Sau chỗi ngày tăng tốt tuần qua nhờ sự hỗ trợ đắc lực của VIC và một số mã lớn khác, VN-Index đã leo lên thử thách vùng kháng cự 995 - 1.000 điểm. Trong phiên giao dịch hôm qua, chỉ số này thậm chí có lúc đã vượt mốc 1.000 điểm lúc đầu phiên. Tuy nhiên, sau đó áp lực chốt lời diễn ra tại VIC đã khiến VN-Index quay đầu và giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong suốt phiên sáng.
Bước vào phiên giao dịch chiều, sau ít phút cầm cự ở ngưỡng 995 - 1.000 điểm, VN-Index đã lao dốc mất gần 12 điểm, giảm về mức thấp nhất ngày khi chốt phiên.
Sau phiên đổ đéo do áp lực chốt lời mạnh này, VN-Index đang gắng gượng dậy trong phiên giao dịch sáng nay khi có được sắc xanh nhạt khi VIC hồi nhẹ trở lại, VHM tăng tốt sau báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng tích cực, VNM, GAS cũng có chớm xanh. Sau đó, cùng với sự đảo chiều của VIC, VNM, GAS, trong khi VCB vẫn chìm trong sắc đỏ, VN-Index cũng giảm xuống sát mốc 982 điểm.
Tuy nhiên, sự khởi sắc của VHM, cùng sự trở lại của VIC và GAS đã giúp VN-Index bật trở lại, leo lên mức cao nhất phiên khi trước khi nghỉ trưa.
Chốt phiên, VN-Index tăng 3,02 điểm (+0,31%), lên 989,04 điểm với 117 mã tăng, trong khi số mã giảm vẫn nhiều hơn với 165 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 82,55 triệu đơn vị, giá trị 2.628,85 tỷ đồng, tăng hơn 21% về khối lượng và hơn 74% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Tuy nhiên, phiên sáng nay có giao dịch gia tăng mạnh với 18 triệu đơn vị, giá trị 1.406,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là từ 9,41 triệu cổ phiếu VNM, giá trị 1.162,6 tỷ đồng.
VIC dù rung lắc, nhưng cuối cùng cũng chốt phiên với sắc xanh nhạt nhờ lực cung giá thấp được tiết giảm. Trong khi đó, người anh em VHM lại khởi sắc với mức tăng 3,57% lên 87.000 đồng, mức cao nhất phiên với 409.000 đơn vị được khớp sau báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.
Một cổ phiếu họ Vin khác là VRE cũng đảo chiều tăng 1,26% lên mức cao nhất phiên 36.300 đồng với 866.600 đơn vị được khớp.
Ngoài ra, GAS cũng đóng góp tích cực cho đà hồi phục của VN-Index khi tăng 1,28% lên 110.400 đồng, CTG tăng 0,48% lên 20.800 đồng với 819.050 đơn vị. Trong khi đó, VCB, BID, MSN giảm giá, nhưng mức giảm cũng không quá mạnh.
Trong các mã bluechip khác, sự tích cực ghi nhận tại HPG, MWG, FPT, PNJ, PLX, MBB, trong khi sắc đỏ còn duy trì tại TCB, VJC, BVH, HVN, NVL, POW, HDB, STB, TPB, ROS, dù nhiều doanh nghiệp trong số này công bố kết quả kinh doanh khả quan.
Trong nhóm này, MBB là mã có thanh khoản tốt nhất với 2,49 triệu đơn vị, tiếp đến là ROS với 1,6 triệu đơn vị và HPG với 1,49 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã nhỏ lại có giao dịch tích cực, trong đó nổi bật là DLG và IJC. DLG dù không giữ được mức trần 1.590 đồng, nhưng cũng đóng cửa tăng mạnh 5,37%, lên 1.570 đồng với hơn 2,47 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, IJC dù mở cửa giao dịch giằng co quanh tham chiếu, nhưng sau đó nhờ lực cầu tốt đã tăng vọt lên mức trần 12.050 đồng với 2,28 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.
Các mã HQC, HAG, FLC dù đang giảm hoặc giá, nhưng cũng có thanh khoản tốt. Trong đó, FLC có thanh khoản tốt nhất sàn với 4,88 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,47% xuống 4.020 đồng.
Trên sàn HNX, sác xanh le lói đầu phiên cũng nhanh chóng biến mất và dù nỗ lực theo tín hiệu tích cực của VN-Index nửa cuối phiên, nhưng HNX-Index không thể trở lại mốc tham chiếu.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,37%), xuống 104,04 điểm với 52 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,4 triệu đơn vị, giá trị 243 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,5 triệu đơn vị, giá trị 44 tỷ đồng.
HNX-Index không thể trở lại tham chiếu do ACB vẫn giao dịch trong sắc đỏ và chốt phiên giảm 0,44% xuống 22.800 đồng. Ngoài ra, SHB cũng giảm 1,52% xuống 6.500 đồng với 7,53 triệu đơn vị, vượt trội so với phần còn lại.
Trong khi đó, VCG trở lại tham chiếu 25.900 đồng, VCS tăng 2,97% lên 76.300 đồng, PVI tăng 0,56% lên 36.000 đồng, NTP thậm chí tăng mạnh 4,05% lên 38.500 đồng.
Ngoài ra, CEO cũng có giao dịch tích cực khi tăng 1,96% lên 10.400 đồng, PVS tăng 0,9% lên 22.300 đồng với thanh khoản khá tốt với 2,38 triệu đơn vị và 0,9 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, khởi sắc về giá phải kể đến VCR khi có lúc tăng trần lên 19.600 đồng, trước khi đóng cửa tăng 8,38%, lên 19.400 đồng với 626. 900 đơn vị được khớp.
Trên UPCoM, chỉ số chính của sàn này chỉ chớm xanh đầu phiên sau đó giao dịch trong sắc đỏ suốt thời gian còn lại.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,27%), xuống 58,27 điểm với 62 mã tăng và 78 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9 triệu đơn vị, giá trị 194 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 26 tỷ đồng.
Trên thị trường này sáng nay chỉ có duy nhất GVR có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 2%, xuống 14.600 đồng.