Gác lại những lo ngại về bất ổn địa chính trị, dòng tiền trong nước đã trở lại khá mạnh giúp thị trường hồi phục tích cực trong tuần cuối tháng 4. Bên cạnh đó, thị trường còn đón nhận nhiều thông tin tích cực như dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào chứng khoán Việt, mùa ĐHCĐ đã đi qua hơn nửa chặng đường với nhiều thông tin khả quan về kế hoạch kinh doanh…
Mặt khác, theo phân tích thống kê đã được đưa ra, chu kỳ của thị trường trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ trong khoảng 10 năm trở lại đây, chủ yếu là những phiên tăng điểm, thậm chí có những năm VN-Index tăng rất mạnh như năm 2006 tăng 2,79%, năm 2009 tăng tới 4,67%.
Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường, giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào xu hướng tăng trong tháng 5. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia phân tích đã đánh giá, hiện tượng “Sell in May” nhiều khả năng sẽ không xẩy ra. Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng Phòng Phân tích, Công ty IVS cho rằng, câu nói “sell in May and go away” sẽ có thêm một lần nữa không còn chính xác trong tháng 5 năm nay.
Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, thị trường bước vào phiên giao dịch 3/5 khá tích cực. Dòng tiền nhập cuộc ngay đầu phiên cùng sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip giúp VN-Index bảo toàn sắc xanh.
Đà tăng tiếp tục được duy trì khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục, giúp VN-Index tiến sát mốc 720 điểm. Tuy nhiên, sự chững lại của nhiều mã bluechip khiến thị trường thiếu động lực để bứt phá.
Trong khi nhiều cổ phiếu lớn đảo chiều như GAS, VIC, ROS… thì nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng vai trò là điểm tựa chính giúp các chỉ số tăng nhẹ. Cụ thể, VCB tăng 1%, BID tăng 0,6%, CTG tăng 1,2%, STB tăng 1,3%, MBB tăng 3,8%, ACB tăng 1,7%.
Tuy nhiên, chính sự đơn lẻ này khiến nhà đầu tư không mấy tin tưởng vào xu hướng tăng của thị trường. Chỉ số HNX-Index đã quay lại sắc đỏ sau gần 1 giờ giao dịch, còn VN-Index chỉ nhích nhẹ hơn 0,2 điểm.
Tâm điểm đáng chú ý của thị trường là cặp đôi QCG và FIT. Bên cạnh QCG tiếp tục khan hàng với lượng dư mua trần đạt hơn 3,2 triệu đơn vị và ghi nhận phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp thì FIT cũng chính thức chia tay sắc đỏ sau 6 phiên giảm và được kéo thẳng lên mức giá trần 4.410 đồng/CP với lượng dư mua trần đạt hơn 2,3 triệu đơn vị.
Sau gần 1 giờ giảm điểm, thị trường dần hồi phục nhờ dòng tiền hấp thụ tích cực. Tuy nhiên, diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường thiếu động lực để bật cao, VN-Index duy trì đà tăng nhẹ đến hết phiên sáng trong khi đó, HNX-Index không thể đảo chiều trước áp lực bán gia tăng cùng đà hãm của nhóm HNX30.
Chốt phiên giao dịch sáng, sàn HOSE khá cân bằng với 123 mã tăng và 126 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,53 điểm (+0,07%) lên 718,26 điểm. VN30-Index tăng 1,78 điểm (+0,26%) lên 682,27 điểm với 16 mã tăng, 13 mã giảm và 1 mã đứng giá.
Thanh khoản khá sôi động với khối lượng giao dịch 113,33 triệu đơn vị, giá trị 2.122,89 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 22,61 triệu đơn vị, giá trị 143,15 tỷ đồng. Riêng FIT thỏa thuận 19,78 triệu đơn vị, giá trị hơn 85 tỷ đồng.
Trong khi đó, sàn HNX tiêu cực hơn khi có 88 mã giảm và 63 mã tăng, HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,16%) xuống 89,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 25 triệu đơn vị, giá trị 270,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận thấp, chưa tới 3 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 1,11 điểm (-0,67%) xuống 165,69 điểm khi có tới 16 mã giảm, 8 mã tăng và 6 mã đứng giá.
Thông tin giá dầu thô Brent giảm xuống mức thấp nhất trong năm 2017, xóa hết những gì đã có được trước đó sau khi OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi cuối năm 2016, đã tác động khá tiêu cực tới diễn biến nhóm cổ phiếu dầu khí khi đồng loạt quay đầu giảm điểm. Cụ thể, GAS giảm 0,5%, PVD giảm 5,1%, PVC giảm 2,7%, PVS giảm 1,7%, PGS giảm 1,65%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chững lại khi BID quay về mốc tham chiếu, VCB và CTG cùng thu hẹp biên độ với mức tăng 0,6%, ACB tăng 1,3%. Trái lại, SHB lấy lại mốc tham chiếu nhờ lực cầu hấp thụ mạnh, với khối lượng khớp lệnh thành công đạt hơn 8,52 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường.
Ở nhóm cổ phiếu trụ cột và cổ phiếu lớn, trong khi VNM, MSN đang tăng nhẹ thì VIC vẫn giao dịch trong sắc đỏ, đáng kể, ROS quay đầu giảm 1,2%, kết phiên ở mức giá 160.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 1,2 triệu đơn vị.
Mặt khác, các cổ phiếu chứng khoán đang tạo sóng trở lại khi hầu hết các mã trong nhóm đều đua nhau khởi sắc. Bên cạnh BSI và MBS tăng trần, các mã khác cũng tăng tích cực như APG và APS cùng tăng 4%, BVS tăng 0,6%, HCM tăng 0,9%, SSI tăng 0,2%, VIX tăng 1,6%, VND tăng 0,7%.
Một số cổ phiếu đáng chú ý như QCG và FIT tiếp tục vắng bóng cung hàng và dư mua trần chất đống. Trong đó, QCG khớp 265.590 đơn vị và dư mua trần 3,46 triệu đơn vị; còn FIT khớp 788.770 đơn vị và dư mua trần hơn 5 triệu đơn vị.
Ngoài ra, ở nhóm cổ phiếu thị trường còn có điểm sáng tại TSC. Sau diễn biến rung lắc đầu phiên, TSC đã tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh đạt 2,29 triệu đơn vị và dư mua trần 286.310 đơn vị.
Trên sàn UPCoM, sau nhị đảo chiều giảm nhẹ ở giữa phiên, chỉ số sàn này đã đảo chiều và chốt phiên trong sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu lớn. Cụ thể, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,03 điểm (+0,05%) lên 57,65 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,18 triệu đơn vị, giá trị 36,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt chưa tới nửa triệu cổ phiếu, giá trị 15,64 tỷ đồng.
Trong khi HVN đã đảo chiều tăng 0,8%, chốt phiên tại mức giá 26.000 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 190.300 đơn vị, thì ACV vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ với mức giảm 0,8%, xuống 49.200 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 20.100 đơn vị.
Ngoài HVN, nhiều mã lớn khác cũng hỗ trợ giúp thị trường đảo chiều thành công như GEX, MSR, VOC, VGT, tuy nhiên biên độ tăng khá hạn chế chỉ tăng từ 100-400 đồng/CP.