Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, điểm đáng chú ý nhất là việc khối ngoại chốt mạnh NAV trong phiên ATC, qua đó, đẩy VN-Index từ sắc xanh xuống dưới tham chiếu, thủng ngưỡng 900 điểm khi đóng cửa, và kết thúc năm mất 9,3% giá trị.
Bước sang phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2019, ngày 2/1, lực mua quay trở lại và đưa VN-Index trở lại mức 900 điểm ngay khi mở cửa.
Tuy nhiên, sau đó thị trường dần cân bằng trở lại do dòng tiền đã không còn dồi dào, sự thận trọng gia tăng, qua đó khiến chỉ số VN-Index bị đẩy nhẹ xuống đôi chút và rung lắc nhẹ sau hơn 1 giờ giao dịch.
Điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là diễn biến của 2 cổ phiếu lớn VIC và SAB.
Trong khi VIC bị chốt lời mạnh, giảm sàn trong phiên trước đã bật tăng mạnh và nới rộng đà tăng, hiện đã + hơn 6%.
Ngược lại thì SAB sau thông tin bị Cục thuế TP.HCM cưỡng chế thuế 3.140 tỷ đồng đã giảm sâu gần 6% từ sớm.
Các mã cổ phiếu khác đáng chú ý là VRE và PLX, đều tăng hơn 3%, cùng VNM + hơn 2%, trong khi ROS lại giảm mạnh hơn 5% và đang có thanh khoản đứng thứ 2 trên HOSE, chỉ sau ITA với hơn 2,2 triệu đơn vị khớp lệnh.
Thanh khoản suy yếu tiếp tục ám ảnh thị trường, chỉ số VN-Index theo đó không có thêm nhịp trở lại thử thách lại ngưỡng 900 điểm, mà trái lại, còn dần bị đẩy lui xuống gần mức 895 điểm khi tạm nghỉ giờ trưa.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 117 mã tăng và 143 mã giảm, VN-Index tăng 3,53 điểm (+0,4%), lên 896,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 47,2 triệu đơn vị, giá trị 1.033,77 tỷ đồng, giảm 34% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 2,87 triệu đơn vị, giá trị 125,8 tỷ đồng.
Điểm nhấn thị trường vẫn thuộc về VIC và SAB. Kết phiên VIC chỉ còn tăng 5,4% lên 100.400 đồng, còn SAB lại hãm được đà rơi đôi chút, mất 5,8% xuống 252.000 đồng.
Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn khác biến động đáng kể có VNM +2,3% lên 122.700 đồng; MSN +1,4% lên 78.600 đồng; VRE +3,6% lên 28.900 đồng; PLX +3,4% lên 54.800 đồng; BVH +1,7% lên 90.500 đồng.
Ngược lại thì BID -1,6% xuống 33.850 đồng; NVL -1,7% xuống 63.100 đồng; HDB -1,3% xuống 29.900 đồng; VPB -1,3% xuống 19.700 đồng, và đặc biệt là ROS, khi giảm mạnh 5,2% xuống 36.700 đồng, khớp lệnh đứng thứ 2 trên HOSE với gần 3 triệu đơn vị.
Các mã khác tăng/giảm nhẹ như VCB +0,9%; GAS +0,2%; HPG +0,7%; MBB +0,5%...hay VHM -0,14%; TCB -0,2%; VJC -1,2%; MWG -1%...
Khớp lệnh cao nhất nhóm là ROS nêu trên thì HPG có 2,57 triệu đơn vị; MBB có 1,62 triệu đơn vị; STB có 1,32 triệu đơn vị; CTG có 1 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa, với sắc xanh ít ỏi tại FLC, IDI, HQC, OGC, ASM…khớp từ 0,3 triệu đến 1,6 triệu đơn vị.
Trong khi đó, ITA, SHI, HAG, FTM, DXG, DLG, PDR, DIG, ANV…chìm trong sắc đỏ, với ITA khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 3,8 triệu đơn vị.
Trái với sàn HOSE, trên sàn HNX, sau diễn biến giằng co liên tục đổi sắc đầu phiên, thị trường đã quay đầu đi xuống và tạm chốt phiên sáng trong sắc đỏ.
Cụ thể, với 31 mã tăng và 48 mã giảm, HNX-Index giảm 0,81 điểm (-0,78%) xuống 103,42 điểm. Thanh khoản khá thấp với khối lượng giao dịch chỉ đạt 9,96 triệu đơn vị, giá trị 139,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 13 tỷ đồng.
Cổ phiếu ACB tác động thiếu tích cực tới thị trường khi giảm 1,4% xuống mức 29.200 đồng/CP, trong khi đó, “người anh em” SHB đứng giá tham chiếu 7.200 đồng/CP.
Bên cạnh đó, trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn, một số mã cũng đứng dưới mốc tham chiếu như DGC giảm 2,17% xuống 45.000 đồng/CP, PVI giảm 0,3% xuống 32.300 đồng/CP, VGC giảm 1,65% xuống 17.900 đồng/CP.
Nhóm VN30, cổ phiếu S99 trở lại khoác áo tím sau 3 phiên liên tiếp chịu áp lực bán ra mạnh. Chốt phiên, S99 tăng 9,9% lên mức giá trần 7.800 đồng/CP nhưng giao dịch vẫn khá hạn chế với khối lượng khớp 43.000 đơn vị và dư mua trần 700 đơn vị.
Trong tổng số hơn 370 mã niêm yết trên sàn HNX, chỉ có 3 mã có khối lượng khớp lệnh với triệu đơn vị là VCG khớp 2,11 triệu đơn vị, SHB khớp 1,56 triệu đơn vị, HUT khớp 1,19 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, đà tăng được bảo toàn vững chắc.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,29 điểm (+0,55%) lên 53,12 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,3 triệu đơn vị, giá trị 89,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm hơn 6 tỷ đồng.
Ngay sau thông tin HOSE nhận hồ sơ niêm yết và kết quả kinh doanh ước đạt trong năm 2018 khá tích cực, cổ phiếu HVN đã trở thành điểm sáng khi tăng 8,46% lên mức 35.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu toàn sàn đạt 1,18 triệu đơn vị.
Trong khi đó, ACV chỉ nhích nhẹ 0,2% lên 88.500 đồng/CP và thanh khoản 36.600 đơn vị.