Thị trường đang bước vào những phiên cuối tháng 8 tăng khá tốt dù tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng khiến dòng tiền tham gia có phần hạn chế. Ngay sau phiên điều chỉnh nhẹ ngày 29/8 do áp lực chốt lời gia tăng bởi 4 phiên tăng điểm trước đó, thị trường đã hồi phục tích cực trong phiên 30/8.
Tuy vậy, một số công ty chứng khoán đã đánh giá phiên tăng điểm này không thực sự thuyết phục với việc thị trường tăng điểm nhờ vào trụ đỡ chính là VIC, trong khi đó thanh khoản suy giảm mạnh và độ rộng thị trường cũng ở mức cân bằng, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư tại vùng cản 775 điểm.
Với những diễn biến trên cùng tâm lý kỳ nghỉ lễ đang cận kề khiến thị trường tiếp tục duy trì trạng thái giao dịch thận trọng khi bước vào phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8. VN-Index đã điều chỉnh nhẹ ngay đầu phiên và nhanh chóng hồi phục sắc xanh nhờ sự đảo chiều thành công của một số mã bluechip.
Mặc dù dòng tiền vẫn tham gia khá hạn chế nhưng sắc xanh lan tỏa thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu VN30 giúp đà tăng tiếp tục được nới rộng và VN-Index leo lên mốc 780 điểm.
Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt khởi sắc sau những phiên điều chỉnh, là động lực chính giúp VN-Index vượt ngưỡng 780 điểm trong khi HNX-Index cũng chạm mốc 104 điểm, cụ thể BID tăng 1,55%, CTG tăng 0,81%, MBB tăng 2,37%, VCB tăng 0,41%, ACB tăng 1,75%, SHB tăng 1,3%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn giao dịch khá tích cực. Bên cạnh ông lớn VIC tiếp tục tăng điểm, các mã vừa và nhỏ như DXG, SCR, ITA, HQC, OGC… tiếp tục tăng điểm.
Cổ phiếu FLC vẫn chưa thoát khỏi áp lực bán mạnh. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, FLC giảm 2,4% xuống mức 7.740 đồng/CP với khối lượng khớp 9,83 triệu đơn vị, vẫn duy trì vị trí vua thanh khoản.
Trái lại, cặp đôi HAI và HAR đã hồi phục sau những phiên giảm sàn liên tiếp, trong đó có thời điểm HAI tiến sát mức giá trần và hiện đang tăng nhẹ 0,5%.
Sau gần 1 giờ tăng điểm, thị trường chùng xuống trước và lùi về sát mốc tham chiếu, tuy nhiên VN-Index nhanh chóng bật lên và đứng vững trên ngưỡng 780 điểm đến hết phiên.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 2,42 điểm (+0,31%) lên 781,07 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 123,55 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 2.319,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,79 triệu đơn vị, giá trị 270,75 tỷ đồng, trong đó EIB thỏa thuận 10 triệu đơn vị, giá trị 130 tỷ đồng.
Trong khi đó, sàn HNX lỗi hẹn với mốc 104 điểm. Với mức tăng 0,57 điểm (+0,56%), HNX-Index chốt phiên sáng tại mức 103,91 điểm. Thanh khoản khá sôi động với khối lượng giao dịch đạt 33,85 triệu đơn vị, giá trị 459,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 324.362 đơn vị, giá trị 4,7 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn SAB sau phiên hồi nhẹ hôm qua đã trở lại giao dịch trong sắc đỏ trong phiên sáng nay với mức giảm 0,6%, trái lại PLX lại đảo chiều tăng 0,7%.
Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, MBB, VCB tiếp tục tăng điểm, đóng vai trò trụ đỡ chính giúp sức thị trường duy trì đà tăng ổn định.
Nhóm cổ phiếu thép cũng đua nhau khởi sắc như HSG tăng 1,7%, HPG tăng 0,9%, TLH tăng sát trần 6,4%, NKG tăng 1,2%, POM tăng 2,1%, DTL tăng 1,6%, VIS tăng 0,5%, VGS tăng 4,3%.
Cổ phiếu lớn nhóm bất động sản khá hot trong thời gian gần đây là VIC tiếp tục leo cao và được săn đón của cả nhà đầu tư nội và ngoại. Với mức tăng 2%, VIC tạm chốt phiên sáng tại mức giá 50.200 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 0,8 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng gần 0,27 triệu đơn vị.
Cặp đôi FLC và ROS tiếp tục diễn biến trái chiều nhau. Trong khi FLC vẫn chịu áp lực bán mạnh và giảm 2,9% với khối lượng khớp lệnh vượt trội so với thị trường đạt 25,71 triệu đơn vị; thì ROS củng cố đà tăng 1,7% lên mức cao nhất 110.800 đồng/CP. Nhờ vậy, ông Trịnh Văn Quyết vẫn giữ được vị trí người giàu nhất thị trường chứng khoán với tổng tài sản gần 36.417 tỷ đồng, chỉ hơn ông Phạm Nhật Vượng 74 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, ACB vẫn tăng khá tốt 1,4% với khối lượng khớp 1,42 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã lớn khác như PVS, NTP, LAS, VCG, PGS… cũng đua nhau khởi sắc, góp sức giúp thị trường duy trì nhịp tăng ổn định.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay là OCH. Sau 2 năm không trả được nợ NCB, Tập đoàn Đại Dương (OGC) buộc phải bán 32 triệu cổ phiếu OCH, thời gian đăng ký bán từ ngày 28/8 đến ngày 22/9. Thông tin trên nhanh chóng kéo tụt OCH về mức giá sàn, tuy nhiên lực cầu hấp thụ gia tăng mạnh giúp cổ phiếu này đảo chiều bật cao và thậm chí có thời điểm tiến sát trần.
Chốt phiên, OCH tăng 7,7% lên mức 12.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động lên tới 8,55 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.
Trên sàn UPCoM, trái với 2 sàn chính, chỉ số này này tiếp tục giảm điểm.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,3%) xuống 54,19 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,4 triệu đơn vị, giá trị 40,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 688.406 đơn vị, giá trị 10,43 tỷ đồng.
Cổ phiếu ART đã có những nhịp hồi phục và chốt phiên thu hẹp đà giảm đáng kể sau 3 phiên giảm sàn, với mức giảm 4,2% xuống 25.100 đồng/CP và khối lượng giao dịch giảm mạnh, chỉ đạt 387.300 đơn vị.
Trong khi đó, MSR tăng gần 2% với khối lượng giao dịch đạt 405.300 đơn vị, vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.