Phiên sáng 6/2: “Kiếm củi 3 năm, thiêu một giờ“

(ĐTCK) Kỷ lục về số điểm tuyệt đối bị mất trong 1 phiên của phiên hôm qua đã bị phá vỡ trong phiên giao dịch sáng nay khi VN-Index mất tới 61,61 điểm, xuyên thủng luôn ngưỡng 1.000 điểm. Với 2 phiên lao dốc này, tất cả những gì tích cóp được từ đầu năm 2018 của VN-Index đã bị đánh mất gần như hoàn toàn.
Tác nhân gây hiệu ứng domino, ngòi nổ cho việc bán tháo đồng loạt hôm qua tại thị trường Việt Nam là chứng khoán Mỹ tiếp tục có thêm một phiên “điên loạn” nữa khi Dow Jones giảm 1.175,21 điểm, tương đương -4,60% trong phiên đầu tuần, sau khi mất hơn 665 điểm trong phiên cuối tuần trước. 
Trên thị trường chứng khoán châu Á phiên sáng nay (6/2) cũng ồ ạt giảm điểm sâu sau hiệu ứng tiêu cực từ phố Wall đêm qua, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 6,11%.
Takuya Takahashi, chiến lược gia của Daiwa Securities, cho biết: "Các nhà đầu tư hiện đang rút lui khỏi thị trường và tại thời điểm này, chúng tôi không dám chắc tình trạng này chỉ là tạm thời hay không”.
Nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) sẽ tiếp tục mua vào cổ phiếu của các quỹ ETF để hỗ trợ thị trường, sau phiên hôm qua mua 73,1 tỷ yên.
Tương tự, chỉ số HangSeng-Index tại Hồng Kông cũng mất 4,94%, bất chấp dòng tiền ròng từ Trung Quốc đại lục đổ vào tăng lên 7,6 tỷ NDT (1,21 tỷ USD) đổ vào thành phố này thông qua chương trình chứng khoán Thượng Hải-Hồng Kông, giá trị lớn nhất kể từ ngày 8/4/2015.
Sau khi ngược dòng hôm qua, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng mất 2,15% trong phiên sáng nay. Thậm chí, chỉ số Kospi-Index tại Hàn Quốc mất tới gần 3%.
Ngoài chịu tác động từ bên ngoài, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam  còn lo âu đang thường trực khi đà giảm mạnh có thể sẽ tiếp tục tái diễn trong phiên 6/2 khi các công ty chứng khoán bán giải chấp (call margin) của nhà đầu tư.
Sau phiên giảm điểm kỷ lục hôm qua, vốn hóa thị trường bốc hơi gần 8,4 tỷ USD, nhiều chuyên gia, các nhà phân tích thị trường đều cho rằng, chứng khoán Việt Nam vẫn đang cơ bản tốt và giàu niềm năng trong năm 2018, nhà đầu tư không nên bán bằng mọi giá, và giữ cái đầu lạnh.
Tưởng chừng cảnh báo này giúp nhà đầu tư trấn tĩnh trở lại khi bước vào phiên giao dịch sáng nay.
Nhưng KHÔNG!!! Ngay khi mở cửa phiên sáng nay, áp lực bán dồn dập trên tất cả các nhóm cổ phiếu, VN-Index lao thẳng đứng, mất hơn 60 điểm, toàn bảng điện tử thanh khoản khớp lệnh cao nhất chiếm đa số là các mã giảm sàn.

Thị trường không còn bất cứ điểm tựa nào để bấu víu, khi các mã vốn hóa lớn nhất thị trường bị knock-out, các bluechip "chết đứng", các mã thị trường không có lệnh mua…

Chốt phiên sáng nay, trên sàn HOSE sắc đỏ vẫn chiếm thế áp đảo, trong đó có tới 117 mã giảm sàn, khiến VN-Index không có cơ hội để gượng dậy.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 22 mã tăng, 291 mã giảm, trong đó 117 mã giảm sàn VN-Index giảm 61,61 điểm (-5,87%), xuống 987,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 227,93 triệu đơn vị, tổng giá trị đạt 5.894,86 điểm, tăng 72,8% về lượng và tăng 40,7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 7,83 triệu đơn vị, giá trị 423,77 tỷ đồng.

Với phiên giảm sáng nay, VN-Index đã đánh mất gần như những gì đã có được kể từ đầu năm. Với mức điểm hiện tại, VN-Index chỉ còn tăng 0,3% trong năm nay. Trong khi đến cuối tháng 11, chỉ số này còn tăng 12,8% so với cuối năm trước và đang hừng hực khí thế phá mức đỉnh lịch sử 1.170 điểm thiết lập hồi tháng 3/2007.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, giảm ít nhất là SAB khi chỉ mất 2,55% xuống 232.800 đồng/cổ phiếu, VNM mất 5,27% xuống 192.400 đồng/cổ phiếu,. còn lại đều giảm sàn hoặc sát mức sàn

Nhóm VN30 chỉ duy nhất còn NVL tăng nhẹ 0,1% lên 81.700 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 677.000 đơn vị, nhưng mã này cũng phải rất cố gắng, khi có thời điểm đã rơi xuống 80.700 đồng/cổ phiếu. Còn lại 29 mã giảm, trong đó có 13 mã giảm sàn.

Sắc xanh le lói có trên 1 triệu cổ phiếu khớp lệnh chỉ có JVC, chốt phiên tăng nhẹ 0,2% lên 4.500 đồng/cổ phiếu, khớp gần 1,7 triệu đơn vị.

Trong “nỗ lực” tìm kiếm trên bảng điện tử một sắc xanh khác sau JVC thì chỉ còn SRF, tăng 1,9% lên 18.850 đồng/cổ phiếu, nhưng khớp lệnh chỉ hơn 150.000 đơn vị.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng có diễn biến tương tự như VN-Index khi lùi sâu ngay từ khi mở cửa, số mã giảm và giảm sàn tăng đột biến.

Chốt phiên, sàn HNX có 20 mã tăng, 126 mã giảm, trong đó 63 mã giảm sàn, HNX-Index giảm 6,95 điểm (-5,85%), xuống 111,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 71,95 triệu đơn vị, giá trị 978,38 tỷ đồng, tăng 81,2% về khối lượng và 50% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,3 triệu đơn vị, giá trị 16,55 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ với 2 phiên lao dốc, HNX-Index đã mất 4,17% tính từ đầu năm 2018, dù cuối tháng 1 còn tăng gần 9%.

Các mã lớn nhỏ trên sàn này cũng đua nhau bị bán tháo, trong đó SHB giảm 7,6% xuống 11.000 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh cao nhất sàn với 32,85 triệu đơn vị; ACB giảm 6,2% xuống 37.500 đồng/cổ phiếu, khớp 5,42 triệu đơn vị; SHS giảm sàn mất 9,9% xuống 18.300 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 4,14 triệu đơn vị.

PVS cũng giảm sàn mất 9,9% xuống 21.800 đồng/cổ phiếu, khớp 1,42 triệu đơn vị…

Một số mã thoát mức sàn nhưng chốt phiên vẫn giảm mạnh như VCG, KLF, HUT, VGC, SHN…khớp lệnh từ 1,2 đến 3 triệu đơn vị.

Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM cũng chịu chung số phận, khi mất hơn 5,2%.

Hàng loạt mã trắng bên mua như DVN, HVN, SBS, ATB, TOP, ART, đây cũng là top 6 trong 6 cổ phiếu thanh khoản cao nhất, và đều giảm sàn. Trong đó, DVN khớp 1,51 triệu đơn vị, giảm 14,7% xuống 19.100 đồng/cổ phiếu; HVN giảm còn 44.200 đồng/cổ phiếu, khớp 1,41 triệu đơn vị; SBS giảm còn 2.500 đồng/cổ phiếu, khớp 1,22 triệu đơn vị, các mã khác có từ 400.000 đến 600.000 đơn vị khớp lệnh.

LPB khớp lệnh cao nhất với 3,56 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 10,1% xuống 13.400 đồng/cổ phiếu.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 2,99 điểm (-5,25%), xuống 53,94 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 11,89 triệu đơn vị, giá trị 177,08 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chó hơn 445.000 đơn vị, giá trị 33,3 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục