Trong phiên hôm qua, sau ít phút khởi sắc và ngay khi tiếp cận ngưỡng 995 điểm, áp lực bán gia tăng đã khiến VN-Index trở nên rung lắc và bị đẩy lùi.
Việc để mất mốc 990 điểm đã khiến lực cầu được kích hoạt vào phiên chiều, giúp VN-Index bật ngược đi lên và nới đà đi lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày gần 998 điểm.
Theo BVSC thì đường STO đang xác lập lại xu hướng tăng sau khi cắt lên trên trở lại đường tín hiệu.
Các chỉ báo khác như Chaikin Money Flow, Fear & Greed và Rex Oscillator cũng đều đang ở trạng thái tích cực, còn đường MACD và RSI tiếp tục duy trì đà đi lên.
Những tín hiệu chỉ báo trên cho thấy dư địa tăng điểm của thị trường sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Vùng 1.000-1.005 điểm sẽ tiếp tục đóng vai trò là vùng kháng cự tâm lý.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 30/7, ngay khi mở cửa, lực mua kỹ thuật xuất hiện kéo VN-Index tăng lên trên ngưỡng 1.000 điểm với sự trợ giúp của đa số các cổ phiếu trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn.
Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, dòng tiền chậm lại cùng các mã nâng đỡ đã hạ dần độ cao, thậm chỉ đảo chiều giảm như VIC, GAS, BID, VRE, MSN, đã khiến VN-Index đã thủng tham chiếu trước khi trở lại sắc xanh sau hơn 1 giờ giao dịch.
Rổ VN30 cũng dần bị sắc đỏ chi phối, và các mã lớn lác đác có sắc xanh nhạt là SAB, VNM, VCB, VJC, VHM... giữ cho chỉ số không rơi sâu.
Trên bảng điện tử, số mã giảm cũng lấn át với áp lực chốt lời diện rộng với đa số các mã thanh khoản cao đều giảm như ROS, HAG, HPG, MBB, AMD, LCG, VGC, HBC…
Những mã còn đang níu kéo dòng tiền có PVD, FLC, DCM, NLG và đặc biệt là AAA, khi đang khớp lệnh cao nhất với gần 2,5 triệu đơn vị, nhưng mức tăng lại không cao.
VN-Index chỉ có thêm một nhịp chạm tới 1.000 điểm, sau đó là diễn biến giao dịch thận trọng trên nền thanh khoản thấp, khiến chỉ số chỉ loanh quanh mốc tham chiếu và tạm nghỉ gần như không đổi.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 82 mã tăng và 188 mã giảm, VN-Index tăng 0,29 điểm (+0,03%), lên 998,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 68 triệu đơn vị, giá trị gần 1.507 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 4,97 triệu đơn vị, giá trị 146 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn, bluechip phân hóa mạnh và đa số giảm với rổ VN30 có tới 20 mã đỏ và chỉ 6 mã tăng.
Theo đó, các cổ phiếu còn tăng là VCB +1% lên 81.800 đồng; VHM +1,4% lên 89.000 đồng; VNM +0,9% lên 124.600 đồng; SAB +0,7% lên 280.000 đồng; CTG +0,2% lên 20,950 đồng; VJC +0,1% lên 133.500 đồng.
Các mã giảm đáng kể như cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VIC -0,3% xuống 124.000 đồng; VRE -1,5% xuống 36.200 đồng; BID -1,7% xuống 35.200 đồng; ROS -1,5% xuống 27.000 đồng.
còn lại mất điểm với biên độ thấp hơn như HPG -0,7%; PLX -0,2%; HVN -0,7%; MBB -0,2%; MWG -0,2%...
Khớp lệnh ROS vẫn dẫn đầu nhóm với hơn 3,14 triệu đơn vị; HPG có 2,27 triệu đơn vị; MBB có 2 triệu đơn vị; VRE có hơn 1 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu thị trường cũng có diễn biến tương tự, khi các mã đỏ chiếm phần lớn như HBC, LCG, SCR, DLG, LDG, AMD, HSG, ITA, TGG, YBM…trong đó, HBC khớp lệnh cao nhất với hơn 1 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, DQC và GAB giảm sâu. DQC mất 6,6% xuống 18.350 đồng; GAB giảm sàn -7% xuống 8.290 đồng và dư bán sàn hơn 250.000 đơn vị.
Một số giữ được sức hút có AAA, HAG, FLC, PVD, NLG, PDR, HNG, DCM, PVT…khớp lệnh từ 0,6 triệu đến 1,1 triệu đơn vị. Riêng HAG có 3 triệu đơn vị, tăng 2,4% lên 5.200 đồng.
Còn AAA khớp hơn 3,72 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản HOSE, nhưng chỉ tăng nhẹ 0,5% lên 18.450 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng rung lắc khá mạnh quanh tham chiếu, nhưng lại có có nhịp giảm về cuối phiên khá dứt khoát khiến chỉ số tạm nghỉ trong sắc đỏ.
2 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn là ACB và VCS giằng co và đứng giá tham chiếu đã lấy đi động lực của thị trường. Bên cạnh đó là đà giảm của VCG -0,4% xuống 26.000 đồng; PVI -0,6% xuống 36.200 đồng; SHB -1,5% xuống 6.700 đồng; NVB -1,3% xuống 7.900 đồng; MBS -1,4% xuống 15.600 đồng; TNG -3,4% xuống 19.600 đồng; SHS -1,1% xuống 9.000 đồng…
Tích cực nhất có PVS +0,5% lên 22.300 đồng; CEO +1% lên 10.300 đồng; DGC +0,3% lên 32.800 đồng, cùng một số cổ phiếu nhỏ như AAV, HAD, PVX.
Thanh khoản tốt nhất là SHB với hơn 2,25 triệu đơn vị. CEO có 1,69 triệu đơn vị; PVS có 1,45 triệu đơn vị.
Đáng chú ý có VCR, khi tiếp tục hồi phục mạnh, tăng kịch trần +9,8% lên 17.900 đồng, khớp gần 200.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 39 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 0,29 điểm (-0,28%), xuống 104,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,08 triệu đơn vị, giá trị 183,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,64 triệu đơn vị, giá trị 18,8 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên có sắc xanh đã lao nhanh xuống dưới tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ với sức ép giảm điểm từ BSR, VEA, VGT, VIB.
Đáng chú ý nhất trên UpCoM sáng nay là phiên giao dịch đầu tiên của 419 triệu cổ phiếu VBB – Ngân hàng Việt Nam Thương Tín với giá tham chiếu 15.000 đồng.
Cổ phiếu VBB ngay khi mở cửa đã tăng tới 40% lên 21.000 đồng, nhưng sau đó giằng co với biên độ khá mạnh, có thời điểm về lại gần tham chiếu, và kết phiên +12,7% lên 16.900 đồng, khớp lệnh có gần 300.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,83%), xuống 58,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,16 triệu đơn vị, giá trị 172,21 tỷ đòng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,43 triệu đơn vị, giá trị 10,28 tỷ đồng.