Phiên sáng 2/8: VN-Index tìm được điểm tựa vững chắc

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng và lan tỏa ngay đầu phiên khiến thị trường lao dốc, tuy nhiên tại ngưỡng hỗ trợ 780 điểm, VN-Index đã bật trở lại và tiếp tục chinh phục thêm đỉnh cao mới.

Bức tranh báo cáo tài chính quý II vẫn tiếp tục được mở ra với hàng loạt các doanh nghiệp niêm yết lớn như VNM, SAB, VCB, NVL… lần lượt công bố, đã tác động khá mạnh tới diễn biến chung của thị trường.

Trong phiên hôm qua, dù tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn sau những phiên tăng mạnh khiến thị trường trở nên phân hóa, nhưng sự hỗ trợ khá tích cực từ một vài mã vốn hóa lớn nhờ kết quả kinh doanh khả quan và sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu dầu khí, đã giúp VN-Index tiếp tục tiến bước và lập đỉnh mới trong hơn 9 năm.

Theo nhận định của BSC, sau 6 phiên tăng điểm nóng, VN-Index đang đứng trước các ngưỡng kháng cự tiệm cận vùng 800 điểm, thị trường có khả năng điều chỉnh ngắn hạn trong những phiên tới do áp lực chốt lời tại các mã đã tăng mạnh.

Đúng như nhận định trên, bước vào phiên giao dịch sáng 2/8, áp lực bán dâng cao và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến các mã này đồng loạt chuyển đỏ, đã tạo gánh nặng lớn khiến thị trường quay đầu giảm điểm.

Đà giảm tiếp tục nới rộng hơn khi sang đợt khớp lệnh liên tục do lực bán gia tăng mạnh. Không chỉ dừng lại ở nhóm cổ phiếu lớn, sắc đỏ đã lan tỏa bảng điện tử, khiến VN-Index thủng mốc 780 điểm. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng bật mạnh trở lại nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng trong khi lực cung được tiết chế.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là gánh nặng chính của thị trường khi đồng loạt đều đứng dưới mốc tham chiếu như BID giảm 0,9%, CTG giảm 0,5%, VCB giảm 1%, MBB giảm 1,1%, STB giảm 2,7%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong nhóm thép vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm như HSG giảm 0,9%, HPG giảm 0,6%, NKG giảm 2,7%, POM giảm 3,8%, TLH giảm 0,4%, VIS giảm từ 0,5%.

Trái lại, “ông lớn” VNM đã hồi phục sau 2 phiên điều chỉnh với mức tăng 0,6%; GAS và PLX tăng nhẹ sau nhịp rung lắc đầu phiên bất chấp thông tin giá dầu thô đảo chiều giảm mạnh; SAB cũng có diễn biến tích cực hơn khi trở lại mốc tham chiếu sau nhịp giảm khá sâu đầu phiên…, góp phần tích cực giúp thị trường thu hẹp đà giảm đáng kể.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo trên bảng điện tử, tuy nhiên đà giảm của thị trường đã thu hẹp đáng kể. Trong đó, VN-Index đã tìm về và giao dịch lình xình quanh mốc 785 điểm.

Trong khi sàn HNX vẫn diễn biến lình xình dưới mốc tham chiếu, thì sự hồi phục khá tích cực từ cặp đôi lớn họ ngân hàng là BID và CTG, cùng các mã vốn hóa lớn như VNM, SAB, MSN, ROS… đã giúp thị trường đảo chiều tăng điểm về cuối phiên, VN-Index tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới.

Chốt phiên sáng nay, VN-Index tăng 1,14 điểm (+0,14%) lên 787,95 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 118,18 triệu đơn vị, giá trị 2.383,15 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,66 triệu đơn vị, giá trị 132,85 tỷ đồng. Riêng SBT thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 78 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, sắc đỏ vẫn ngập tràn với 103 mã giảm, gấp hơn 2 lần mã tăng (50 mã). Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,32%) xuống 101 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 47 triệu đơn vị, giá trị 376,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,32 triệu đơn vị, giá trị 8,73 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, lực cầu hấp thụ tích cực giúp BID và CTG đảo chiều tăng khá tốt với biên độ tương ứng 2,25% và 1,75%, đáng kể EIB bật tăng mạnh lên giá trần 12.500 đồng/CP, tăng 6,8%. Còn VCB, STB, MBB vẫn giảm nhẹ.

Các mã vốn hóa lớn khác cũng có diễn biến khởi sắc như VNM nới rộng biên độ tăng gần 0,8%, SAB và MSN cùng tăng nhẹ, PLX tăng 0,3%, ROS, VJC…, VIC đã trở lại mốc tham chiếu.

Mặt khác, nhiều mã thị trường vẫn chịu áp lực bán và chưa thoát khỏi đà giảm điểm như FLC, OGC, DLG, VHG, KSA, TNI tiếp tục giảm sàn…, đáng chú ý cặp đôi HAG-HNG cũng điều chỉnh sau nhiều phiên tăng liên tiếp.

Trái lại, cặp đôi nóng HAI và HAR tiếp tục leo thang, trong đó HAI có phiên tăng trần thứ 18 liên tiếp. Như vậy, tính từ đầu tháng 7 đến nay, giá cổ phiếu HAI đã tăng 324% từ mức 4.070 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 30/6) lên mức 17.250 đồng/CP.

Trên sàn HNX, cặp đôi ACB và SHB cùng đứng giá tham chiếu khi kết phiên. Trong đó, SHB đã chuyển nhượng thành công 10,68 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn đều giảm điểm như BVS, HUT, LAS, PVS, VCG…, đã chặn đà hồi phục của thị trường.

Nhóm cổ phiếu dầu khí sau phiên khởi sắc hôm qua cũng đã hạ nhiệt và phân hóa. Trong khi PVC và PVD tăng nhẹ, thì GAS, PVS, PLC đều đảo chiều giảm.

Trên sàn UPCoM, giao dịch có phần tiêu cực hơn khi áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,64%) xuống mức 55,45 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,33 triệu đơn vị, giá trị 48,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 124.848 đơn vị, giá trị hơn 8 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn tiếp tục tạo sức ép lên thị trường như GEX, HVN, FOX, VGT, LTG… đều giảm điểm.

Cổ phiếu PFL vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch đạt 1,37 triệu đơn vị và tăng 5,56% đứng tại mức giá 1.900 đồng/CP.

Đứng ở vị trí thứ 2 vẫn là DVN với khối lượng giao dịch đạt 415.900 đơn vị. Sau 3 phiên giảm liên tiếp, DVN đã đảo chiều tăng khá tích cực với mức tăng 6,1% lên mức 17.500 đồng/CP.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục