Phiên sáng 27/3: Cổ phiếu nhỏ nổi sóng

(ĐTCK) Những yếu tố tích cực từ phiên hôm qua vẫn đang được duy trì trong phiên sáng nay giúp VN-Index chinh phục mức đỉnh lịch sử mới hơn 1.187 điểm. Đáng chú ý, phiên sáng nay chứng kiến "nhóm FLC" và một số mã nhỏ khác nổi sóng.

Phiên giao dịch hôm qua chứng kiến dòng tiền chảy mạnh vào nhóm Bigcap như VNM, VIC, SAB, VJC, BID...ngay từ khi mở cửa, qua đó kéo VN-Index bật tăng mạnh lên trên 1.160 điểm.

Bước vào phiên chiều, lực cầu tiếp tục đã gia tăng mạnh ở một số mã lớn, nhất là VIC, MSN, BVH, SAB, VJC, VCB…, VN-Index tiếp tục bay cao, vượt qua mức đỉnh đóng cửa lịch sử xác lập phiên 22/3 khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục.

Trong đợt khớp lệnh ATC, lực cung bất ngờ gia tăng khiến một số mã lớn như VIC, VNM, GAS khiến VN-Index hụt mất mốc đỉnh đóng cửa lịch sử. Dù vậy, chỉ số cũng đã lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên cuối tuần trước.

Theo FPTS, phiên 26/3 gợi mở cho nến tăng theo tuần ngay sau hình mẫu nến doji giúp tái kích hoạt xu hướng tăng với mục tiêu là ngưỡng fibonacci extension 100% tại 1.175-1.180 điểm.

Trong các phiên kế tiếp, đường giá dưới sự hỗ trợ của SMA 5 tuần đang hướng lên có thể sẽ tiếp tục dao động theo kịch bản tăng – kiểm định ngưỡng kháng cự.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (27/3), điều dễ dàng nhận thấy trên bảng điện tử là cổ phiếu FLC đã nổi sóng, sau thông tin Hợp đồng thoả thuận chính thức về việc mua 24 máy bay A321NEO giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Airbus đã được chính thức ký kết tại Pháp.

Chỉ sau khoảng 1 giờ giao dịch, đã có hơn 18 triệu cổ phiếu FLC được sang tay, bỏ xa phần còn lại của thị trường và đang tăng mạnh 6%, thậm chí đã có thời điểm đã được kéo lên kịch trần.

Nhóm cổ phiếu liên quan là AMD và HAI cũng đang nhích thêm 2%, còn ROS cũng đang giữ được sắc xanh, cùng KLF trên HNX cũng đã có lúc đứng ở mức giá trần.

Thông tin này của FLC cũng khiến nhóm cổ phiếu hàng không lớn bật mạnh như VJC, HVN, ACV…

Ngoài FLC, một số cổ phiếu vừa và nhỏ khác cũng nhận được sóng lan là HQC, IDI, FIT, SCR khi đang tăng kèm thanh khoản trong top những mã cao nhất HOSE.

Trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tuy không còn tăng mạnh như phiên sáng qua, nhưng vẫn đang chưa có dấu hiệu tiêu cực. Trong top 10 mã lớn nhất thị trường chỉ còn SAB rung lắc, còn lại đều tăng từ 1-2%.

Một số bluechip khác cũng đang hút dòng tiền và tăng điểm còn có CTG, STB, HPG, SSI MBB, VIC… Độ rộng thị trường cũng đang nghiêng hẳn về các mã tăng điểm, giúp VN-Index tiến vào khu vực 1.180 điểm.

