Phiên sáng 30/1: Nhà đầu tư tháo chạy, VN-Index 'bay' hơn 32 điểm

(ĐTCK) Áp lực bán mạnh và lan rộng trên bảng điện tử đến nhiều nhóm ngành ngay khi mở cửa đã khiến VN-Index nhanh chóng lao dốc ngay phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Phiên sáng 30/1: Nhà đầu tư tháo chạy, VN-Index 'bay' hơn 32 điểm

Trong phiên 22/1 trước kỳ nghỉ lễ Tết, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào sóng kết quả kinh doanh quý IV sau Tết Nguyên đán nên tranh thủ gom hàng trước Tết, giúp thị trường giao dịch sôi động trong ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019 với số mã tăng chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, VN-Index theo đó cũng chinh phục thành công mốc 990 điểm khi đóng cửa.

Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích tại các công ty chứng khoán trong nước thì mùa báo cáo kết quả kinh doanh vừa qua với hàng loạt các tên tuổi lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng, báo lãi vượt kỳ vọng cũng là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy đà tăng của chỉ số.

Theo thống kê trong 10 năm vừa qua, lợi suất bình quân tháng 1 thị trường đạt 5,88%, đây cũng là mức cao nhất trong các tháng của năm, lợi suất tháng 2 đạt 2,14% cũng là mức cao trong năm.

Bước sang phiên sáng giao dịch đầu tiên của năm mới Canh Tý hôm nay 30/1, thị trường đã đón nhận quyết định bán chốt lời trên diện rộng, khiến sắc đỏ phủ kín bảng điện tử… đã khiến chỉ số VN-Index lao dốc, về vùng quanh 965 điểm, tương ứng giảm trên 25 điểm, đúng bằng số điểm có được khi chỉ số bắt đầu bứt mạnh 6 trong 7 phiên cuối năm Kỷ Hợi.

Rổ VN30 chỉ còn 2 sắc xanh nhạt là CTD và EIB, còn lại đều mất từ 2 đến hơn 4%. Trên thị trường, một số còn giảm sàn đáng chú ý như HVN, HCM, D2D, VNS, DLG.

Tuy vậy, bất ngờ lại có một vài cổ phiếu nhỏ đã ngược dòng thị trường và tăng kịch trần từ sớm với thanh khoản tốt như DIC, VRC, DRH…

Áp lực bán cuối cùng cũng đến với CTD, khiến mã này quay đầu giảm. Như vậy, kết phiên rổ VN30 có 29 mã giảm và đa số giảm sâu, qua đó, đẩy VN-Index lao dốc, mất hơn 32 điểm và thủng mốc 960 điểm khi kết phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 66 mã tăng và 264 mã giảm, VN-Index giảm 32,64 điểm (-3,29%), xuống 958,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 125,48 triệu đơn vị, giá trị 2.804,5 tỷ đồng, tăng 45% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên sáng 22/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,33 triệu đơn vị, giá trị 450,4 tỷ đồng.

Các bluechip dẫn đầu mức giảm có VCB, CTG, TCB, MSN, BVH khi mất trên dưới 5,5%. Tiếp theo có BID, HPG, VPB, STB, MWG, MBB giảm hơn 4%. Nhóm mất hơn 3% có VHM, VNM, VJC, VRE, PLX, FPT, PNJ, REE. Còn lại cũng trên dưới 2% như GAS, HDB, ROS…

Giảm ít nhất ngoài CTD -0,7% thì VIC -0,4% xuống 114.400 đồng; NVL -1,8% xuống 55.000 đồng; TPB -0,9% xuống 21.300 đồng; SBT -0,5% xuống 18.500 đồng…

Thanh khoản HPG cao nhất nhóm với hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh. Nhóm ngân hàng theo sau có CTG với 6,5 triệu đơn vị; MBB có 6,1 triệu đơn vị; STB có 4,9 triệu đơn vị; VPB có 3,5 triệu đơn vị; CTB có 2,66 triệu đơn vị; VCB có 1,72 triệu đơn vị…Đây cũng là nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất HOSE.

Nhiều mã khác trên bảng điện tử còn gặp áp lực bán mạnh hơn và giảm sàn như DLG, HCM, HVN, HBC, HAI, TLH, D2D, VNS..

Nhóm cổ phiếu nhỏ khác giữ sắc tím nổi bật có DIC, VRC, DRH, khi đều có trên dưới 700.000 đơn vị khớp lệnh.

Một cổ phiếu đáng chú ý là GAB, khi tiếp tục tăng kịch trần +7% lên 41.350 đồng/cổ phiếu, mức cao lịch sử mới. Tổng cộng, GAB đã tăng hiên biên độ 22 trên 24 phiên gần nhất.

Mới đây, GAB đã công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông bất thường 2020 với một số nội dung thu hút sự quan tâm trên thị trường như đổi tên thành CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC.

Cùng với đó là kế hoạch chào bán 55,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện 1:4 (cổ đông tại thời điểm chốt sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng 04 quyền mua, cứ 01 quyền được mua 01 cổ phiếu phát hành thêm, giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trên sàn HNX, tình trạng bán tháo cũng diễn ra như trên HOSE khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, HNX-Index mất hơn 2,4%.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,58 điểm (-2,43%), xuống 103,7 điểm với 74 mã giảm và 30 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,4 triệu đơn vị, giá trị 223 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 1 triệu đơn vị, giá trị 14 tỷ đồng.

Trên sàn này, các mã vốn hóa lớn đều giảm giá, trong đó ACB mất 4,08% xuống 23.500 đồng, khớp gần 3 triệu đơn vị. VCG giảm 1,56% xuống 25.300 đồng, VCS giảm 4,2% xuống 66.100 đồng. SHB giảm 2,6% xuống 7.500 đồng, khớp 6,8 triệu đơn vị. PVS giảm 4,37% xuống 17.500 đồng, khớp 1,26 triệu đơn vị. PVI giảm 1,85% xuống 31.800 đồng.

Thị trường UPCoM cũng chung số phận với 2 thị trường niêm yết khi UPCoM-Index lao dốc ngay khi bước vào phiên giao dịch.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,66 điểm (-1,17%), xuống 55,56 điểm với 64 mã giảm và 48 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,6 triệu đơn vị, giá trị 91 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 0,8 triệu đơn vị, giá trị 7 tỷ đồng.

Trên thị trường này chỉ có duy nhất BSR khớp trên 1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,57% xuống 8.100 đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