Tiến trình TPP sau nhiều năm đàm phán cuối cùng cũng đã kết thúc. Mặc dù sẽ còn phải chờ thời gian dài nữa kể từ thời điểm kết thúc đàm phán đến khi TPP chính thức có hiệu lực, nhưng thông tin đã ngay lập tức ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau hơn 1 tháng giao dịch lình xình đi kèm thanh khoản yếu kém, thị trường đón nhận thông tin về TPP như “nắng hạn gặp mưa rào”, cho dù trước đó có không ít các thông tin tích cực hỗ trợ. Không chỉ các nhóm ngành được ưởng lợi từ TPP như xuất khẩu, may mặc, logistic... dòng tiền còn chảy mạnh vào các nhóm cổ phiếu khác, giúp thị trường chung cải thiện mạnh mẽ cả về điểm số lẫn thanh khoản.
Tính từ phiên đầu tuần 5/10, ngày TPP chính thức ký kết, thị trường đã có 2 phiên bật tăng mạnh. Việc tăng nóng của các chỉ số tạo ra áp lực chốt lời ngắn hạn trong phiên giữa tuần 7/10 khiến thị trường điều chỉnh nhẹ trở lại, trước khi ổn định và tăng mạnh trở lại trong phiên hôm qua 8/10. Hai chỉ số đều đã chinh phục thành công các ngưỡng cản mạnh là 585 điểm và 80 điểm, cùng với đó là mức thanh khoản cao được duy trì.
Khối ngoại cũng bắt đầu cho thấy dấu hiệu mua ròng trở lại sau tháng 9 rút ròng hơn 1.000 tỷ đồng, mạnh nhất kể từ đầu năm. Phiên 8/10, khối này mua ròng kỷ lục hơn 800 tỷ đồng, riêng trên HOSE là gần 790 tỷ đồng.
Đánh giá diễn biến thị trường trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, với tâm lý lạc quan và sức cầu mạnh mẽ như hiện tại, việc thị trường chinh phục trở lại ngưỡng 600-610 điểm chỉ còn là vấn để thời gian.
“Xu hướng chủ đạo trong ngắn hạn tiếp tục là tăng và VN-Index sẽ sớm có cơ hội tiếp cận khu vực 610 điểm trong thời gian tới. Nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao trong danh mục. Việc xem xét gia tăng tỷ trọng có thể thực hiện trong những thời điểm điều chỉnh của thị trường”, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định.
Quay trở lại phiên giao dịch sáng 9/10, với tâm lý tích cực có được từ phiên giao dịch trước đó, cả 2 chỉ số đều mở cửa trong sắc xanh khá mạnh, hoạt động giao dịch được duy trì khá ổn định.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 4,13 điểm (+0,7%) lên 590,91 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 56,5 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lênh liên tục, đà tăng của thị trường bắt đầu co hẹp trở lại khi một số mã lớn bắt đầu chịu áp lực chốt lời nhẹ. Các mã VCB, SSI, HCM, REE, HVG, HSG... đang giảm nhẹ 1-2 bước giá.
Trong khi, nhóm bất động sản - tâm điểm của dòng tiền, đang có diễn biến phân hóa. Dù vậy, một số mã như ITA, FLC, HQC... vẫn đang duy trì được đà tăng, trong đó ITA đã tăng trần, khớp hơn 4 triệu đơn vị, chỉ đứng sau FLC với hơn 4,2 triệu đơn vị được khớp.
Nhóm dầu khí và ngân hàng vẫn đang là điểm tựa chính của thị trường, dù không thực sự tăng mạnh. GAS, PVD, VCB, CTG, BID, PVS PVC, PVB, ACB đang có được sắc xanh nhẹ. MBB sau phiên bùng nổ hôm qua đã chững hẳn lại ở phiên sáng nay và đang đứng giá tham chiếu.
Khác với trên HOSE, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX lại đang có được đà tăng nhẹ. KLF đang dẫn đầu thanh khoản trên HNX là KLF với hơn 2,4 triệu đơn vị được khớp và đứng giá tham chiếu.
Dần về cuối phiên, các chỉ số đều diễn biến giằng co trong sự hoạt động tương đối cân bằng của 2 bên mua và bán. Trong khi áp lực bán được duy trì nhịp nhàng, dù không thực sự mạnh, thì sức cầu vẫn đủ tốt dù không tỏ ra vội vàng. Tuy nhiên, VN-Index đã tạm thời để tuột mất mốc 590 điểm ở những phút cuối cùng, trong khi HNX-Index vẫn giữ thành công mốc 80 điểm. Cùng với đó, sự tích cực của thanh khoản tiếp tục được duy trì.
Kết thúc phiên giao dịch sáng, với 106 mã tăng và 91 mã giảm, VN-Index tăng 3,21 điểm (+0,55%) lên 589,99 điểm. Chỉ số VN30 tăng 3,91 điểm (+0,65%) lên 608,82 điểm với 17 mã tăng và 6 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 80,27 triệu đơn vị, giá trị 1.228,75 tỷ đồng, rrong đó giao dịch thỏa thuận chỉ hơn 3,4 triệu đơn vị, giá trị 55,3 tỷ đồng.
Với 60 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,54%) lên 80,88 điểm. Chỉ số HNX30 tăng 0,98 điểm (+0,65%) lên 151,96 điểm với 12 mã tăng và 10 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,27 triệu đơn vị, giá trị 336,57 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ là 8,52 tỷ đồng.
Dầu khí và ngân hàng vẫn là trụ chính của thị trường. Các mã GAS, PVD, PVT, STB, CTG, EIB, BID đều tăng điểm. CTG khớp 1,93 triệu đơn vị và tăng nhẹ 1 bước giá. Ngược lại, sau phiên bùng nổ hôm qua, MBB đã chịu áp lực và giảm 100 đồng, khớp được 1,7 triệu đơn vị. Tương tự, SSI cũng giảm 1 bước giá và khớp 1,9 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, AGR bất ngờ tăng trần lên 4.400 đồng/CP.
Trong các mã lớn, HAG gây chú ý nhờ sức cầu mạnh mẽ khiến thanh khoản tăng mạnh, khớp tới 7,3 triệu đơn vị, kết phiên tăng 400 đồng lên 15.400 đồng/CP. VIC cũng có thanh khoản tốt với hơn 1 triệu đơn vị được khớp, tăng 200 đồng lên 43.700 đồng/CP.
Dẫn đầu thanh khoản trên HOSE vẫn là FLC với 7,68 triệu đơn vị được khớp, nhưng chỉ còn tăng nhẹ 100 đồng.
Ngoài FLC, nhiều mã thị trường khác cũng đều có thanh khoản cao, nhưng có sự phân hóa nhẹ.
ITA mất sắc tím do vẫn còn dư bán trần hơn 2,8 triệu đơn vị, trong khi đã khớp 6,65 triệu đơn vị. Còn HQC, HAI, HAR, GTN ... vẫn giữ sắc xanh, thanh khoản từ 1-4 triệu đơn vị.
HHS giảm 400 đồng, BGM giảm sàn và đều khớp trên 1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu mía đường với BHS, NHS, SBT cũng gây chú ý với mức tăng khá ổn định, thanh khoản đều trên 12 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, ngoài trừ PLC giảm mạnh 1.300 đồng về 34.700 đồng/CP, các mã dầu khí khác như PVS, PVC, PVB, PVG và PGS đều tăng từ 200-1.000 đồng, trong đó pVS tăng 600 đồng và khớp 1,6 triệu đơn vị. PVX cũng tăng sát mức trần lên 3.200 đồng/CP và khớp 2,8 triệu đơn vị.
HNX-Index được hỗ trợ tốt nhất có lẽ đến từ mã vốn hóa lớn nhất sàn ACB tăng tới 400 đồng lên 20.600 đồng/CP. SHB đứng giá tham chiếu và khớp 2 triệu đơn vị.
SCR là mã dẫn đầu thanh khoản trên HNX với 5,1 triệu đơn vị được khớp, kết phiên giảm 100 đồng xuống 8.300 đồng. KLF khớp 3,5 triệu đơn vị và cũng đứng giá tham chiếu.
TIG cũng nằm trong nhóm có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, kết phiên tăng nhẹ 1 bước giá lên 10.400 đồng/CP.