Ngay sau khi vọt lên 1.187 điểm do tâm trạng “hưng phấn” quá đà của thị trường, VN-Index đã quay trở lại vùng 1.179 điểm, bản lề quan trọng để chinh phục ngưỡng 1.180 điểm, với hi vọng tận dụng tâm lý nhà đầu tư sẽ cải thiện cùng nhóm cổ phiếu lớn duy trì sự ổn định.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời nhẹ ở nhóm cổ phiếu lớn dòng bank như VCB, CTG, BID, MBB, cùng top 10 cổ phiếu lớn nhất thị trường đã khiến chỉ số VN-Index chưa thể bứt phá mạnh mẽ trong phiên sáng nay, nhưng cũng tạm nghỉ cũng đã tăng gần 8 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 138 mã tăng và 135 mã giảm, VN-Index tăng 7,93 điểm (+0,68%), lên 1.179,15 điểm. Tổng khối lượng giao địch dạt hơn 134,5 triệu đơn vị, giá trị 3.413,85 tỷ đồng, tăng 40% về khối lượng nhưng tăng không đáng kể về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,37 triệu đơn vị, giá trị 309,1 tỷ đồng.

Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường chia làm 2 diễn biến trái chiều, trong khi những VNM, VIC, VCB, GAS, SAB giảm điểm hoặc đà tăng bị hãm lại thì phần còn lại như BID, CTG, MSN, VJC, VPB vẫn duy trì được sắc xanh.

Cụ thể, VNM chỉ còn tăng 0,6% lên 209.800 đồng; VIC cũng chỉ còn tăng 0,6% lên 114.500 đồng/cổ phiếu, khớp gần 2 triệu đơn vị; VCB thậm chỉ còn đảo chiều, giảm 0,4% xuống 71.600 đồng/cổ phiếu, khớp 1,1 triệu đơn vị; tương tự là GAS, mất 0,2% xuống 129.400 đồng/cổ phiếu, mặc dù có sắc xanh trong hầu hết thời gian giao dịch phiên sáng; SAB rung lắc quanh tham chiếu, chốt phiên giảm 0,1% xuống 244.000 đồng/cổ phiếu.

Ngược lại, BID tuy đà tăng cũng giảm đôi chút, nhưng chốt phiên vẫn tăng 1,9% lên 45.750 đồng/cổ phiếu, khớp 1,8 triệu đơn vị; CTG tăng 1,5% lên 36.350 đồng/cổ phiếu, khớp gần 4,7 triệu đơn vị; MSN tăng 2,2% lên 111.500 đồng/cổ phiếu; VJC tăng 1,7% lên 221.700 đồng/cổ phiếu; VPB tăng 0,9% lên 64.900 đồng/cổ phiếu, khớp 1,63 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng khác trên HOSE cũng bị chốt lời nhẹ còn có STB, khi chỉ tăng 0,3% lên 15.700 đồng/cổ phiếu, khớp 4,2 triệu đơn vị; MBB tăng 1% lên 36.150 đồng/cổ phiếu, khớp 2,76 triệu đơn vị; HDB tăng 0,7% lên 44.000 đồng/cổ phiếu, khớp 2,28 triệu đơn vị.

Nhóm bluechip VN30 sáng nay tăng mạnh nhất có NVL, khi + 6,1% lên 64.500 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1 triệu đơn vị, hôm nay cũng là giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:31 của NVL.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản tốt ngoài CTG, STB, MBB, còn có 2 cái tên quen thuộc gần đây là SSI và HPG. Trong đó, SSI tăng 0,6% lên 40.450 đồng/cổ phiếu, khớp 3,66 triệu đơn vị; HPG tăng 0,3% lên 59.100 đồng/cổ phiếu, khớp 3,65 triệu đơn vị.

Nhóm mất điểm đáng kể chỉ có DHG giảm 1,5% xuống 115.300 đồng/cổ phiếu; PLX giảm 1,8% xuống 81.500 đồng/cổ phiếu; CII giảm 2,4% xuống 30.650 đồng/cổ phiếu; SBT giảm 0,9% xuống 17.450 đồng/cổ phiếu và có hơn 1,75 triệu đơn vị khớp lệnh.

Như đã nêu trên, FLC và nhóm cổ phiếu liên quan đã tiếp tục giữ vững sắc xanh, đặc biệt là FLC, khi thanh khoản khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 21,87 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 5,7% lên 6.500 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu liên quan như ROS tăng 1,4% lên 144.000 đồng/cổ phiếu; AMD tăng 2,5% lên 4.510 đồng/cổ phiếu; HAI tăng 1,3% lên 4.660 đồng/cổ phiếu.

