Phiên sáng 28/8: Dòng tiền chảy mạnh, thị trường duy trì đà tăng

(ĐTCK) Sau ít phút giằng co đầu phiên với áp lực chốt lời diễn ra ở một số mã thị trường, cả 2 chỉ số đã bứt phá mạnh để tiếp tục duy trì đà tăng với thanh khoản tốt.
Phiên sáng 28/8: Dòng tiền chảy mạnh, thị trường duy trì đà tăng

Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần trước, đặc biệt là phiên cuối tuần, nhóm cổ phiếu thị trường đồng loạt khởi sắc, nhất là các cặp cổ phiếu có liên quan với nhau như FLC - HAI - AMD; FIT - TSC.

Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu này khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên, nhất là trong bối cảnh thị trường giao dịch lình xình và các cổ phiếu bluechip đang có sức ỳ lớn.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nhóm cổ phiếu này chỉ phù hợp với các nhà đầu tư nhanh nhạy nắm bắt từng chuyển động của thị trường, bởi nhóm này thường “bạo phát, bạo tàn”.

Theo ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới miền Bắc 2, CTCK HSC, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi tích luỹ các cổ phiếu cơ bản trong các phiên thị trường giảm điểm để tích luỹ đầu tư cho các tháng cuối năm như MBB, HPG, NLG, ‎DHG, VNM...

Về xu hướng của thị trường, các chuyên gia đánh giá, hiện thị trường đang ở vũng trũng thông tin, nên VN-Index cần thời điểm tích lũy tại vùng 750-760 điểm. Sự phân hóa được dự báo sẽ tiếp tục hiện diện đi kèm với cơ hội lợi nhuận mỏng cho nhà đầu tư.

Đúng với nhận định trên, VN-Index tiếp tục giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu trong phiên giao dịch sáng nay với độ rộng khá cân bằng. Các mã lớn đang có sự phân hóa, trong khi VNM, SAB, BID, CTG giảm nhẹ, thì GAS, BVH, HPG, VCB, VIC, PVD, ROS, BHN… có mức tăng nhẹ. Sau đó, BID trở lại đà tăng, CTG về tham chiếu, góp phần giúp VN-Index duy trì đà tăng trong phiên sáng nay.

Trong khi đó, giao dịch tại các mã thị trường vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường. Sau khi tăng hơn 20% trong tuần trước, nhất là sự đột phá trong 2 phiên cuối tuần sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT đã mua xong 20 triệu cổ phiếu, FLC tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên sáng nay và tưởng chừng sẽ có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp khi đã lên mức giá 9.160 đồng. Tuy nhiên, khi vừa chạm mức giá trần, lực cung chốt lời sớm đã nhanh chóng diễn ra, đẩy FLC thoái lui xuống dưới tham chiếu 2 bước giá.

Tuy nhiên, lực cầu sau đó được bơm vào rất mạnh, kéo mã này tăng vọt trở lại, chốt phiên ở mức 9.100 đồng, tăng 6,18% với hơn 32 triệu đơn vị được khớp. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 1,4 triệu đơn vị.

Tương tự, TSC cũng bị chốt lời khi chạm mức trần phiên sáng nay và hiện chỉ còn tăng nhẹ, thậm chí có lúc cũng lùi về dưới tham chiếu. Tuy nhiên, nhờ dòng tiền nhập cuộc nửa cuối phiên, TSC cũng đảo chiều tăng mạnh 3,61% khi đóng cửa phiên sáng với 5,4 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, FIT đã quay đầu giảm trở lại, AMD may mắn trở lại tham chiếu, trong khi HAI bị đẩy lùi về mức sàn 12.600 đồng với hơn 3,9 triệu đơn vị, nhưng đã không còn dư bán sàn như đầu phiên.

OGC được kéo từ dưới mức tham chiếu lên thẳng mức trần 2.760 đồng sau gần 1 tiếng giao dịch. Dù vậy, sắc tím cũng không giữ được lâu trước lực cung còn khá lớn. Chốt phiên, OGC tăng 5,43%, lên 2.720 đồng với 8,4 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 3 về thanh khoản sau FLC và HQC (HQC sáng nay được khớp 11,22 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,1%, lên 3.410 đồng).

Hôm nay, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội bắt đầu đưa vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) ra xét xử sơ thẩm lần 2.

Phiên tòa lần thứ nhất diễn ra hồi cuối tháng 2/2017 phải tạm hoãn để điều tra bổ sung một số vấn đề và xác định lại tội danh.

Quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra – Bộ Công an đã khởi tố thêm 4 bị can gồm Phạm Công Danh (SN 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam); Hứa Thị Phấn (SN 1947, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ); Trần Văn Bình (SN 1966, cựu Tổng giám đốc Công ty Trung Dung) về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Hoàng Thị Hồng Tứ (SN 1983, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BSC Việt Nam) tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank cũng bị truy tố thêm tội danh Tham ô.

Nhờ dòng tiền chảy mạnh, số mã tăng cũng dần chiếm ưu thế so với số mã giảm, nhất là ở nhóm VN30, giúp VN-Index cũng bất khỏi ngưỡng tham chiếu để duy trì đà tăng trong phiên sáng nay.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 2,27 điểm (+0,29%), lên 773,9 điểm với 138 mã tăng và 115 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 147,17 triệu đơn vị, giá trị 2.365,41 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,5 triệu đơn vị, giá trị 129,44 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên sàn HNX, với sự hỗ trợ tích cực của ACB, VCG, HNX-Index lúc đầu có mức tăng rất tốt. Tuy nhiên, sau 55 phút giao dịch, với việc VCG từ mức trần lùi về sát tham chiếu, còn ACB cũng chỉ còn giữ được mức tăng 1 bước giá, HNX-Index đã lao mạnh xuống dưới mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, về cuối phiên, ACB lấy lại đà tăng mạnh, kéo HNX-Index tăng vọt trở lại và đóng cửa ở mức gần cao nhất phiên.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,57 điểm (+0,55%), lên 103,2 điểm với 70 mã tăng và 68 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 34,75 triệu đơn vị, giá trị 337,3 tỷ đồng, tăng hơn 29% về khối lượng và hơn 11% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,25 triệu đơn vị, giá trị 14,93 tỷ đồng.

Cũng giống “người anh em” FLC trên HOSE, KLF cũng có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với 8,66 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa ở mức 3.800 đồng, tăng 5,56%, có lúc lên mức giá trần 3.900 đồng.

Trong khi đó, ACB sau khi về mức tham chiếu, đã bứt mạnh trở lại khi chốt phiên tăng 2,54%, lên 28.300 đồng với 1,7 triệu đơn vị được khớp.

UPCoM-Index cũng có được mức tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,07%), lên 54,39 điểm với 4,17 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 106,1 tỷ đồng, đến chủ yếu từ ART khi mã này được khớp 1,62 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức giá trần 41.800 đồng.

Có thời điểm, cũng giống FLC, ART chịu áp lực chốt lời nên lùi về mức tham chiếu 36.400 đồng, nhưng bên nắm giữ cuộc chơi chưa muốn mức giá của ART dừng lại ở đó, nên rót tiền vào, kéo mã này lên mức trần 41.800 đồng. Với mức giá này, ART đã có mức tăng 736% so với mức giá tham chiếu 5.000 đồng lúc chào sàn ngày 2/8.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục