Trong phiên hôm qua, ngay khi mở cửa, mặc dù dòng tiền chảy chậm thị trường rung lắc, nhưng diễn biến tích cực ở nhóm dầu khí cùng một số mã lớn đã kéo VN-Index đi lên.
Về cuối phiên lực cầu gia tăng mạnh ở một số trụ đỡ đã tiếp sức giúp thị trường tăng vọt. Tuy chưa thể tiếp cận ngưỡng 1.000 điểm nhưng thị trường đã có phiên giao dịch khởi sắc.
Theo VNDS thì trong điều kiện thị trường chứng khoán quốc tế không có nhiều biến động lớn tiêu cực, thì trạng thái sideway up hiện tại của chỉ số có thể còn tiếp diễn, và tiếp tục chứng kiến sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 9/4, xu hướng giằng co nhẹ ngay lập tức diễn ra trên HOSE và chỉ số đã có vài nhịp đảo chiều quanh tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Nhóm cổ phiếu lớn, bluechip phân hóa khá mạnh, tuy nhiên biên độ tăng giảm cũng chỉ trong biên độ hẹp, trừ phần nào đó là đà đi lên tốt của BID và TCB, trong khi VJC nới rộng đà giảm.
Trong khi đó, dòng tiền vẫn hướng đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó AAA sau phiên khởi sắc hôm qua nhờ thông tin hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận 2019 sau 3 tháng đầu năm đã quay đầu giảm nhanh trong phiên sáng nay do áp lực chốt lời sớm của nhà đầu tư. Thanh khoản vẫn đang cao nhất HOSE và vượt trội so với phần còn lại.
Các mã nhỏ hút dòng tiền và tăng khá, thậm chí có thời điểm chạm mức giá trần có QCG, PXS, TDG, VHG. Cùng nhiều cổ phiếu khác đang giữ sắc xanh là TTF, ITA, LCG, ASM, HSG…
Cổ phiếu đáng chú ý YEG nhanh chóng giảm mạnh từ sớm, mất trên dưới 4% từ sớm. Thông tin mới nhất liên quan là vào chiều muộn hôm qua, Phó tổng giám đốc tài chính, ông Võ Thái Phong đã có thông báo chỉ mua được 5.000 cổ phiếu trong tổng số 50.000 YEG đăng ký mua từ ngày 08/3 đến 07/4 theo phương thức khớp lệnh.
Tuy nhiên, gây chú ý trong phiên sáng nay là cổ phiếu CTD của Conteccons khi giảm mạnh hơn 2% sau thông tin ngày 8/4, cổ đông lớn Kustocem lên tiếng phản đối sáp nhập Ricon vào Coteccons ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông của Coteccons (diễn ra sáng nay 9/4) .
Theo Kustocem, thương vụ mua bán sáp nhập với Ricons, Kustocem không thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng và sẽ không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại.
Hiện CTD đang giao dịch quanh mức giá 137.500 đồng với hơn 111.000 đơn vị được khớp.
Sau khi rung lắc nhẹ quanh tham chiếu trong nửa đầu phiên, lực bán bất ngờ gia tăng tại một số bluechip đã kéo VN-Index xuống gần ngưỡng 990 điểm, trước khi bật nhẹ trở lại về cuối phiên, tuy nhiên, thời gian là chưa đủ, VN-Index tạm kết phiên trong sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 110 mã tăng và 171 mã giảm, VN-Index giảm 4,33 điểm (-0,43%), xuống 993,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 82,5 triệu đơn vị, giá trị 1.998,52 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% về khối lượng nhưng tăng 23% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 5,5 triệu đơn vị, giá trị 218,5 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn, bị sắc đỏ lấn át hơn do gặp áp lực bán gia tăng, và đa số giảm, theo đó đáng kể là VIC -1,3% xuống 114.000 đồng; VNM -1,2% xuống 135.500 đồng; VJC -2,8% xuống 107.400 đồng, GAS -0,9% xuống 106.000 đồng; SAB -0,9% xuống 247.200 đồng; ROS -2,1% xuống 30.800 đồng; Các mã mất điểm khác, nhưng với biên độ thấp hơn như MSN -0,3%; VRE -0,8%; PLX -0,6%; HPG -0,6%; NVL -0,5%...
Ngược lại, tăng điểm đáng kể chỉ còn BID +1,1% lên 35.900 đồng và PNJ +1,3% lên 102.600 đồng. Trong khi TCB, CTG, VPB, BVH, FPT, SSI chỉ có sắc xanh nhạt.
Khớp lệnh tốt nhất là CTG với hơn 2,58 triệu đơn vị; ROS có 2,4 triệu đơn vị; STB có 1,4 triệu đơn vị; MBB, HPG và VPB có từ 1,1 triệu đến 1,39 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa cũng phân hóa, khi AAA, PVD, FLC, ITA, DLG bị chốt lời và giảm điểm. Trong đó, AAA khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 4,62 triệu đơn vị, tuy nhiên khối ngoại mua ròng khá mạnh với gần 0,9 triệu đơn vị.
Vẫn thu hút dòng tiền là QCG, LCG, KBC, HSG, ASM, VND, FIT, SJF, SCR, LMH, IDI, PXS, HQC…khớp lệnh từ 0,5 triệu đến 2 triệu đơn vị.
Cô phiếu CTD sau đó bị bán mạnh hơn nên nới rộng đà giảm, chốt phiên giảm 3,3% xuống 136.000 đồng với 173.430 đơn vị được khớp.
Một số mã giảm mạnh khác như YEG -3,9% xuống 110.500 đồng; PHR -3,4% xuống 50.500 đồng; CTF -5,4% xuống 22.700 đồng…hay TCL +3,6%; DCL +4,4%; FTM +2,7%...
Trên sàn HNX, diễn biến tương tự trên HOSE, khi chỉ số HNX-Index giằng co quanh tham chiếu trong nửa đầu phiên, sau đó cũng dần đi xuống và kết phiên trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu gây áp lực lên thị trường là PVS -0,9% xuống 23.300 đồng; VCS -0,6% xuống 69.100 đồng; SHB -1,3% xuống 7.600 đồng; PVI -1,3% xuống 39.300 đồng; DGC -1,7% xuống 39.600 đồng; PGS -3,4% xuống 34.000 đồng; CEO -0,8% xuống 12.300 đồng.
Trong khi tăng điểm, qua đó giúp chỉ số không rơi sâu là ACB +0,3% lên 30.900 đồng; VGC +1% lên 19.800 đồng; VNR +4,5% lên 21.000 đồng; TNG +3,1% lên 23.600 đồng; HUT +2,6% lên 4.000 đồng.
Một số đứng tham chiếu đáng kể là ART, SHS, DBC, MBS, DNP…
Khớp lệnh cao nhất sàn là ART với hơn 5,27 triệu đơn vị, PVS có 3,5 triệu đơn vị; TNG có 1,78 triệu đơn vị; ACB có 1,2 triệu đơn vị; SHB có 0,9 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 39 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,22%), xuống 108,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,66 triệu đơn vị, giá trị 294,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,91 triệu đơn vị, giá trị 39,9 tỷ đồng.
Trên UPCoM, tương tự 2 sàn chính, UpCoM-Index có sắc xanh nhạt trong khoảng 30’ phút từ khi mở cửa, sau đó bị đẩy xuống dưới tham chiếu và rung lắc tại vùng giá thấp cho đến hết phiên.
Các nhóm cổ phiếu phân hóa mạnh với sắc đỏ tại HVN, VRE, GVR, VGI, MPC, NTC, DVN, CTR…trong khi ngược lại, BSR, VGT, VIB, ACV, MCH níu kéo chỉ số không mất điểm sâu.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%), xuống 56,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,35 triệu đơn vị, giá trị 139,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 90.000 đơn vị, giá trị 4,62 tỷ đồng.