Thị trường đang bước vào những phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8. Theo đánh giá của một số chuyên gia chứng khoán, các chỉ số đã liên tiếp chịu áp lực điều chỉnh đáng kể trong tháng 8 vừa qua, và có thể tránh khỏi tình trạng giảm sâu nhờ diễn biến tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò giữ nhịp.
Trong những phiên giao dịch ở tuần vừa qua, cổ phiếu lớn SAB dù có thanh khoản khá thấp nhưng lại tác động lớn tới chỉ số, đã khiến các phiên tăng giảm thất thường hơn. Tuy vậy, tổng kết tuần, VN-Index đã hồi phục sau 2 tuần điều chỉnh liên tiếp và lấy lại được mốc 770 điểm.
Điểm đáng chú ý trong những phiên giao dịch cuối tuần qua là thanh khoản thị trường có dấu hiệu cải thiện. Mặc dù các mã bluechip vận động không tích cực nhưng thị trường đã chứng kiến dòng tiền đầu cơ chảy mạnh giúp nhiều mã thị trường bùng nổ cả giá và giao dịch.
Diễn biến này vẫn duy trì khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần 28/8. Thị trường tiếp tục khởi sắc và tăng tốc nhờ sự tăng giá khá bất ngờ của cặp đôi ROS và VIC, đồng thời thanh khoản cũng tăng mạnh. Trong đó điểm nóng vẫn là nhóm cổ phiếu thị trường với tâm điểm là mã FLC.
Sau 2 phiên tăng trần với giao dịch khủng, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đã quyết định đăng ký mua thêm 11 triệu cổ phiếu FLC sau khi mua thành công 20 triệu cổ phiếu và dành lại vị trí người giàu nhất thị trường trường chứng khoán. Thông tin này tiếp thêm sức mạnh cho FLC tiếp tục khoác áo tím trong phiên 28/8, vượt qua mức giá 9.000 đồng/CP.
Tuy nhiên, sau 7 phiên tăng liên tiếp, cổ phiếu FLC đã chịu áp lực chốt lời ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay 29/8. Sau gần 1 giờ giao dịch, tuy lực bán được tiết chế giúp FLC trở lại mức giá hơn 9.000 đồng/CP nhưng thanh khoản của cổ phiếu này đã giảm mạnh. Với mức giảm 0,98%, FLC tạm đứng ở mức giá 9.070 đồng/CP và khối lượng khớp 9,96 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các mã thị trường khác như FIT, PGC, TSC, DXG… vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu, AMD đã thoát sắc xanh mắt mèo nhưng vẫn giảm 1,7%, còn HAI tiếp tục bị bán tháo và dư bán sàn 1,16 triệu đơn vị.
Trái lại, mặc dù có nhịp rung lắc đầu phiên nhưng thông tin tích cực từ việc đồng loạt khởi công 7 dự án với vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, đã giúp cổ phiếu HQC tiếp tục tỏa sáng trong phiên sáng nay.
Hiện HQC tăng 7% lên mức giá trần 3.690 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đạt gần 16 triệu đơn vị, đạt xấp xỉ thanh khoản cổ phiếu này trong cả phiên hôm qua.
Cùng với giao dịch phân hóa ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã bluechip cũng diễn biến phân hóa nhẹ sau nhịp điều chỉnh khá mạnh ở đầu phiên, đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm đáng kể.
Tuy nhiên, cổ phiếu lớn SAB tiếp tục là nhân tố chính tác động tới chỉ số chung của thị trường. Sau những nhịp rung lắc, hiện SAB trở lại mức giảm hơn 2,1%, khiến VN-Index chưa thể tiếp cận mốc tham chiếu.
Do thiếu sự nâng đỡ của các mã có vốn hóa lớn khiến VN-Index không thể hồi phục và diễn biến khá rung lắc quanh mốc 775 điểm trong phiên sáng nay.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 134 mã giảm và 109 mã tăng, VN-Index giảm 0,9 điểm (-0,12%) xuống 776,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 152,62 triệu đơn vị, giá trị 2.393,52 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,51 triệu đơn vị, giá trị 96,42 tỷ đồng.
Trong khi đó, sàn HNX rung lắc mạnh và liên tục đổi sắc trong phiên sáng. Tuy nhiên, lực bán chiếm áp đảo khiến chỉ số sàn cũng chốt phiên trong sắc đỏ.
Với 87 mã giảm và 54 mã tăng, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%), xuống mức 103,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,48 triệu đơn vị, giá trị 297,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,13 triệu đơn vị, giá trị 12,33 tỷ đồng.
SAB đã thu hẹp đà giảm còn 1,03%, các mã lớn khác như VNM, MSN, GAS, VCB cũng đứng dưới mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa nhẹ, trong khi BID hồi phục tăng nhẹ 0,8%, MBB tăng 0,4%, còn VCB và CTG cùng giảm 0,3%, VPB đảo chiều giảm 0,7% sau 5 phiên tăng điểm.
Dòng tiền đầu cơ vẫn chảy mạnh, trong đó FLC trở lại vị trí dẫn đầu thanh khoản với 29,67 triệu đơn vị nhưng lực bán gia tăng về cuối phiên khiến cổ phiếu này chia nay mức giá 9.x, giảm 2,4%.
Cổ phiếu HQC bớt nóng và đánh mất sắc tím do lực cung gia tăng. Hiện HQC tăng hơn 4% lên mức 3.590 đồng/CP với khối lượng khớp 23,78 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau FLC.
Trong khi FLC bị bán mạnh thì các mã đầu cơ khác như FIT, PGC, SCR, ITA, DXG… lại hồi phục sắc xanh với khối lượng khớp vài triệu đơn vị.
Đáng chú ý, sau 8 phiên giảm sâu liên tiếp, cổ phiếu SKG đã bứt mạnh trong phiên sáng nay khi tăng hết biên độ 6,9% lên mức giá trầm 32.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch tăng vọt đạt 1,38 triệu đơn vị, mức thanh khoản cao nhất của cổ phiếu này từ khi niêm yết (năm 2014).
Trên sàn HNX, cổ phiếu ACB khá rung lắc và là lực đỡ giúp thị trường không giảm quá sâu khi tăng 1,05%, kết phiên tại mức giá 28.800 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các cổ phiếu dầu khí như PVC, PVI, PGS, PLC cùng các mã bluechip khác như HUT, BVS, TV2… đều giảm điểm, còn VCG, PVS, SHB… đứng giá tham chiếu.
Cũng giống FLC, cổ phiếu đầu cơ KLF đã chịu áp lực bán trong phiên sáng nay và quay đầu giảm 2,6%, kết phiên tại mức giá 3.800 đồng/CP với khối lượng khớp 3,43 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.
Trái với 2 sàn chính, sàn UPCoM sau nhịp điều chỉnh nhẹ đầu phiên đã hồi phục và duy trì đà tăng khá tốt.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,37%) lên 54,5 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,74 triệu đơn vị, giá trị 54,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,7 triệu đơn vị, giá trị 66,9 tỷ đồng.
Trong đó, LTG sau 3 phiên khởi sắc đã quay đầu giảm 0,8% và chốt phiên sáng nay tại mức giá 51.400 đồng/CP.
Phiên sáng nay, không có mã nào có khối lượng giao dịch tới nửa triệu đơn vị. Cổ phiếu DRI dẫn đầu thanh khoản với 401.300 đơn vị được chuyển nhượng và chốt phiên tại mức giá 14.400 đồng/CP, tăng 4,35%.
Đứng ở vị trí tiêp theo, PFL có khối lượng giao dịch 310.300 đơn vị và SBS với 219.100 đơn vị được chuyển nhượng.