Trong phiên hôm qua (4/10), dòng tiền trở lại giao dịch sôi động và lan tỏa đã giúp các nhóm cổ phiếu đua nhau khởi sắc, tiếp sức cho thị trường tiếp tục tiến bước. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index chưa thể chinh phục mốc 1.025 điểm do áp lực bán dâng cao khi thị trường tiếp cận ngưỡng kháng cự mới.
Bên cạnh đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong những yếu tố níu chân thị trường. Khối này đã xả mạnh và có phiên bán ròng khá mạnh trên sàn HOSE với tổng giá trị lên tới gần 425 tỷ đồng.
Mặc dù một số doanh nghiệp đã có báo cáo kết quả kinh doanh quý III nhưng thông tin chưa đủ sức tác động để thị trường có thể bùng nổ. Trong khi đó, với dòng tiền lớn trở lại giao dịch tích cực và lan tỏa, một số công ty chứng khoán đã cho rằng dấu hiệu thị trường khỏe và xu hướng tăng cũng bền vững
Tuy nhiên, trái với quan điểm lạc quan trên, bước vào phiên giao dịch cuối tuần 5/10, áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên khiến thị trường quay đầu đi xuống ngay khi mở cửa.
Lực bán ngày càng gia tăng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, trong đó nhóm cổ phiếu lớn đang đóng vai trò là lực cản chính đẩy lùi VN-Index về sâu dưới mốc tham chiếu và nhanh chóng để mất mốc 1.020 điểm.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, chỉ còn VHM nhích nhẹ trên mốc tham chiếu với mức tăng 0,2%, tạm đứng tại mức giá 102.800 đồng/CP, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ.
Không chỉ các mã lớn trong nhóm ngân hàng như VCB, BID, CTG, TCB hay nhóm dầu khí như GAS, các cổ phiếu khác trong nhóm như STB, VPB, MBB, PLX, PVD, PXS… cũng đều quay đầu điều chỉnh.
Càng về cuối phiên, áp lực bán càng tăng mạnh khiến sắc đỏ lan rộng bảng điện tử và VN-Index bị đẩy về mức thấp nhất, áp sát mốc 1.015 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 179 mã giảm, gấp gần 2 lần số mã tăng (93 mã), chỉ số VN-Index giảm 8,1 điểm (-0,79%) xuống 1.015,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 120,11 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.025 tỷ đồng, tăng 5,93% về lượng và 10,28% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 11,94 triệu đơn vị, giá trị 728,14 tỷ đồng. Riêng MSN thỏa thuận 5,96 triệu đơn vị, giá trị 531,28 tỷ đồng.
Tương tự, sàn HNX cũng chìm trong sắc đỏ suốt cả phiên sáng. Chốt phiên, sàn HNX có 70 mã giảm và chỉ 40 mã tăng, HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,45%) xuống 115,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,75 triệu đơn vị, giá trị 409,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,18 triệu đơn vị, giá trị hơn 289 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn tiếp tục gia tăng sức ép khi nới rộng đà giảm về cuối phiên như VIC giảm 1,5% xuống 99.100 đồng/CP, VNM giảm 0,9% xuống 142.900 đồng/Cp, SAB giảm 1,5% xuống 222.600 đồng/CP, MSN giảm 2,1% xuống 91.900 đồng/CP, GAS giảm 2,4% xuống 121.000 đồng/CP…
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng như CTG giảm 0,7% xuống 27.500 đồng/CP, BID giảm 1,6% xuống 36.150 đồng/CP, TCB giảm 0,8% xuống 29.950 đồng/CP, MBB giảm 0,4% xuống 23.900 đồng/CP, VPB giảm 0,4% xuống 26.250 đồng/CP...
Hôm nay, VCB điều chỉnh giá tham chiếu để thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%. Chốt phiên sáng nay, VCB tăng nhẹ 0,8% lên 62.700 đồng/CP, là một trong những nhân tố tích cực trong bối cảnh thị trường chịu áp lực bán mạnh.
Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm hấp dẫn thị trường với STB dẫn đầu thanh khoản đạt 12,28 triệu đơn vị và chốt phiên tại mốc tham chiếu 13.850 đồng/CP; trong khi MBB lùi về vị trí thứ 3 với 3,97 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, một số mã đảo chiều hồi phục như HQC, FLC, KBC, GTN… Trong khi đó, ASM, DIG, SCR, DXG, HAG… lại quay đầu điều chỉnh.
Trên sàn HNX, các mã có vốn hóa lớn như ACB, VCS, SHB, PVS, VGC đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Trong đó, PVS giảm 1,2% xuống 24.100 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản với 3,84 triệu đơn vị; tiếp đó là SHB với 3,6 triệu đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa tại mức 9.000 đồng/CP, giảm 1,1%.
Trên sàn UPCoM, dù sắc xanh le lói giữa phiên nhưng áp lực bán dâng cao đã nhanh chóng nhấn chìm thị trường, chỉ số UPCoM-Index cũng chốt phiên tại mức thấp nhất.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,56%) xuống 54,24 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,85 triệu đơn vị, giá trị 153,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,1 triệu đơn vị, giá trị 16,32 tỷ đồng.
Cổ phiếu VGT giao dịch khá tích cực với 1,75 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và chốt phiên tại mức giá 13.500 đồng/CP, tăng 3,85%.
Trong khi đó, 2 mã dầu khí là POW và BSR cùng có khối lượng giao dịch hơn 1,2 triệu đơn vị nhưng đều chốt phiên trong sắc đỏ với mức giảm tương ứng 1,21% xuống 16.300 đồng/CP và 1,48% xuống 20.000 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều mã lớn cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu, gia tăng thêm gánh nặng cho thị trường như OIL, DVN, HVN, , VEA, VIB, MSR…