Mặc dù đa số nhận định cho rằng, cơ hội vẫn còn nguyên vẹn cho thị trường khi xu hướng tăng dài hạn vẫn chưa có gì thay đổi, nhưng thị trường đang cho thấy, trong ngắn hạn sẽ cần có một đợt điều chỉnh cần thiết saumột chuỗi tăng điểm vừa qua.
Bước sang phiên giao dịch sáng cuối tuần (ngày 8/3), áp lực bán vẫn khá lớn khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index nhanh chóng bị đẩy lùi về mốc 985 điểm trước sức ép lớn đến từ nhóm bluechip.
Nhưng ngay khi chạm ngưỡng kháng cự này, lực cầu hấp thụ gia tăng đã giúp một số mã đảo chiều thanh công. Đáng kể, sau những phút đầu rung lắc và điều chỉnh, 3 cổ phiếu nhà Vingroup cũng đã lấy lại sắc xanh, đã giúp VN-Index bật ngược trở lại, thu hẹp đà giảm đáng kể.
Trong nhóm VN30, cổ phiếu CTD đang là điểm sáng với mức tăng khá mạnh, thậm chí có lúc được kéo lên kịch trần. Sau gần 1 giờ giao dịch, CTD đang tăng 4,6% lên 141.800 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã FLC, HAG, HSG… vẫn giảm điểm, trái lại QCG, VHG tiếp tục xác lập thêm những phiên khoác áo tím.
Sau gần 2 giờ rung lắc quanh mốc 990 điểm, áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường tìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index chính thức lùi về mốc 985 điểm khi chốt phiên.
Cụ thể, chốt phiên sáng, với 197 mã giảm, gấp hơn 2 lần mã tăng (81 mã), chỉ số VN-Index giảm 8,39 điểm (-0,84%) và chốt phiên tại mức 985,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch xấp xỉ phiên sáng qua, đạt hơn 124 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.467,64 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 20 triệu đơn vị, giá trị 416,84 tỷ đồng, riêng VPB thỏa thuận 5,96 triệu đơn vị, giá trị hơn 118,3 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, chỉ còn VHM tăng nhẹ 0,1% lên 92.100 đồng/CP, SAB tăng 0,6% lên 242.500 đồng/CP, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.
VIC giảm 0,5% xuống 118.600 đồng/CP, VNM giảm 1,7% xuống 137.300 đồng/CP, VCB giảm 1,3% xuống 62.300, GAS giảm 1,9% xuống 101.000 đồng/CP, BID giảm 2,7% xuống 33.950 đồng/CP, MSN giảm 0,6% xuống 89.500 đồng/CP, TCB giảm 1,5% xuống 26.350 đồng/CP, VRE giảm 0,9% xuống 34.700 đồng/CP.
Bên cạnh VCB và TCB, các mã khác trong nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt lùi sâu hơn với các mã CTG, MBB, STB, VPB, HDB cũng đều giảm hơn 1%. Ngoài ra, một số mã lớn khác như HPG, VJC, BVH… cũng giao dịch trong sắc đỏ.
Trái lại, CTD dù có lúc bị đe dọa bởi áp lực bán gia tăng nhưng lực cầu nhập cuộc tích cực đã giúp cổ phiếu này nhanh chóng lấy lại sắc xanh. Chốt phiên, CTD tăng 3,7% lên 140.500 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, một số mã QCG, GTN, FIT cũng đã để mất sắc tím, trong khi FLC, HAG, AMD, DLG, SCR, HQC, KBC, DXG… vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Trong đó, FLC giảm 1,3% xuống 5.480 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất đạt 6,68 triệu đơn vị; HAG giảm 3,5% xuống 5.860 đồng/CP và khớp 4,39 triệu đơn vị; HSG giảm 2,6% xuống 8.960 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị…
Cổ phiếu đáng chú ý trong những phiên gần đây là YEG tiếp tục trong trạng thái dư bán sàn khá lớn trong khi bên mua vắng bóng. Chốt phiên, YEG vẫn nằm tại mức giá sàn 170.600 đồng/CP và chỉ khớp 51.050 đơn vị, dư bán sàn 565.770 đồng/CP.
Mới đây, HSC đã đưa ra thêm dự báo xấu nhất cho YEG là không đạt được thỏa thuận với YouTube về chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) sau ngày 31/3, thì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 83,3%, còn 26 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, dù sắc xanh le lói sau gần 1 giờ giao dịch nhưng áp lực bán nhanh chóng nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ.
Chốt phiên, với 30 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index giảm 0,76 điểm (-0,7%) xuống 108,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,16 triệu đơn vị, giá trị 272,4 tỷ đồng, giảm 39,25% về lượng và 37,5% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 13,6 triệu đơn vị, giá trị 104,17 tỷ đồng, riêng SHB thỏa thuận 13,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 95 tỷ đồng.
Tương tự sàn HOSE, top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn trên HNX cũng hầu hết đều giao dịch thiếu khởi sắc, chỉ có duy nhất VCG tăng nhẹ 0,4% lên 28.600 đồng/CP.
Trong khi đó, VCS giảm 2,5% xuống 65.900 đồng/CP, VGC giảm 0,5% xuống 21.500 đồng/CP, SHB giảm 2,5% xuống 7.700 đồng/CP, PVS giảm 1,8% xuống 21.400 đồng/CP, PVI giảm 0,3% xuống 35.000 đồng/CP, ACB giảm 0,7% xuống 30.300 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu ART đã quay đầu do áp lực bán tăng mạnh sau 3 phiên bùng nổ. Chốt phiên, ART giảm 3,7% xuống 2.600 đồng/CP và khớp 2,46 triệu đơn vị.
Dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX vẫn là mã SHB dù khối lượng giao dịch đã giảm đáng kể so với phiên sáng qua, đạt 4,74 triệu đơn vị; tiếp theo là KLF khớp 3,39 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, đà giảm ngày càng nới rộng hơn về cuối phiên. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,47%) xuống 55,98 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,56 triệu đơn vị, giá trị 155,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp hơn 11 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là PXL. Cổ phiếu này tiếp tục nối dài chuỗi ngày tăng mạnh và chốt phiên tại mức giá trần 5.400 đồng/CP, tăng 14,9% do lực cầu tăng mạnh. Thanh khoản cũng dẫn đầu thị trường UPCoM với khối lượng giao dịch đạt gần 2,3 triệu đơn vị và dư mua trần 194.600 đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là LPB và HVN với khối lượng giao dịch tương ứng 1,4 triệu đơn vị và hơn 1 triệu đơn vị.