Philippines ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ USD do dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Kinh tế Philippines hy vọng nền kinh tế sẽ hoàn toàn trở lại mức tăng trưởng như thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2029 (năm thứ 10 kể từ khi dịch bệnh xuất hiện).
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện dã chiến tại Manila, Philippines, ngày 1/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN). Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện dã chiến tại Manila, Philippines, ngày 1/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).

Đại dịch COVID-19 có thể gây thiệt hại lên tới 730 tỷ USD cho nền kinh tế Philippines trong từ 10 đến 40 năm tới.

Trên đây là con số mà Cơ quan Kinh tế và phát triển quốc gia (NEDA) của Philippines công bố ngày 25/9 khi dự báo về những tổn thất kinh tế mà đại dịch gây ra cho nước này.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế xã hội Karl Kendrick Chua, trong năm 2020, thiệt hại kinh tế của nước này là 84,84 tỷ USD.

Dự báo chi tiêu tiêu dùng và nguồn vốn đầu tư có thể sẽ thấp hơn trong 10 năm tới do nhu cầu giảm trong các lĩnh vực đòi hỏi phải tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội như du lịch, nhà hàng và giao thông công cộng.

Do đó, doanh thu từ thuế sẽ thấp hơn nếu các doanh nghiệp không thể hoạt động với 100% công suất.

Người đứng đầu cơ quan chính phủ Philippines chịu trách nhiệm về quy hoạch phát triển kinh tế cho biết thiệt hại của lĩnh vực đầu tư tư nhân và lợi nhuận có thể là khoảng 420,27 tỷ USD.

Bộ trưởng Kendrick Chua bày tỏ hy vọng nền kinh tế sẽ hoàn toàn trở lại mức tăng trưởng như thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2029 (năm thứ 10 kể từ khi dịch bệnh xuất hiện).

Thời điểm mà giới chức Philippines dự báo nền kinh tế bắt đầu ghi nhận tăng trưởng sau đại dịch là vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Một phát hiện quan trọng khác của nghiên cứu NEDA là năng suất của người lao động cũng sẽ thấp hơn do nhiều lao động đã tử vong, bệnh tật và học sinh không được tới trường học trực tiếp.

Theo Bộ trưởng Kendrick Chua, tác động của đại dịch COVID-19 đến năng suất lao động có thể sẽ kéo dài 40 năm tới hoặc ảnh hưởng đến số năm trung bình mà một người lao động dự kiến sẽ làm việc trong cả cuộc đời của họ.

Dẫn nghiên cứu của NEDA, ông cho biết trong 40 năm tới, thiệt hại về năng suất trong đầu tư nguồn vốn con người và lợi nhuận ước tính khoảng 305,83 tỷ USD.

Từ tháng 3/2020, Philippines đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở các mức độ khác nhau.

Mặc dù thời gian phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài hơn, quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang phải vật lộn với số bệnh nhân COVID-19 đang gia tăng mỗi ngày.

Hiện nay, Philippines đã ghi nhận tổng cộng 2.470.235 bệnh nhân, trong đó 37.405 trường hợp tử vong.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục