Phiên sáng 7/10: VCB tiếp tục xác lập đỉnh, VN-Index vẫn “đuối sức“

(ĐTCK) Mặc dù VCB tiếp tục trên con đường tạo lập đỉnh lịch sử mới, nhưng VN-Index lại không nhận được sự hậu thuẫn của nhiều mã bluechip khác để bứt phá.
Phiên sáng 7/10: VCB tiếp tục xác lập đỉnh, VN-Index vẫn “đuối sức“

Sau 3 tuần tăng liên tiếp, thị trường đã gặp áp lực bán và quay đầu điều chỉnh trong tuần đầu tiên của tháng 10. Đáng chú ý, diễn biến giằng co và rung lắc diễn ra mạnh hơn bởi những phiên tăng giảm đan xen trong tuần càng khiến thị trường nhắc nhiều hơn tới ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.000 điểm.

Tuy nhiên, trong khi nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép, là tác nhân chính khiến thị trường mất điểm, thì tâm điểm chú ý lại chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu thị trường. Đặc biệt trong phiên cuối tuần, dòng tiền đầu cơ giao dịch sôi động đã tiếp sức giúp nhiều mã vừa và nhỏ nổi sóng.

Theo nhận định của ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS, trong trường hợp thị trường tiếp tục điều chỉnh thì nhóm midcap có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3 sẽ được dòng tiền chú ý.

Một trong những nhân tố chính khiến cổ phiếu lớn suy giảm và tác động xấu tới thị trường chính là dòng vốn ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài đã ồ ạt bán ra trong tuần qua và chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip. Tính chung trong cả tuần qua, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 1.000 tỷ đồng, là tuần bán ròng cao nhất trong cả năm và gần bằng 60% tháng bán ròng kỷ lục – tháng 8, với giá trị hơn 1.730 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Hưng cho rằng, theo thông kê kể từ đầu năm đến nay, chuỗi tăng dài nhất của thị trường cũng chỉ đạt 4 tuần liên tiếp, do vậy nếu so với chuỗi giảm kéo dài 3 tuần vừa qua trên phố Wall thì việc điều chỉnh của thị trường trong nước là cần thiết trước ngưỡng cản “thần thánh” 1.000 điểm. Đồng thời, đưa ra nhận định: Các nhịp hồi phục của thị trường trong tuần tới sẽ mang tính kỹ thuật, tâm lý nghi ngờ và dòng tiền sẽ thận trọng chờ đợi.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 7/10, mặc dù dòng tiền trở nên thận trọng hơn sau tuần biến động vừa qua nhưng thị trường hồi phục sắc xanh trong biên độ khá hẹp. Chỉ số VN-Index từng bước nhích và chạm mốc 990 điểm chỉ sau khoảng 25 phút giao dịch.

Tuy nhiên, với sự phân hóa của thị trường cùng diễn biến lình xình của nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index giao dịch giằng co quanh ngưỡng kháng cự trên. Trong đó, điểm nhấn của nhóm cổ phiếu bluechip chính là mã lớn ngành ngân hàng – VCB.

Lực cầu nội và ngoại khá tích cực đã tiếp sức cho VCB tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, VCB tăng 1,6%, tạm đứng tại mức giá 84.300 đồng/CP. Trong khi đó, các cổ phiếu khác trong dòng bank vẫn chủ yếu lình xình nhẹ quanh mức giá tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HQC không giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng khá tốt và dẫn đầu thanh khoản với gần 2,5 triệu đơn vị được khớp lệnh. Các mã vừa và nhỏ khác như ASM, TDH, LDG, DIG… giao dịch khởi sắc. FTM có phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp lên mức giá 4.440 đồng/CP và dư mua trần gần 1,2 triệu đơn vị.

Diễn biến thị trường những phút sau đó không có nhiều điểm đáng chú ý, vẫn là sự lình xình trong biên độ hẹp và đóng cửa gần như không đổi.

Chốt phiên sáng, VN-Index đứng ở mức 987,58 điểm với 118 mã tăng và 161 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,6 triệu đơn vị, giá trị 1.651 tỷ đồng, giảm 16,4% về khối lượng giao dịch và 21,5% về giá trị so với phiên giao dịch sáng cuối tuần qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,4 triệu đơn vị, giá trị 317,58 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, sự phân hóa diễn ra khác rõ nét, nhưng mức biến động giá của các mã không lớn. Trong đó, VCB là mã tăng tốt nhất với 1,45% lên 84.200 đồng với 0,62 triệu đơn vị được khớp.  Các mã khác chỉ tăng, giảm nhẹ dưới 0,5%.

Trong Top 30 mã vốn hóa, POW và STB là những mã tăng tốt với mức tăng 1,56% lên 13.050 đồng, khớp 1,14 triệu đơn vị và 1,44% lên 10.550 đồng, khớp 1,38 triệu đơn vị. Trong khi giảm mạnh có VPB giảm 1,57% xuống 21.950 đồng với 3,68 triệu đơn vị, EIB giảm 1,18% xuống 16.700 đồng, nhưng thanh khoản rất thấp.

Mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE sáng nay là ROS với hơn 5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,92% xuống 25.500 đồng. Tương tự, người anh em FLC cũng có giao dịch sôi động với 4,38 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,29% xuống 3.420 đồng.

Trong khi đó, FTM tiếp tục có phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp lên 4.440 đồng với 0,5 triệu đơn vị được khớp, trong khi dư mua giá trần lên tới 1,3 triệu đơn vị do lực cung chốt lời ngắn hạn đã được đưa ra phần lớn trong 2 phiên cuối tuần.

Ngoài FTM, TGG cũng là mã có sự khởi sắc về giá sáng nay khi tăng trần lên 2.120 đồng với 0,57 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Trong khi đó, trên HNX, do không có được sự hỗ trợ của các mã lớn, nên HNX-Index đuối dần đều theo thời gian và chốt phiên ở sát mức thấp nhất phiên.

Cụ thể, chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,88%), xuống 104,25 điểm với 40 mã tăng và 54 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 16,49 triệu đơn vị, giá trị 260 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6 triệu đơn vị, giá trị 66 tỷ đồng.

Trong các mã vốn hóa lớn trên HNX, chỉ có duy nhất PHP tăng 1,85% lên 11.000 đồng, nhưng thanh khoản đì đẹt, còn lại giảm hoặc đứng tham chiếu.

Trong đó, ACB giảm 0,85% xuống 23.400 đồng với 0,95 triệu đơn vị, VCB giảm tới 8,58% xuống 97.000 đồng với 0,77 triệu đơn vị, VCG giảm 1,13% xuống 26.200 đồng với 0,13 triệu đơn vị, PVI giảm 0,6% xuống 33.400 đồng, SHB giảm 1,54% xuống 6.400 đồng với 1,49 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX.

KLF là mã thứ 2 có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị trên HNX sáng nay, nhưng đóng cửa ở mức sàn 1.100 đồng.

Trên UPCoM, sau sắc xanh nhạt lúc đầu, UPCoM-Index nhanh chóng đảo chiều giảm điểm và đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,27%), xuống 56,77 điểm với 56 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,3 triệu đơn vị, giá trị 57 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Mã có thanh khoản tốt nhất thị trường này sáng nay là VIB nhưng cũng khớp chưa tới nửa triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,08% xuống 18.400 đồng. Trong các mã đáng chú ý, chỉ có OIL và VBB có sắc xanh nhạt, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục