Sự hồi phục của dòng bank cùng một số mã lớn đã giúp thị trường khởi sắc trở lại trong tuần vừa qua. Chỉ số VN-Index đã chinh phục thành công mốc 995 điểm và tiến tới mức đỉnh gần nhất 997,41 điểm. Tuy nhiên, với việc bước vào vùng thử thách khó khăn 995-1.000 điểm khiến nhà đầu tư thận trọng hơn và thị trường cũng thiếu động lực để bật tăng mạnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2019. Theo giới phân tích, sự phân hóa vẫn sẽ diễn ra và những nhóm ngành duy trì tăng trưởng tốt sẽ là chất xúc tác khiến thị trường có những diễn biến tích cực giai đoạn cuối năm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, trong giai đoạn quý 4, nhóm ngân hàng và bất động sản có thể kỳ vọng tăng trưởng cao, còn nhóm bán lẻ - công nghệ có thể sẽ tăng trưởng chậm lại so với các quý trước. Do đó, nhóm ngân hàng và bất động sản có thể sẽ là bệ đỡ cho thị trường duy trì đà tăng trong giai đoạn tới.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần 28/10, dòng tiền vẫn tham gia khá nhỏ giọt bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng cao độ, tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ tích cực của nhóm bluechip, chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục tiến bước.
Tuy nhiên, sự thiếu vắng dòng tiền mạnh khiến thị trường chưa thể bật cao, chỉ số VN-Index vẫn loay hoay tìm lối thoát để tiến tới ngưỡng thử thách 1.000 điểm.
Trong khi VCB đảo chiều điều chỉnh nhẹ sau khi tăng vọt phiên cuối tuần trước (25/10), thì nhiều mã khác trong dòng bank vẫn duy trì sắc xanh và tiếp sức cho đà tăng của thị trường. Điểm sáng ngành là BID với thông tin chuẩn bị chia cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt, đã tăng khá tốt. Sau khoảng 90 phút giao dịch, BID đứng tại mức giá 40.850 đồng/CP, tăng 1,62%.
Bên cạnh đó, các mã lớn khác như VNM, GAS, MSN, VRE, SAB, HPP… cũng giao dịch trong sắc xanh nhưng với biên độ khá hẹp.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC tiếp tục có phiên khởi sắc thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 2,7% và tạm đứng tại mức giá 4.510 đồng/CP. Thanh khoản vẫn dẫn đầu sàn HOSE với gần 4,86 triệu đơn vị đã được chuyển nhượng.
Nỗ lực chạm ngưỡng kháng cự 1.000 điểm chưa thể thành công trước lực cầu chưa đủ mạnh, trong khi đó, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng về cuối phiên đã đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 151 mã tăng và 144 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,55 điểm (+0,06%), lên 997,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,43 triệu đơn vị, giá trị 1.756,96 tỷ đồng, giảm gần 3% về khối lượng và 6,11% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (25/10). Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 9,6 triệu đơn vị, giá trị 334,16 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tiếp tục phân hóa với 13 mã tăng và 14 mã giảm, trong đó, bên cạnh VNM, MSN, GAS tiếp tục nhích nhẹ với mức tăng chưa tới 0,5%, thì cặp đôi BID và SAB đóng vai trò là lực đỡ chính với mức tăng tương ứng 1,37% lên 40.750 đồng/CP và tăng 1,4% lên 259.500 đồng/CP.
Trái lại, bộ 3 nhà Vin gồm VIC, VHM, VRE hay các mã lớn như VCB giảm trong biên độ hẹp đều trên dưới 0,5%.
Cổ phiếu ROS sau phiên hồi phục cuối tuần trước đã nhanh chóng quay lại sắc đỏ trước áo lực bán gia tăng. Chốt phiên, ROS giảm 2% xuống 25.100 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt hơn 10,93 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC tiếp tục nới rộng biên độ nhờ lực cầu tăng mạnh. Với mức tăng 4,3%, FLC chốt phiên sáng tại mức giá 4.580 đồng/CP và đứng thứ 2 về thanh khoản với gần 6,9 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Các mã thị trường khác như HSG, Asm, OGC, DLG, DXG, AMD, HAI… cũng chốt phiên trong sắc xanh.
Cổ phiếu FTM sau phiên tăng trần cuối tuần trước cũng đã hạ nhiệt khi chỉ còn tăng 1,1% và chốt phiên tại mức giá 3.750 đồng/CP; trong khi JVC đã đảo chiều thành công sau 2 phiên nằm sàn, với mức tăng 1% lên 4.250 đồng/CP.
Trên sàn HNX, biên độ tăng cũng thu hẹp chút ít về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 42 mã tăng và 45 mã giảm, HNX-Index tăng 0,42 điểm (+0,4%), lên 105,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 13,51 triệu đơn vị, giá trị 147,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 6,94 tỷ đồng.
Trong khi cặp đôi ACB và SHB đã khởi sắc trở lại, thì người anh em NVB vẫn điều chỉnh nhẹ. Chốt phiên, SHB tăng 1,5% lên 6.600 đồng/CP và có thanh khoản vượt trội đạt 4,24 triệu đơn vị; ACB tăng 0,8% lên 23.800 đồng/CP và khớp 726.800 đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản trên HNX; còn NVB giảm1,1% xuống 8.900 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, trong nhóm bluechip còn có một số mã giao dịch tích cực như CEO tăng 2,2% lên 9.500 đồng/CP, DGC tăng 0,8% lên 26.100 đồng/CP, L14 tăng 0,9% lên 58.500 đồng/CP.
Trong khi đó, PVS sau phiên bùng nổ cuối tuần trước đã đảo chiều giảm nhẹ 0,5% xuống 18.700 đồng/CP, VCG giảm 0,4% xuống 26.500 đồng/CP, VCS giảm 0,6% xuống 88.000 đồng/CP…
Trên UPCoM, sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên, thị trường đã quay đầu điều chỉnh do áp lực bán gia tăng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,54%), xuống 56,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 3,14 triệu đơn vị, giá trị 63,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 233.470 đơn vị, giá trị 8,95 tỷ đồng.
Các mã lớn giao dịch thiếu tích cực là tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống, như BCM giảm 1,7% xuống 29.500 đồng/CP, VGI giảm 0,9% xuống 32.200 đồng/CP, VTP giảm 1,4% xuống 123.500 đồng/CP, VEA giảm 0,2% xuống 53.000 đồng/CP…
Cổ phiếu VIB dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với 574.500 đơn vị được chuyển nhượng thành công và chốt phiên sáng tại mốc tham chiếu 18.000 đồng/CP. Tiếp theo đó là BSR và GVR lần lượt khớp lệnh 384.000 đơn vị và 295.300 đơn vị, cả 2 mã cũng đều đứng tại mốc tham chiếu khi chốt phiên giao dịch sáng.