Phiên sáng 3/11: VN-Index “thất thủ“

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trên diện rộng, nhất là tại các mã trụ, các mã cơ bản đã khiến VN-Index giảm mạnh trong phiên sáng nay, xuyên thủng nhiều ngưỡng hỗ trợ, tạm tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhà đầu tư.
Phiên sáng 3/11: VN-Index “thất thủ“

Cú hồi nhẹ vào cuối phiên sáng đã trở thành cơ hội để nhà đầu tư thoát hàng trong phiên chiều qua (ngày 2/11). Lực bán gia tăng mạnh ở các mã lớn và lan rộng toàn thị trường đã đẩy VN-Index giảm sâu, rơi xuống mức thấp nhất trong ngày.

Bên cạnh đó, giao dịch thị trường cũng không mấy tích cực bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng quan sát. Trong khi dòng tiền trong nước tham gia khá hạn chế thì giao dịch khối ngoại vẫn duy trì trạng thái khá thấp và tiếp tục trở lại trạng thái bán ròng hơn 50 tỷ đồng trong phiên hôm qua.

Với những diễn biến thiếu tích cực, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định thị trường vẫn trong xu hướng tiêu cực, dự báo trong các phiên tới sẽ tiếp tục giảm điểm và test lại các ngưỡng hỗ trợ gần nhất.

Theo IVS, trong phiên 3/11, nếu VN-Index chính thức mất mốc 670 điểm thì nhiều khả năng áp lực bán sẽ còn lớn hơn nữa. Những cú giảm mạnh và nhanh sẽ lại khiến cho nhiều nhà đầu tư đang sử dụng margin lớn chịu thiệt hại và gặp áp lực lớn.

Với những phân tích cùng diễn biến trên, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng 3/11 không mấy tích cực. Áp lực bán khá cao khiến VN-Index nhanh chóng xuyên thủng ngưỡng 670 điểm.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 2,74 điểm (-0,41%) xuống 668,66 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,8 triệu đơn vị, giá trị 37,86 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, trong khi lực cầu không mấy nhập cuộc thì áp lực bán tiếp tục dâng cao và lan rộng bảng điện tử. Sắc đỏ bao phủ trên diện rộng, trong đó, hầu hết các bluechip cũng đều rơi xuống mức giá tham chiếu, khiến VN-Index tiếp tục nới rộng đà giảm điểm. Lực hãm chính đến từ các mã lớn như BVH, GAS, FPT, MSN, BID.

Tại thời điểm 10h, trên sàn HOSE có tới 145 mã giảm trong khi chỉ có 38 mã tăng, trong đó, nhóm VN30 có tới 28 mã giảm điểm. Đáng chú ý, KBC dù có báo cáo tài chính quý III/2016 khá khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt 207,8 tỷ đồng, tăng tới 95% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên sang nay diễn biến cổ phiếu này lại khá tiêu cực.

Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên và ngày gia tăng mạnh khiến sắc đỏ ngày càng tô đậm hơn và hiện đang giao động quanh mức giá sàn. Hiện cổ phiếu này đã chuyển nhượng thành công hơn 3,6 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản ngay sau FLC.

Trong khi đó, sau phiên hôm qua hồi phục mạnh và leo lên mức giá trần 90.900 đồng/CP ROS tiếp tục chịu áp lực bán ra trong phiên sáng nay và quay đầu giảm điểm. Hiện ROS giảm khá mạnh với biên độ 5,4% xuống mức giá 86.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt hơn 0,6 triệu đơn vị.

Đánh mất mốc hỗ trợ mạnh 670 điểm ngay ở đầu phiên giao dịch khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên hoang mang hơn. Lực cầu càng thận trọng trong khi áp lực bán tiếp tục dâng cao ở các mã trụ cột và lan rộng toàn thị trường khiến biên độ giảm nới rộng, chỉ số VN-Index lần lượt xuyên thủng các ngưỡng 668 điểm, 665 điểm.

Trong nhóm cổ phiếu bluechip, ngoại trừ VIC giữ được đà tăng nhẹ, còn lại đều đã chuyển đỏ với mức giảm khá sâu tại các mã như BVH, BID, MSN, VCB…

Bên cạnh đó, thông tin giá dầu thô lao dốc, xuống mức thấp nhất 5 tuần đã tác động khá tiêu cực đến diễn biến của nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước. Tiêu biểu GAS giảm 1,67% xuống mức giá thấp nhất của phiên 64.800 đồng/CP, PVD giảm 1,89%; trên sàn HNX có PVS giảm 2,2%, PVB giảm 0,8%, PVX giảm kịch sàn…

Ở nhóm cổ phiếu ngành thép cũng đón nhận thông tin không mấy tích cực. Sau 3 quý đầu năm “dễ thở” hơn, doanh nghiệp thép trong nước lại phải đối mặt với khó khăn từ vụ kiện trốn thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, đồng loạt các mã trong nhóm này cũng đều rơi xuống dưới mức giá tham chiếu trong phiên sáng nay như HSG giảm 1,3%, HPG giảm 0,9%, NKG giảm 3%, TLH giảm 2%, VIS giảm 0,6%, VGS giảm 4,1%.

Các mã đầu cơ quen thuộc cũng đều rớt giá, trong đó, KBC không thể thoát khỏi giá sàn trước áp lực chốt lời mạnh. Với mức giảm 6,76%, KBC lùi về mức giá 15.850 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 5,76 triệu đơn vị, dư bán sàn 274.660 đơn vị.

FLC lùi về mức giá 6.750 đồng/CP với mức giảm 3,85% và khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường đạt 11,63 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, toàn sàn HOSE có tới 178 mã giảm, gấp gần 4 lần số mã giảm (49 mã), chỉ số VN-Index giảm 8,08 điểm (-1,2%) xuống mức 663,32 điểm. Trong đó, nhóm VN30 vẫn là tác nhân chính khi có tới 27 mã giảm, chỉ 2 mã tăng và 1 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index giảm 7,35 điểm xuống mức 629,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66,66 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.192,22 tỷ đồng.

Trong khi đó, sàn HNX cũng giao dịch khá tiêu cực trước áp lực bán lớn mạnh. Toàn sàn có 100 mã giảm, trong đó có tới 24 mã giảm sàn và chỉ 35 mã tăng. Chỉ số VN-Index chốt phiên ở mức 80,43 điểm, với mức giảm 0,88 điểm (-1,09%). Thanh khoản vẫn giữ ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 21,79 triệu đơn vị, giá trị 205,28 tỷ đồng.

Ở nhóm HNX30, ngoại trừ VTV và PVI có mức tăng nhẹ, còn lại đều quay đầu giảm điểm hoặc đứng giá. Trong đó, các mã giảm khá mạnh, đóng vai trò lực hãm chính của thị trường như NTP, PVS, DBC, HUT, VCS…

SCR và HUT là 2 mã thanh khoản tốt nhất sàn HNX với khối lượng khớp lệnh chỉ đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục