Phiên sáng 27/6: Lực bán gia tăng, thị trường quay đầu giảm mạnh

(ĐTCK) Sau nửa phiên đầu nỗ lực chống đỡ, thị trường đã chịu thua trước áp lực bán ngày một lớn về cuối phiên, khiến cả 2 chỉ số chính quay đầu giảm khá mạnh trong phiên giao dịch sáng nay.
Phiên sáng 27/6: Lực bán gia tăng, thị trường quay đầu giảm mạnh

Mặc dù áp lực bán vẫn khá lớn, nhưng dòng tiền đổ mạnh vào thị trường với sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, đã giúp VN-Index tiếp tục leo đỉnh và chinh phục thành công ngưỡng 770 điểm trong phiên hôm qua.

Tuy nhiên, việc tiệm cận với vùng cản mạnh khiến áp lực càng lớn. Nhiều công ty chứng khoán đã đánh giá hoạt động mua vào thời điểm này khá rủi ro, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư cần duy trì vị thế nắm giữ và tiếp tục quan sát thị trường.

Bước vào phiên giao dịch sáng 27/6, sắc xanh vẫn được bảo toàn khi mở cửa, nhưng dòng tiền tham gia khá hạn chế bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Không nằm ngoài lo ngại của giới phân tích, áp lực bán khá lớn khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm điểm khi sang đợt khớp lệnh liên tục. Cả 3 sàn đều chìm trong sắc đỏ, trong đó áp lực điều chỉnh của nhóm cổ phiếu bluechip đang là tác nhân chính kéo thị trường đi xuống.

Tâm lý đứng ngoài quan sát và lo ngại việc điều chỉnh khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Sau gần 1 giờ giao dịch, tổng giá trị khớp lệnh trên 2 sàn niêm yết chưa tới 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi VN-Index rơi xuống sát mốc 770 điểm, lực cầu đã quay trở lại hấp thụ mạnh giúp thị trường dần lấy lại cân bằng và sắc xanh đã quay trở lại sau hơn 1 giờ giao dịch.

Sau nhịp rung lắc và phân hóa đầu phiên, đồng loạt các mã ngân hàng như BID, CTG, VCB, STB đã khởi sắc, là động lực chính giúp thị trường hồi phục.

Tâm điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay vẫn là nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Trong khi con sóng FLC nhanh chóng qua đi trong phiên sáng nay sau cú đột phá ngày hôm qua, thì cặp đôi cổ phiếu thị trường khác là ITA và OGC tiếp tục bùng nổ bởi lực cầu đua mua tăng mạnh.

Hiện ITA đứng ở mức giá trần 3.930 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 3 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 8 triệu đơn vị; OGC mới chỉ chuyển nhượng thành công 235.450 đơn vị và dư mua trần 7,62 triệu đơn vị.

Trong khi đó, FLC và HQC cùng đảo chiều giảm tương ứng 0,65% và 0,89% với thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE, lần lượt đạt hơn 5 triệu đơn vị và 3,44 triệu đơn vị.

Sắc xanh trở lại kém bền vững do dòng tiền tham gia hạn chế trong khi áp lực bán vẫn dâng cao khiến sắc đỏ bao phủ bảng điện tử. Nhóm cổ phiếu bluechip đang đồng loạt rủ nhau đi xuống đã đẩy các chỉ số trở về dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 154 mã giảm/98 mã tăng, VN-Index giảm 2,38 điểm (-0,31%) xuống mức thấp nhất 770,4 điểm. VN30 cũng có tới 20 mã giảm/8 mã tăng, VN30-Index giảm 2,92 điểm (-0,38%) xuống 757,88 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 119 triệu đơn vị, giá trị 2.124,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 6,57 triệu đơn vị, giá trị 63,24 tỷ đồng.

Tương tự, nhóm bluechip trên sàn HNX cũng có diễn biến tiêu cực khi có tới 17 mã giảm/3 mã tăng, HNX30-Index giảm 0,94 điểm (-0,52%) xuống 179,48 điểm.

Tổng cộng sàn HNX có 107 mã giảm/51 mã tăng, HNX-Index giảm 0,53 điểm (0,54%) xuống 98,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,72 triệu đơn vị, giá trị 270,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 9,2 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến lình xình quanh mốc tham chiếu, trong khi CTG, VCB, STB duy trì sắc xanh nhạt, MBB đứng giá tham chiếu thì BID quay đầu giảm nhẹ.

Ở nhóm dầu khí, trong khi GAS tiếp tục tiến bước với mức tăng 1,4% thì PVD lại đảo chiều giảm 2,1% sau phiên tăng vọt cả về giá và thanh khoản hôm qua.

Nhóm cổ phiếu khoáng sản có một số tín hiệu tích cực như AMD hồi phục sau 4 phiên giảm liên tiếp với mức tăng 1,2%, KSA tăng kịch trần với biên độ 6,7% và giao dịch sôi động đạt 4,71 triệu đơn vị, KSH tăng sát trần với biên độ 5,6%, BMC tăng 2,6%, FCM tăng 0,2%

Một số mã lớn khác cũng giao dịch trong sắc đỏ, đóng vai trò lực hãm thị trường như VIC, MSN, FPT, MWG, BMP… Đáng chú ý, PLX sau 6 phiên tăng liên tiếp đã lao dốc khá mạnh trong phiên sáng nay với mức giảm 4,2%, tạm đứng tại mức giá 68.800 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng có sự phân hóa khá lớn.

Trong đó, bên cạnh ITA và OGC tiếp tục dậy sóng bởi cuộc đua mua mạnh mẽ, còn có sự xuất hiện của HAI khi được kéo lên trần với mức tăng 6,82% và khớp 2,13 triệu đơn vị.

Trái lại, các mã khác như FLC, HQC, KBC, DXG, HAR… vẫn giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, FLC duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với 12,15 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Tương tự 2 sàn chính, dù mở cửa le lói sắc xanh nhưng áp lực bán khiến sàn UPCoM đảo chiều giảm điểm trong suốt thời gian còn lại.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,24%) xuống 56,83 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,52 triệu đơn vị, giá trị hơn 45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 0,68 triệu đơn vị, giá trị 41,49 tỷ đồng.

SBS là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn UPCoM với khối lượng giao dịch đạt 711.000 đơn vị. Kết phiên, SBS giảm 9,52% xuống mức 1.900 đồng/CP.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là cổ phiếu lớn GEX. Hiện GEX tăng 3,5% lên mức 23.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 516.900 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục