Phiên giao dịch ngày hôm qua đã lấy lại gần như những điểm số đã mất trong phiên ATC không thể ngờ trong phiên trước đó.
Thị trường vẫn đón nhận tâm lý khá lạc quan của nhà đầu tư, đi kèm với đó dòng tiền vẫn tích cực, dường như phiên ATC hôm trước chỉ được coi là cú xảy chân đáng tiếc, chứ không phải là dấu hiệu của sự bất ổn nào.
Trong phiên sáng mặc dù có đôi chút gặp khó khi VN-Index đánh chiếm ngưỡng 1.110 điểm, nhưng trong phiên chiều, với sự lan tỏa đều của dòng tiền đến nhiều nhóm ngành, trong đó nhóm cổ phiếu tài chính nổi bật nhất với đà tăng tốt của dòng bank và sắc tím từ nhiều mã cổ phiếu của các công ty chứng khoán, đã kéo VN-Index tăng gần 27 điểm, và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (7/3), điều dễ dàng nhận thấy trên bảng điện tử là cổ phiếu FLC được đẩy lên mức giá trần từ khá sớm, và thanh khoản bứt tốc so với các mã khác trên HOSE, khi dẫn đầu thị trường.
Cổ phiếu FLC nổi sóng có lẽ do thông tin từ chiều muộn ngày hôm qua (6/3) từ tập đoàn này khi thông báo, FLC và Airbus đã có buổi làm việc tại trụ sở FLC, xoay quanh thỏa thuận hợp tác mua máy bay liên quan đến hãng hàng không Bamboo Airways – thành viên của Tập đoàn FLC.
Tại buổi làm việc, Tập đoàn FLC đã quyết định đặt mua 24 chiếc máy bay A321NEO do Airbus cung cấp với giá trị theo biên bản ghi nhớ là 3 tỷ USD.
Cặp đôi HAG và HNG vẫn đang chiếm được lòng tin của nhà đầu tư, khi lần lượt có thanh khoản khá tốt, chỉ xếp sau FLC, trong đó HNG vẫn giữ được mức giá trần.
Sau gần 1 giờ giao dịch, điểm nhấn đáng chú ý là độ rộng thị trường đang nghiêng hẳn về phía mã tăng điểm, VN-Index đang duy trì đà tăng khá tốt, tuy nhiên tín hiệu xấu là chỉ số VN30 đang ở dưới tham chiếu với 18 mã giảm…
Có lẽ đã từ nhiều phiên giao dịch cho đến nay mới có một phiên mà cổ phiếu penny nổi sóng, khi hàng loạt các mã thị giá nhỏ đã hút dòng tiền và tăng kịch trần.
Trong đó đáng chú ý nhất vẫn là FLC với thông tin mua 24 máy bay Airbus trị giá 3 tỷ USD theo biên bản ghi nhớ.
Tuy không còn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE, nhưng chốt phiên sáng, FLC vẫn có hơn 7 triệu đơn vị, tăng trần lên mức 5.990 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu liên quan đến FLC như AMD, HAI cũng khoác sắc tím với lần lượt 3,14 triệu đơn vị và gần 1 triệu đơn vị khớp lệnh. AMD tăng lên 5.220 đồng/cổ phiếu; HAI tăng lên 4.820 đồng/cổ phiếu.
Hiệu ứng sóng cổ phiếu nhỏ còn lan sang cặp đôi HAG, HNG, HHS, HNG, TSC, FIT, HQC, OGC, DLG, ITA, ASM, JVC… khi tất cả đồng loạt tăng và thanh khoản cao.
Trong đó, HHS, HNG, TSC, FIT tăng kịch trần, các mã khác cũng có thời điểm tăng lên mức giá trần như HQC, ITA, JVC.
Khớp lệnh cao nhất HOSE là HAG khi có 8,33 triệu đơn vị, tăng 4,9% lên 7.090 đồng/cổ phiếu; HQC có 7,71 triệu đơn vị khớp, tăng 4,3% lên 2.410 đồng/cổ phiếu.
DLG và OGC có trên 3,1 triệu đơn vị khớp, tăng lần lượt lên 3.580 đồng và 900 đồng/cổ phiếu.
Các mã khác có từ trên dưới 1 triệu đến 2,9 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bluechip lại đồng loạt quay đầu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB, CTG, BID, MBB, HDB, cùng 2 ông lớn dầu khí là GAS và PLX, cũng như HPG vẫn suy giảm mạnh, đã kéo cả chỉ số VN30 và VN-Index xuống dưới tham chiếu khi kết phiên sáng.
Chốt phiên sáng nay, sàn HOSE có 143 mã tăng và 137 mã giảm, VN-Index giảm 0,38 điểm (-0,03%), xuống 1.119,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 151,73 triệu đơn vị, giá trị 4.085 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,6% về khối lượng và giảm 3,3% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,26 triệu đơn vị, giá trị 519 tỷ đồng.
Như đà đề cập, nhóm cổ phiếu ngân hàng sáng nay bị chốt lời nên đồng loạt quay đầu giảm. Cụ thể, VCB giảm 1,5% xuống 70.100 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1 triệu đơn vị; CTG giảm 0,9% xuống 32.000 đồng/cổ phiếu; BID giảm 0,3% xuống 37.550 đồng/cổ phiếu, khớp 1,41 triệu đơn vị; MBB giảm 0,9% xuống 33.700 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 3,1 triệu đơn vị; HDB giảm 0,9% xuống 42.800 đồng/cổ phiếu; STB khi mất 1% xuống 15.150 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 5,54 triệu đơn vị,.
Các cổ phiếu lớn khác cũng quay đầu như GAS giảm 1% xuống 115.800 đồng/cổ phiếu; PLX giảm 1,8% xuống 85.000 đồng/cổ phiếu; HPG giảm 3,3% xuống 61.800 đồng/cổ phiếu, khớp 3,58 triệu đơn vị.
Các bluechip giảm điểm còn có CTD giảm 2,5% xuống 176.500 đồng/cổ phiếu; MWG giảm 2,2% xuống 114.000 đồng/cổ phiếu; BMP giảm 1,8% xuống 85.500 đồng/cổ phiếu; DHG giảm 1,5% xuống 98.300 đồng/cổ phiếu...
Trong khi đà tăng ấn tượng đáng kể chỉ ở VNM và ROS. Kết phiên VNM tăng 3,5% lên 209.000 đồng/cổ phiếu, khớp 1,38 triệu đơn vị; ROS tăng 4,2% lên 140.700 đồng/cổ phiếu, khớp gần 700.000 đơn vị.
Các mã tăng nhẹ khác chỉ còn CII, SSI, DPM, KDC, VIC... trong đó khớp lệnh lớn nhất là SSI với 5,35 triệu đơn vị, HSG và VIC có từ trên 1 triệu đến 1,57 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu còn lại trên thị trường đáng chú ý còn có VND, khi đã có lúc tăng kịch trần, nhưng chốt phiên chỉ còn tăng 5,3% lên 27.800 đồng/cổ phiếu, khớp gần 3 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn hút nhà đầu tư gần đây đã chia đôi ngả trong phiên sáng nay với DXG, VRE, NVL, LDG, SCR...suy giảm, trong khi tăng chỉ còn VIC (+0,1%), KBC (+1,95), PDR (+0,3%), và các mã penny nêu trên thuộc cùng nhóm ngành.
DXG giảm 0,4% xuống 36.850 đồng/cổ phiếu; VRE giảm 0,2% xuống 54.800 đồng/cổ phiếu; NVL giảm 0,3% xuống 78.900 đồng/cổ phiếu; SCR giảm 1,6% xuống 12.400 đồng/cổ phiếu; LDG giảm 2,7% xuống 24.900 đồng/cổ phiếu...
Tương tự, trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên giằng co quanh tham chiếu với sắc xanh là chủ yếu, HNX-Index cũng đã lao mạnh xuống dưới tham chiếu với mức giảm 0,78% theo đà giảm của nhóm HNX30. Sau đó, chỉ số này cũng nảy trở lại, nhưng không đủ sức để về được ngưỡng tham chiếu.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,43%), xuống 126,79 điểm với 54 mã tăng và 80 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,87 triệu đơn vị, giá trị 543 tỷ đồng, tăng 16,5% về khối lượng, nhưng giảm nhẹ 5% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,34 triệu đơn vị, giá trị 4 tỷ đồng.
Đà giảm của HNX-Index do chịu sự tác động của các mã lớn, trong đó đáng chú ý là ACB giảm 0,44%, xuống 45.700 đồng, dù mở cửa trong sắc xanh, tổng khối lượng khớp đạt 2,19 triệu đơn vị, đứng thứ 5 trên sàn HNX.
SHB cũng đóng cửa giảm 1,57%, xuống 12.500 đồng với 10,34 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX.
Tương tự, sắc đỏ cũng xuất hiện tại PVS (-0,8%, xuống 24.800 đồng với 2,36 triệu đơn vị), VCG (-2,76%, xuống 24.700 đồng), PVI (-2,41%, xuống 40.500 đồng), SHS (-1,29%, xuống 23.000 đồng).
Trong khi đó, VCS lại đảo chiều tăng 1,55%, lên 229.000 đồng, NTP cũng đảo chiều tăng 0,75%, lên 67.500 đồng.
Tuy nhiên, giống như những người anh em trên HOSE, KLF cũng thăng hoa với mức tăng trần lên 2.500 đồng với 4,28 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần 2,15 triệu đơn vị.
Giống 2 sàn niêm yết, sàn UPCoM cũng mất điểm khi chốt phiên sáng nay sau nửa đầu phiên giằng co quanh tham chiếu.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,41%), xuống 60,77 điểm với 55 mã tăng và 46 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,7 triệu đơn vị, giá trị 446 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,44 triệu đơn vị, giá trị 42,21 tỷ đồng.
Cũng giống như BSR, hiệu ứng lên sàn của POW cũng qua nhanh khi quay đầu giảm trong phiên sáng nay sau phiên chào sàn khởi sắc hôm qua và nhường luôn vị trí hot cho một mã mới chào sàn sáng nay là OIL.
Cụ thể, chốt phiên sáng, BSR giảm 1,71%, xuống 17.200 đồng với 3,94 triệu đơn vị được khớp. Trong khi OIL được khớp 5,79 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 25,24%, lên 25.300 đồng, thậm chí có lúc mã này đã leo lên mức 27.500 đồng với mức tăng 36%.
Một tân binh khác là BSR đảo chiều tăng nhẹ 0,33%, lên 30.800 đồng với 1,2 triệu đơn vị được khớp. Đứng sau OIL, POW và ART về thanh khoản.
Cùng với các anh em trên sàn niêm yết, ART cũng hưởng ứng tích cực với thông tin FLC mua 24 máy bay Airbus khi tăng trần lên 10.300 đồng với 1,93 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 2 triệu đơn vị.
Các mã ngân hàng trên sàn là VIB, KLB, LPB cũng có sắc xanh, trong khi BAB đóng cửa ở tham chiếu. Trong đó, LPB và VIB có thanh khoản tốt với trên dưới 1 triệu đơn vị, còn BAB chỉ được khớp 35.000 cổ phiếu.