Trong phiên giao dịch hôm qua (1/8), dù dòng tiền vẫn còn dè dặt, nhưng với sự trợ giúp của nhóm cổ phiếu Vingroup và một số mã lớn khác, VN-Index tiếp tục hồi phục để trở lại chinh phục mốc 1.000 điểm.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng mốc điểm tâm lý lịch sử 1.000 điểm có thể sẽ dễ dàng được chinh phục trong phiên giao dịch hôm nay, tiếp đà tăng của phiên chiều qua. Đặc biệt, khi thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên tối qua tăng điểm rất tốt trong nửa đầu phiên.
Tuy nhiên, thị trường luôn chứa đựng các yếu tố bất ngờ mà không một chuyên gia, hay nhà phân tích nào có thể lường hết. Ngay khi nhà đầu tư trên phố Wall đang hưng phấn, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố trên Twiter rằng, sẽ đánh thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc kể từ ngày 1/9. Lượng hàng hóa này không bao gồm 250 tỷ USD đã bị Mỹ áp thuế 25% trước đó.
Ngay sau câu Tweet của ông Trump nhà đầu tư nhanh chóng chuyển trạng thái từ hưng phấn sang hoảng loạn, tranh nhau bán ra, đẩy các chỉ số chính của phố Wall lao dốc cuối phiên. Giá dầu thô theo đó cũng lao dốc theo, trong khi giá vàng lại tăng vọt.
Trên thị trường chứng khoán châu Á sáng nay, các thị trường cũng phản ứng tiêu cực với sự leo thang của cuộc chiến thương mại. Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm hơn 2%, Hang Seng tại Hồng Kông cũng mất hơn 2%, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm hơn 1,5%, chỉ số Kospi tại Hàn Quốc cũng mất hơn 1% trước khi hồi nhẹ trở lại.
Không nằm ngoài xu hướng chung, chứng khoán Việt Nam cũng lao dốc mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay với sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử do lệnh bán ồ ạt được tung vào ngay đầu phiên.
Chỉ số VN-Index có lúc mất 12 điểm, xuống vùng 985 điểm, HNX-Index cũng lao mạnh về vùng 103 điểm với số mã giảm trên 2 sàn gấp hơn 2 lần số mã tăng.
Trong nhóm VN30 chỉ có duy nhất EIB có sắc xanh nhạt, CII đứng giá tham chiếu, nhưng rất mong manh, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.
Trong Top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn, cũng chỉ có sắc xanh tại EIB và sắc vàng tại BHN, còn lại đều giảm giá. Thanh khoản không lớn khi bên mua tỏ ra thận trọng, còn bên bán đang cố thoát hàng để tránh “bão”.
Tuy nhiên, trong nửa cuối phiên sáng, lực cầu bắt đáy gia tăng, giúp hãm đà giảm của thị trường, thanh khoản vì thế cũng được cải thiện.
Chốt phiên, VN-Index giảm 6,94 điểm (-0,70%), xuống 990,45 điểm với 110 mã tăng và 192 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 101,1 triệu đơn vị, giá trị 2.098 tỷ đồng, tương đương với phiên giao dịch sáng qua, nhưng phiên sáng nay, thỏa thuận đóng góp ít hơn nhiều. Theo đó, giao dịch thỏa thuận sáng nay chỉ đóng góp 22,9 triệu đơn vị giá trị 433 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với phiên sáng qua.
Việc VN-Index hãm được đà giảm nhờ sự trở lại ngoạn mục của nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong đó BID đóng cửa tăng 1,27% lên 35.900 đồng, mức cao nhất phiên với 0,8 triệu đơn vị được khớp. CTG cũng tăng 1,23% lên mức cao nhất phiên 20.650 đồng với 0,45 triệu đơn vị được khớp. VPB thậm chí còn tăng mạnh 4,32% lên 19.300 đồng với 2,74 triệu đơn vị được khớp. STB tăng 2,86% lên 10.800, mức cao nhất phiên với 2,3 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, các mã còn lại, TCB, MBB về tham chiếu, đà giảm của VCB, HDB, TPB cũng được hãm bớt, EIB lại quay đầu đảo chiều giảm dù là điểm sáng duy nhất trong nửa đầu phiên sáng.
Trong khi đó, các mã lớn khác vẫn chìm trong sắc đỏ, nhưng cũng đều thoát khỏi mức thấp nhất phiên. Trong đó, VIC giảm 1,77% xuống 122.200 đồng, VHM giảm 1,55% xuống 89.100 đồng, VCB giảm 0,75% xuống 79.900 đồng, VNM giảm 0,24% xuống 123.900 đồng, GAS giảm khá mạnh 2,22% xuống 105.900 đồng, SAB giảm 1,07% xuống 278.500 đồng…
Trong nhóm 30 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, ROS là mã có thanh khoản tốt nhất với 4,27 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,47% xuống 26.800 đồng, cũng là mã có thanh khoản lớn nhất sàn. Tiếp đến là HPG với 3,46 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,11% xuống 22.350 đồng. Tuy nhiên, mã có thanh khoản lớn thứ 2 trên sàn là FLC với 3,9 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 4.000 đồng.
Trong khi đó, IJC đi ngược xu hướng thị trường khi tăng trần lên 13.150 đồng với 2,4 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.
Tương tự, trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng lao mạnh đầu phiên, xuyên thủng mốc 103 điểm (xuống 102,73 điểm) trước khi nhận lực cầu bắt đáy và hồi trở lại, lấy lại được phân nửa số điểm đã mất.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,34%), xuống 103,53 điểm với 51 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,96 triệu đơn vị, giá trị 255 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,56 triệu đơn vị, giá trị 33,68 tỷ đồng.
Trên sàn này, VCS đi ngược xu hướng khi tăng mạnh 3,21% lên 83.700 đồng với hơn nửa triệu đơn vị được khớp, mức thanh khoản khá tốt so với mức trung bình của mã này. Ngoài ra, còn có DGC tăng mạnh 4,18% lên 32.400 đồng với gần 0,2 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, ACB, VCG, PVS, PVI giảm giá, SHB đứng giá. Trong đó, giảm mạnh nhất là PVI khi mất 2,2% xuống 35.600 đồng, PVS mất 1,35% xuống 21.900 đồng với 2,3 triệu đơn vị được khớp dẫn đầu sàn HNX. ACB giảm 0,89% xuống 22.300 đồng với 1,34 triệu đơn vị, đứng sau PVS.
Trên UPCoM, diễn biến cũng giống 2 sàn niêm yết khi chỉ số UPCoM-Index lao mạnh đầu phiên, nhưng hãm đã giảm nửa cuối phiên.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,59%), xuống 58,5 điểm với 95 mã tăng và 65 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,26 triệu đơn vị, giá trị 195 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần nửa triệu đơn vị, giá trị 3,8 tỷ đồng.
Trên thị trường này sáng nay chỉ có duy nhất GVR có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị khi chốt phiên với 2,29 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 3,38% lên 15.300 đồng.
Tiếp đến là VGI với 0,81 triệu đơn vị và cũng đóng cửa tăng 4,62% lên 31.700 đồng. Người anh em của VGI là CTR lại tăng trần lên 52.200 đồng với 384.900 đơn vị được khớp.