Thông tin xung quanh việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước ngoại khối nhóm họp bàn về vấn đề cắt giảm sản lượng tiếp tục là động lực giúp dầu tăng giá phiên hôm qua (28/1) và là phiên tăng thứ 3 liên tiếp lần đầu tiên tính từ đầu năm.
Điều này đã ảnh hưởng tích cực đến nhóm cổ phiếu tại TTCK Việt Nam. Ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng, đồng loạt các mã dầu khí như GAS, PVD, PVT, PXS, PVS, PVC, PVB… đã đồng loạt tăng điểm. Trong đó, GAS tăng mạnh 900 đồng, PVD tăng 800 đồng, PVC tăng 500 đồng, PVB tăng 600 đồng….
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,49 điểm (+0,09%) lên 539,96 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 2,8 triệu đơn vị, giá trị trên 29 tỷ đồng.
Sự tích cực của nhóm dầu khí đang tạo bệ đỡ cho thị trường, khi mà nhiều cổ phiếu lớn đang khá lình xình. VNM, VCB, FPT, HUT, AAA… đứng giá tham chiếu, còn VIC, BVH, MSN, NTP,ACB... đang giảm điểm.
Diễn biến tăng giảm đan xen diễn ra liên tục, cộng thêm tâm lý trước kỳ nghỉ lễ dài ngày khiến giao dịch thị trường trở nên hết sức dè dặt. Giao dịch vẫn chỉ tập trung vào một số mã có tính đầu cơ như FLC, HAG, HAR, SBH, SCR, PVX…
Đáng chú ý, áp lực bán đang dần tăng tại nhóm cổ phiếu này nên đa phần đứng giá tham chiếu hoặc giảm điểm.
FLC đang dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 11,1 triệu đơn vị và tăng 100 đồng lên 6.500 đồng/CP. HAG lình xình quanh mốc tham chiếu 8.300 đồng/CP và khớp 1,3 triệu đơn vị.
Tại thời điểm 10h, VN-Index tăng 0,61 điểm (+0,11%) lên 540,08 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt 26,4 triệu đơn vị, giá trị 326,58 tỷ đồng. Tuy nhiên, HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,11%) xuống 76,09 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt 9,9 triệu đơn vị, giá trị 90,5 tỷ đồng.
Áp lực bán dần gia tăng khiến sắc xanh suy yếu dần. Có những thời điểm, thị trường đã hồi trở lại với nỗ lực đến từ nhóm dầu khí, song chỉ mình nhóm này là chưa đủ để khiến VN-Index tăng điểm, dù HNX-Index đã có được điều này.
Giao dịch thận trọng được duy trì khiến thanh khoản thị trường rất thấp, chỉ hơn 1.000 tỷ đồng trên cả 2 sàn, tính cả đóng góp tích cực từ giao dịch thỏa thuận.
Kết thúc phiên sáng, với 91 mã tăng và 83 mã giảm VN-Index giảm 0,67 điểm (-0,12%) xuống 538,8 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 0,61 điểm (-0,11%) xuống 556,25 điểm với 11 mã tăng và 9 mã giảm.
Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 63,7 triệu đơn vị, giá trị 878,74 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với hơn 13,68 triệu đơn vị, giá trị gần 222 tỷ đồng. Đáng chú ý là thỏa thuận của 6,8 triệu cổ phiếu MBB, giá trị 104,4 tỷ đồng; 2,7 triệu cổ phiếu REE, giá trị 66,15 tỷ đồng và 2,6 triệu cổ phiếu HQC, giá trị 10 tỷ đồng…
Ngược lại, với 85 mã tăng và 64 mã giảm, HNX-Index tăng 0,04 điểm (+0,05%) lên 76,19 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,59 điểm (+0,44%) lên 135,19 điểm với 15 mã tăng và 9 mã giảm.
Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 19 triệu đơn vị, giá trị 183,76 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 1,07 triệu đơn vị, giá trị 4,8 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1 triệu cổ phiếu SVN ở mức giá tham chiếu, giá trị 4 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu lớn chịu áp lực khá mạnh nên đa phần là giảm điểm hoặc đứng tham chiếu, thanh khoản cũng khá kém nên níu chân chỉ số.
Các mã như VNM, VIC, MSN, BVH, KDC… đều giảm điểm, trong đó VNM và MSN cùng giảm 1.000 đồng, VIC giảm 600 đồng.
VCB đã quay đầu tăng tối thiểu, song CTG, MBB lại giảm điểm, EIB, STB và BID đều đứng giá tham chiếu.
Phiên sáng nay ghi nhận sự nỗ lực của nhóm dầu khí. Trong khi nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường chịu áp lực, thì nhóm dầu khí thậm chí còn nới rộng đà tăng. GAS tăng 900 đồng lên 37.600 đồng/CP, PVD tăng mạnh hơn, với mức tăng 1.100 đồng lên 22.600 đồng/CP và khớp 1,25 triệu đơn vị.
Trên HNX, ngoài PLC giảm điểm, các mã dầu khí còn lại đều tăng khá tốt, cùng với một số mã lớn khác như NTP, DBC, LAS… cũng tăng mạnh nên chỉ số sàn này giữ được sắc xanh. PVS tăng 200 đồng lên 14.500 đồng/CP và khớp 1,03 triệu đơn vị.
Đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhất là nhóm cổ phiếu đầu cơ, lực bán đã tăng mạnh hơn nên đa phần là giảm điểm.
FLC, HAR, VHG, SCR lùi về tham chiếu. FLC khớp hơn 5,39 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường, các mã còn lại đều khớp trên 3 triệu đơn vị.
HAG vẫn chưa có dấu hiệu ngừng rơi khi kết phiên sáng nay giảm tiếp 100 đồng xuống 8.200 đồng/CP và khớp gần 4 triệu đơn vị. Người “họ hàng” HNG thậm chí còn đo sàn ngay từ đầu phiên với mức giảm 1.100 đồng xuống còn 15.400 đồng/CP và khớp chưa tới 60.000 đơn vị.
Ngược lại, OGC đã tăng kịch trần lên 3.500 đồng/CP và khớp được hơn 1,9 triệu đơn vị.