Kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã được cơ quan điều tra công bố cho thấy có nhiều sai phạm của các bị can Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank và nguyên Chủ tịch HĐQT Ocean Group (OGC), bị can Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên thành viên HĐQT OceanBank.
Đây là 1 trong 6 vụ đại án tham nhũng được Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra sẽ xét xử vào cuối năm 2016 và quý I/2017.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau khi thông tin về việc đưa 6 vụ đại án ra xét xử, đặc biệt là sau khi kết luận trên được đăng tải, cổ phiếu OGC lại có sức hút kỳ lạ. Đang có thanh khoản trên dưới 1 triệu đơn vị/phiên, OGC bất ngờ có tổng khớp 4,72 triệu đơn vị trong phiên 5/10 và lên tới hơn 9,8 triệu đơn vị trong phiên hôm qua, trước đó là 2,59 triệu đơn vị trong phiên 4/10, dù các phiên này, OGC đều đóng cửa giảm giá, trong đó phiên 5/10 còn giảm sàn.
Bước vào phiên sáng nay, một số nhà đầu tư cũng cố tránh thoát khỏi mã này, nhưng cũng giống 3 phiên trước, lực mua vào rất lớn, hấp thụ hết lượng dư bán, đẩy OGC lên mức giá trần 1.300 đồng với 1,4 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần gần 2 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, về nửa cuối phiên, nhận thấy cơ hội tốt để thoát ra, nhà đầu tư nước ngoài đã ồ ạt tung ra hơn 2,65 triệu đơn vị, hấp thu hết lượng dư mua trần. Tuy nhiên, do lực cầu khá tốt, nên OGC vẫn đóng cửa ở mức trần 1.300 đồng với 4,74 triệu đơn vị được khớp và đang còn dư bán trần.
Cũng được mua mạnh như OGC là VHG khi mã này được khớp gần 4 triệu đơn vị và lượng dư mua trần (2.790 đồng) cũng không còn khi chốt phiên. HQC, HHS và DLG cũng đang duy trì được sắc xanh với thanh khoản khá tốt, trong đó DLG được khớp hơn 5,6 triệu đơn vị, HHS được khớp 3,76 triệu đơn vị, HQC 2,87 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sau chuỗi tăng phi mã, ROS đã điều chỉnh trở lại trong phiên sáng nay khi giảm 2,47%, xuống 43.500 đồng, với gần 0,77 triệu đơn vị được khớp.
Các mã có tính đầu cơ khác như FLC, FIT, HAI, TSC, HNG, ITA, HAG, KBC hiện cũng lình xình dưới tham chiếu. Tuy nhiên, các mã này cũng hút dòng tiền khá tốt khi FLC được khớp hơn 5 triệu đơn vị, KBC gần 3,45 triệu đơn vị.
Trong nhóm bluechip, với việc giá dầu thô liên tiếp tăng mạnh, lên mức cao nhất 4 tháng với dầu thô Brent và 6 tháng với dầu thô Mỹ, nhóm cổ phiếu dầu khí đã nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư và đều đang tăng giá tốt. Trong đó, PVD được khối ngoại mua ròng khá mạnh, hơn 435.000 đơn vị, trong tổng khớp 2,25 triệu đơn vị. Đóng cửa, PVD tăng 1,84%, lên 27.700 đồng, trong khi GAS dù có thanh khoản khiêm tốn hơn nhiều, cũng đã có mức tăng 0,71%; PGD tăng 3,35%, lên 46.000 đồng; DPM tăng 1,07%.
Trong khi đó, các mã lớn khác như VNM, VIC, MSN, HPG, HSG, FPT…, ngay cả sắc xanh tại BVH và VCB cũng đã biến mất. Chốt phiên, VNM giảm 0,56%, VCB giảm 0,52%, VIC giảm 0,23%, MSN giảm 0,43%, BID giảm 1,45%, CTG giảm 1,14%, BVH giảm 2,78%, HSG giảm 1,55%, FPT giảm 1,95%. Trong khi đó, mã có thanh khoản tốt nhất trên HOSE sáng nay là HPG giảm 3,26%, xuống 41.500 đồng với 6,3 triệu đơn vị được khớp.
Chính sức nặng từ các mã này, nên dù thị trường nhận được thông tin hỗ trợ khá tốt về việc nới điều kiện cho vay margin, nhưng VN-Index đảo chiều giảm trở lại dù mở cửa tăng 2,19 điểm (+0,32%), lên 689,51 điểm.
Cụ thể, UBCK đang Dự thảo Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán thay thế Quyết định 637/2011 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong đó có việc nới điều kiện cho vay margin.
Nếu Dự thảo với những quy định này được ban hành, dòng tiền được kỳ vọng sẽ chảy mạnh vào thị trường.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sau khi lên mức cao và chinh phục ngưỡng 690 điểm, thị trường đang chịu sức ép khá lớn và cần thời gian nghỉ ngơi trước khi tính tới chuyện bứt phá để chinh phục các ngưỡng cao mới, mà trước mắt là 690 - 700 điểm.
Chốt phiên, VN-Index giảm 4,44 điểm (-0,65%), xuống 682,88 điểm, mức thấp nhất phiên với 66 mã tăng, trong khi có tới 166 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 81,15 triệu đơn vị, giá trị 1.581,1 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,44 triệu đơn vị, giá trị 193 tỷ đồng.
Tương tự, sắc xanh trên HNX cũng nhanh chóng biến mất khi áp lực bán đang ngày một gia tăng, dù nhận được sự hỗ trợ từ PVS. Các mã gây đột biến trong phiên hôm qua như SHB, KLF sáng nay cũng chỉ ở tham chiếu, trong khi ACB đang giảm giá, gây sức ép lớn cho thị trường.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,75 điểm (-0,87%), xuống 85,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,96 triệu đơn vị, giá trị 344,13 tỷ đồng và chủ yếu đến từ khớp lệnh.
SCR và HKB là 2 mã có thanh khoản tốt nhất HNX với tổng khớp 5,68 triệu đơn vị và 3,62 triệu đơn vị. Đóng cửa cả 2 đều có sắc xanh, trong đó SCR tăng 2,05%, lên 10.000 đồng, HKB tăng 6,48%, lên 11.500 đồng – mức giá cao nhất phiên.
PVS tăng nhẹ 0,94%, trong khi ACB giảm 2,05%, SHB cũng quay đầu giảm 2% sau khi tăng trần hôm qua.