Một số cổ phiếu khác như IDI, HQC, SCR, FIT, ITA, VHG, DLG, EVG, OCG cũng tăng điểm, thanh khoản khớp lệnh cao nhất có IDI với 4,6 triệu đơn vị; HQC có 3,3 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản phiên sáng nay cũng tăng tốt còn có DXG, DRH, DIG, KBC, PDR, HAR, TDC…thanh khoản cũng khá tốt, từ hơn nửa triệu đơn vị đến hơn 1 triệu đơn vị.

Đáng chú ý hôm nay còn có APC, khi mã này tăng kịch trần +7% lên 37.700 đồng/cổ phiếu, sau thông tin chiều muộn hôm qua thông báo chào bán 3 triệu cổ phiếu cho đối tác nước ngoài với giá 40.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, trên sàn HNX, ngay khi HNX-Index vượt qua ngưỡng 135 điểm, áp lực chốt lời diễn ra mạnh trong nhóm cổ phiếu lớn khiến chỉ số này bị đẩy mạnh xuống dưới tham chiếu khi đóng cửa. Tuy vậy, nhờ ACB, VCS, VPI, CEO có được sắc xanh, nên đà giảm của HNX-Index chỉ ở mức khiêm tốn.

Cụ thể, chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,02%), xuống 133,64 điểm với 78 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,93 triệu đơn vị, giá trị 714 tỷ đồng, tăng 12,2% về khối lượng và 10,4% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,38 triệu đơn vị, giá trị 59,4 tỷ đồng.

Cũng giống như phiên hôm qua, PVS sáng nay tiếp tục bị bán mạnh và đóng cửa ở mức 22.400 đồng, giảm 5,49% với 7,56 triệu đơn vị được khớp. Cũng có sắc đỏ trong Top 10 mã vốn hóa lớn là VGC giảm 0,4%, xuống 24.900 đồng, PVI giảm 0,48%, xuống 41.800 đồng, NTP giảm 0,16%, xuống 63.000 đồng và DL1 giảm 1,57%, xuống 44.000 đồng.

Trong khi đó, mã có vốn hóa lớn nhất sàn là ACB lại giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng 0,42%, lên 47.500 đồng. VCS cũng duy trì đà tăng 1,02%, lên 248.500 đồng. VCG tăng 0,42%, lên 23.900 đồng. VPI tăng mạnh nhất nhóm với 3,2%, lên 38.700 đồng. Trong khi đó, SHB đứng ở tham chiếu 13.300 đồng với 7,92 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu về thanh khoản.

Tương tự, CEO cũng duy trì mức tăng tốt 3,17%, lên 13.000 đồng với 1,8 triệu đơn vị được khớp sau phiên tăng trần hôm qua.

Ngoài ra, cũng giống như những người anh em của mình trên HOSE, KLF cũng được kéo lên mức trần 2.600 đồng lúc đầu giờ sáng nay sau thông tin về việc FLC chính thức ký thỏa thuận mua 24 máy bay Airbus A321. Tuy nhiên, chốt phiên, KLF không giữ nổi sắc tím khi đóng cửa ở mức 2.500 đồng, tăng 4,17% với 2,75 triệu đơn vị được khớp.

Trên UPCoM, dù cũng có chút rung lắc, nhưng UPCoM-Index vẫn giữ được sắc xanh khi chốt phiên sáng nay.

Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,42%), lên 60,28 điểm với 70 mã tăng, 54 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,38 triệu đơn vị, giá trị 166 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới nửa triệu đơn vị, giá trị 11,5 tỷ đồng.

Trong các mã lớn, chỉ còn POW và OIL giảm nhẹ 1 bước giá, còn lại đều tăng hoặc đứng giá tham chiếu, nhưng không có mã nào có tổng khớp tới 0,8 triệu đơn vị.

Trong đó, LPB có thanh khoản nhất với 0,73 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 1 bước giá, lên 15.600 đồng. Sắc xanh cũng xuất hiện tại nhiều mã lớn khác như SDI, HVN, MSR, MCH, ACV, VIB, DVN…

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục