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Bà Đinh Thị Lụa, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Nam

Để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đất nước tại Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, thì yếu tố quyết định vẫn là công tác cán bộ. “Tôi tin rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự cho Đại hội XIII, danh sách bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới sẽ không có những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Nếu phải lựa chọn giữa các ứng viên ngang sức, ngang tài, tôi ưu tiên phiếu của mình cho người có tư duy đổi mới”, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Nam, bà Đinh Thị Lụa trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành Đại hội Đại biểu Đảng bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong tốp đầu của vùng Đồng bằng Bắc bộ; có điều tiết ngân sách về Trung ương; GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Mục tiêu khá tham vọng này chắc hẳn có điểm tựa là định hướng phát triển đất nước tại Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, thưa bà?

Là đại biểu chính thức dự Đại hội XIII của Đảng, tôi đã nghiên cứu kỹ Dự thảo Văn kiện và rất quan tâm đến sự bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và định hướng phát triển đất nước.

Về công tác xây dựng Đảng, nội dung “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh” kế thừa từ văn kiện Đại hội XII đã được phát triển, bổ sung thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Điều này thể hiện rất rõ việc nhấn mạnh tầm quan trọng và mối quan hệ chặt chẽ giữa xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Về định hướng phát triển đất nước, kế thừa từ Văn kiện Đại hội XII, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII bổ sung, phát triển và làm rõ thêm những nhân tố tạo nên sức mạnh, động lực để phát triển đất nước; đồng thời, xác định rõ mục tiêu tổng quát và thời điểm phấn đấu hoàn thành trong định hướng phát triển đất nước, như “phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Qua nghiên cứu Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, tôi cũng rất ấn tượng với một số nội dung được bổ sung, phát triển so với Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII về quan điểm phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, nếu như Văn kiện Đại hội XII xác định “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm”, thì trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, nội dung này đã được bổ sung đầy đủ, hoàn chỉnh hơn, đó là “phát triển kinh tế, xã hội, môi trường là trung tâm”. Đây tiếp tục là sự cụ thể hóa và thể hiện rõ hơn, sinh động động hơn quyết tâm và định hướng phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

Trong 3 đột phá chiến lược được nêu tại Dự thảo Văn kiện, có đột phá về nguồn nhân lực. Dự thảo đã nhấn mạnh ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý. Cũng trong đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, Dự thảo nêu yêu cầu tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Là người công tác lâu năm trong ngành giáo dục trước khi trở thành Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, bà suy nghĩ thế nào về giải pháp để thực hiện được yêu cầu này?

Việc nhấn mạnh nội dung ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý trong đột phá chiến lược về “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao” thể hiện sự nhất quán trong quan điểm của Đảng ta, đó là “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” theo tinh thần nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, khóa XII.

Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII cũng xác định “xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”.

Đây là điểm mới, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa quan điểm về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo trong thực tiễn; đồng thời, tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhiều năm qua.

Với Hà Nam, các giải pháp về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với thu hút nhân tài đã được kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua và đã thu được những kết quả rất tích cực.

Một trong những giải pháp được Hà Nam chú trọng là đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng lấy kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, phân loại; chú trọng kết quả đánh giá trong sử dụng đội ngũ. Lấy kết quả phân loại đánh giá cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở để khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý; thực hiện chính sách tinh giản biên chế và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.

Được biết, bà cũng đã được cử tham dự lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch. Qua đó, bà nhìn nhận thế nào về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII?

Tôi nhận thấy, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần này được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, bài bản, đảm bảo đúng nguyên tắc và quy trình thực hiện. Đồng thời, thể hiện rõ quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đảm bảo yêu cầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Qua chương trình bồi dưỡng, chúng tôi không chỉ được trang bị thêm những vấn đề lý luận, mà còn có điều kiện hiểu sâu hơn về thực tiễn, không chỉ ở địa phương mình. Từ đó, có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Trong công tác nhân sự Đại hội XIII, tỷ lệ cán bộ nữ được xác định là 10-12% (khoá XII là 10%), đang giữ trọng trách ở một tỉnh ủy mà cả Bí thư và Phó bí thư Thường trực đều là nữ, bà có suy nghĩ gì về việc lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ nữ? Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm này ở Hà Nam?

Công tác cán bộ nữ và việc thực hiện công tác vì sự tiến bộ phụ nữ ở Đảng bộ Hà Nam nhiều năm qua luôn được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện thông qua nhiều giải pháp tích cực và thu được những kết quả rõ nét. Kết quả nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đều đạt và vượt chỉ tiêu so với tinh thần chỉ đạo và yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Kinh nghiệm rút ra ở Đảng bộ tỉnh Hà Nam về công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng là thường xuyên thực hiện đồng bộ, bài bản và luôn giữ thế chủ động trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng… đội ngũ cán bộ và nguồn cán bộ ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị.

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của đại biểu dự Đại hội là bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Là đại biểu nữ, liệu bà có “ưu tiên” phiếu của mình cho cán bộ nữ?

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự cho Đại hội XIII, tôi tin rằng, danh sách bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới sẽ không có những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Như đã nói, tỷ lệ cán bộ nữ nhiệm kỳ mới cũng được xác định cao hơn nhiệm kỳ này, nhưng người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã nhiều lần lưu ý là không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Vì thế, nếu phải lựa chọn giữa các ứng viên ngang sức ngang tài, thì tôi ưu tiên phiếu của mình cho người có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (trước đó, Dự thảo lấy ý kiến nhân dân xác định là nước có thu nhập trung bình cao) và đến năm 2045 là nước phát triển thu nhập cao. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, thì yếu tố quyết định vẫn là công tác cán bộ, mà theo tôi, nhân sự giới thiệu bầu Trung ương khóa mới là nhân sự cấp chiến lược, cần phải có tầm nhìn chiến lược và không thể thiếu tư duy đổi mới. Tất nhiên, đây cũng phải là những người có tín nhiệm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần nhấn mạnh.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục