Kết phiên hôm qua 11/9, thanh khoản tiếp tục được duy trì ổn định cùng với dòng tiền chuyển sang nhóm midcap và penny giúp sắc xanh áp đảo. Cầu mua vào vẫn đang cố gắng thúc đẩy thị trường tăng trở lại, nhưng áp lực chốt lời vẫn diễn ra trên diện rộng, vì vậy mà cả 2 chỉ số tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp. Nhiều CTCK đánh giá xu hướng giằng co này sẽ vẫn tiếp diễn trong ngắn hạn.
Hiện tại, áp lực điều chỉnh ngắn hạn của các chỉ số đã dần hiện hữu sau giai đoạn tăng trưởng liên tục và kéo dài. Thêm vào đó, nhà đầu tư có lý do để lo lắng khi khối lượng “hàng khủng” của phiên 9/9 về đến tài khoản ngày hôm nay sẽ khiến áp lực bán càng tăng mạnh thêm.
Ngoài ra, việc dòng tiền đầu cơ gia tăng ở nhóm penny khiến cho mức độ tham gia thị trường vào thời điểm hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Bởi vậy, nhà đầu tư đã tỏ ra khá thận trọng khi bước vào phiên giao dịch sáng 12/9. Hoạt động ở những phút đầu tiên chủ yếu mang tính thăm dò nên tương đối cầm chừng, thanh khoản ở mức trung bình, tuy vậy thị trường vẫn có được sắc xanh khi mở cửa.
Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 2,32 điểm (+0,37%), lên 631,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,1 triệu đơn vị, giá trị 55,89 tỷ đồng.
Góp phần giúp VN-Index có được sắc xanh là GAS và VIC khi 2 trụ này đều tăng điểm. GAS tăng 1.000 đồng, còn VIC tăng 500 đồng. Trong khi VNM và MAN đứng tham chiếu.
Tuy nhiên, trước áp lực của lượng cung lớn, thị trường trong những phút cuối phiên giao dịch trong thế giằng co mạnh. Áp lực bán trên diện rộng khiến VN-Index có thời điểm tăng lên 633 điểm đã ngay lập tức rơi thẳng xuống ngưỡng 627 điểm.
Cũng như các phiên trước, khi thị trường tụt sâu, cầu mua đỡ giá được tung vào, giúp thị trường bật trở lại, thanh khoản theo đó tiếp tục duy trì ở mức khá. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn là khá lớn nên thị trường liên tục rung lắc mà chưa thể ổn định xu thế. VN-Index chỉ may mắn giữ lại sắc xanh nhờ hết thời gian giao dịch của phiên sáng.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,25 điểm (+0,04%) lên 629,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch xấp xỉ 80 triệu đơn vị, giá trị 1.292,13 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Còn HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,48%) lên 88,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 51,62 triệu đơn vị, giá trị 703,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn chỉ gần 1,26 triệu đơn vị, giá trị 41,73 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ 1,04 triệu cổ phiếu VCS thỏa thuận trị giá 39,3 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, nhóm cổ phiếu bánh kẹo là KDC và BBC cùng tăng mạnh và giao dịch trên 1 triệu đơn vị, trong đó KDC tăng 2.500 đồng lên 62.500 đồng/cổ phiếu, BBC tăng 500 đồng lên 59.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, FPT, PVD, HPG cũng tăng 500 đồng, còn BVH, CTG, MBB, OGC… cùng tăng nhẹ 1 bước giá.
Ngược lại, VCB, STB, DPM, GMD … giao dịch dưới tham chiếu.
Ở các mã trụ, VIC có được mức tăng 1.000 đồng lên 55.500 đồng/cổ phiếu, còn GAS giảm 1.000 đồng xuống 120.000 đồng/cổ phiếu, trong khi VNM và MSN đứng tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt thị trường khi vẫn tăng mạnh cả về khối lượng giao dịch và điểm số. Trên HOSE, các mã PTL, PXI, PXL, PXT, ASP vẫn tăng kịch trần, trong đó trừ PXI, còn lại đều giao dịch trên 1 triệu đơn vị. PXS tăng mạnh hơn với mức tăng 2.000 đồng lên 39.100 đồng và cũng giao dịch trên 1 triệu đơn vị.
Tương tự, nhóm thủy sản như ACL, AGF, ANV, AVF, HVG vẫn giữ sắc tím đậm, trong đó AVF khớp trên 1,56 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm bất động sản bị bán khá mạnh, nhưng FLC đã về được mốc tham chiếu sau phần lớn thời gian giữ sắc đỏ, giao dịch mạnh nhất sàn HOSE với hơn 12 triệu đơn vị khớp lệnh. Còn lại IJC, ITA, HQC, DIG, DLG… đa phần giảm điểm hoặc đứng tham chiếu.
Nhóm chứng khoán cũng chung tình trạng khi SSI, HCM, BSI cùng giảm điểm, AGR đứng tham chiếu. Các nhóm cổ phiếu còn lại trong tình trạng giằng co.
Trên HNX, chỉ số cũng có diễn biến giằng co khá mạnh và phần lớn thời gian sáng giao dịch dưới tham chiếu. Tuy nhiên, nhờ nhóm dầu khí tiếp tục bứt phá nên chỉ số này cũng có được sắc xanh.
Các mã dầu khí trong nhóm HNX30 đồng loạt tăng điểm, trong đó PVC tăng 2.400 đồng lên 36.900 đồng/cổ phiếu và PVS tăng 1.100 đồng lên 43.400 đồng/cổ phiếu, và đều khớp trên 3,3 triệu đơn vị.
Bên ngoài nhóm này, PFL, PTL, PVV, PXA … giữ vững mức tăng trần. Đặc biệt PFL được giao dịch mạnh nhất với trên 5,35 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài ra, các mã dẫn dắt khác như SHS, VND, KLS, KLF, BVS … đều đứng tham chiếu hoặc giảm nhẹ.
Hôm nay là phiên đầu tiên hơn 5,65 triệu cổ phiếu NDF của CTCP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định giao dịch trên HNX. Đóng cửa, mã này tăng trần 4.300 đồng (29,7%) lên 18.800 đồng/cổ phiếu và khớp được trên 4.000 đơn vị.