Sau chuỗi 5 phiên giảm điểm liên tiếp, thị trường đã tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch hôm qua 27/10. Mặc dù thị trường hồi phục, song lại không đi kèm thanh khoản, bên cạnh việc chịu ảnh hưởng lớn bởi một số mã lớn, vì vậy, nhịp hồi này được đánh giá chỉ là nhịp hồi kỹ thuật và rủi ro giảm giá vẫn còn hiện hữu.
Thêm vào đó, điều đáng chú ý nhất trong những phiên vừa qua, đó là sự suy yếu rõ rệt của dòng tiền. Trong phiên 27/10, thanh khoản trên 2 sàn đạt chưa đầy 2.000 tỷ đồng, đây là mức thanh khoản thấp nhất trong vòng gần 3 tháng qua, cụ thể là từ phiên 8/8 (hơn 1.900 tỷ đồng).
Nguyên nhân khiến dòng tiền vào thị trường hạn chế có lẽ xuất phát từ thông tin về lượng margin của các công ty chứng khoán được chính thức công bố mới đây, khiến nhà đầu tư lo ngại. Cụ thể, tính đến hết quý III/2016, có khoảng 24.000 tỷ đồng cho vay margin được 17 công ty chứng khoán bơm ra thị trường. Mức margin này tương đương với con số của cuối quý II, nhưng đã tăng 16% so với hồi đầu năm.
Trở lại với thị trường trong phiên giao dịch sáng nay 28/10, phiên hồi phục trước đó chưa đủ để cải thiện tâm lý thị trường. Sự thận trọng vẫn bao trùm, các chỉ số đều khởi đầu trong sắc đỏ.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,16 điểm (-0,02%) xuống 676,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 1,46 triệu đơn vị, giá trị 23,56 tỷ đồng.
Bên cạnh sức cầu thận trọng, việc lượng cung giá đỏ ở nhiều mã bluechips sớm xuất hiện cũng là một trong những lý do khiến VN-Index giảm điểm đầu phiên.
Mặc dù vậy, sau gần 1 tiếng giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu, VN-Index bắt đầu hồi phục trở lại. Tuy nhiên, chủ yếu là do lượng cung giá thấp ở các bluehips được tiết giảm, trong khi sức cầu thị trường vẫn rất yếu.
Nhiều mã bluechips như VNM, VIC, GAS, PVD, MWG, BVH, BID… đã quay đầu tăng điểm nhẹ. Ngược lại, các mã MSN. VCB, STB… vẫn giảm điểm, qua đó níu chân chỉ số.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đã có đôi chút chuyển biến, song riêng với nhóm cổ phiếu đầu cơ, sức ép vẫn ảnh hưởng khá mạnh. Ngoại trừ một vài mã có thanh khoản nhỉnh hơn như FLC, ITA, HAG, HQC, KBC… là tăng điểm. ITA khớp lệnh mạnh nhất HOSE với hơn 2 triệu đơn vị được khớp.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 28/10, với 126 mã tăng và 93 mã giảm, VN-Index tăng 2,4 điểm (+0,35%) lên 679,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 50,99 triệu đơn vị, giá trị 847,1 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 4,4 triệu đơn vị, giá trị 106,49 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 3 triệu cổ phiếu NLG, giá trị 66 tỷ đồng.
Các mã VIC, VNM và MWG cùng với nhóm dầu khí như GAS, PVD tiếp tục duy trì được sắc xanh, qua đó hỗ trợ tốt cho chỉ số. Trong đó, MWG tăng 1% lên 148.000 đồng/CP, VNM tăng 0,6% lên 143.300 đồng/CP, VIC tăng 0,4% lên 42.950 đồng/CP, GAS tăng 0,3% lên 68.000 đồng/CP…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa, nên không hỗ trợ nhiều cho chỉ số. BID tăng 0,9% lên 16.850 đồng/CP và khớp 1,06 triệu đơn vị. Ngoài BID, không còn mã lớn nào có thanh khoản chạm mức 1 triệu đơn vị.
Diễn biến ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không khá hơn, thanh khoản chỉ tập trung ở một vài mã đầu cơ như FLC, ITA, HAG, HQC, OGC, VHG và PDR. Ngoại trừ VHG và PDR, các mã khác đều tăng điểm.
Trong đó, ITA khớp 4,94 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường, kết phiên tăng 1% lên 4.970 đồng/CP. Tiếp theo là FLC với 3,87 triệu đơn vị được khớp. HAG, HQC, OGC, VHG và PDR đều khớp hơn 1 triệu đơn vị.
ROS vẫn đang nới rộng đà tăng, đạt 3,8% lên 82.100 đồng/CP, nhưng thanh khoản không cao như các phiên trước.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index ban đầu cũng có sự hồi phục trở lại khi các mã lớn trên sàn này như VCS, VC3, PVI, AAA… tăng điểm. Tuy nhiên, dần về cuối phiên, khi các trụ đỡ này không còn, chỉ số giảm điểm trở lại.
Theo đó, kết thúc phiên sáng, với 62 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index giảm 0,04 điểm (+0,05%) về 82,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,78 triệu đơn vị, giá trị 214,88 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 15 tỷ đồng.
Việc nhiều mã lớn như VCS, LAS, NTP, AAA… hay nhóm dầu khí suy yếu khiến HNX-Index không thể giữ được sắc xanh. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu này cũng rất yếu khi không có mã nào đạt mức 1 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, BII đã bất ngờ tăng trần lên 2.900 đồng/CP (+7,4%) sau chuỗi 20 phiên liên tục giảm sàn, khớp lệnh gần 2,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường về thanh khoản, trong khi còn dư mua trần khá lớn.
Tương tự, đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tục của TTH sau khi lên sàn, lên mức 21.700 đồng/CP (+9,6%) và khớp lệnh 1,68 triệu đơn vị.
Đây cũng là 2 mã duy nhất trên HNX có mức thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, hôm nay là phiên chào sàn cổ phiếu BHN của “ông lớn” Bia Hà Nội. Giao dịch nghiêng hoàn về bên mua, khi lượng dư mua lên tới 2,76 triệu cổ phiếu, trong đó hơn 2,2 triệu cổ phiếu được đặt mua ở mức giá trần 54.600 đồng, nhưng không một ai bán ra, khiến cổ phiếu này không được chuyển nhượng đơn vị nào và cũng chưa xác định được mức giá chào sàn.