Trong phiên thứ Ba trước, sau phiên giảm mạnh đầu tuần, xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.080 điểm, VN-Index tiếp tục bị đẩy mạnh xuống mốc 1.050 điểm trước khi nhận được lực cầu bắt đáy để hồi phục trở lại. Tuy nhiên, trong phiên chiều thứ Ba, lực cầu bất ngờ thận trọng trở lại khiến VN-Index gặp khó và chỉ may mắn với đóng cửa ở sắc xanh nhạt, nhưng thanh khoản tiếp tục sụt giảm.
Phiên hồi phục với thanh khoản giảm này tiếp tục khiến nhà đầu tư lo lắng nhiều hơn là kỳ vọng, bởi trước đó thị trường cũng đã có 2 phiên giảm sâu sau những phiên hồi phục với thanh khoản thấp.
Lo lắng này đã trở thành sự thật khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Sau khi mở cửa với sắc xanh nhạt, áp lực bán đã nhanh chóng được tung vào, nhất là ở nhóm bất động sản, khiến VN-Index lùi thẳng về ngưỡng 1.070 điểm, sau đó nẩy nhẹ trở lại.
Tuy nhiên, thị trường không thể phục hồi khi lực cầu quá thận trọng, trong khi áp lực cung còn rất lớn. VN-Index sau khi nẩy lên gần mốc 1.080 điểm đã bị đẩy ngược trở lại.
Nhiều cổ phiếu bất động sản lớn bị giảm mạnh như VIC, VRE, thậm chí NVL giảm sàn xuống 66.100 đồng và còn dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị. Sắc đỏ cùng xuất hiện tại nhiều mã khác như DXG, HDG, TDH, LDG, DIG, NBB, FLC… Trong khi QCG đã thoát mức sàn khi chỉ dao động nhẹ quanh tham chiếu.
Sau nhịp rơi xuống dưới ngưỡng 1.065 điểm, chỉ số VN-Index đã cố gắng trở lại, nhưng dường như chỉ là lực mua tâm lý cứu vớt, trên thực tế hầu hết các mã lớn hầu hết đều nới rộng đà giảm, điểm sáng duy nhất chỉ ở VCB, SAB và VNM khi đi ngược thị trường, tuy nhiên mức tăng khiêm tốn, chưa đến 1% đã khiến VN-Index chỉ nhích nhẹ lên 1.067 điểm.
hưng mức điểm này cũng không giữ được lâu, khi chốt phiên sáng nay, VN-Index lùi về sát 1065 điểm với thanh khoản sụt giảm so với phiên trước đó.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 79 mã tăng và 187 mã giảm, VN-Index giảm 14,84 điểm (-1,37%), xuống 1.065,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 86,82 triệu đơn vị, giá trị 2.592,13 tỷ đồng, giảm hơn 14% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên sáng 24/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 343,9 tỷ đồng.
Cụ thể, VNM tăng 0,6% lên 181.100 đồng, khớp hơn 410.000 đơn vị; VCB tăng 0,2% lên 60.100 đồng, khớp 1,9 triệu đơn vị; SAB tăng 0,5% lên 218.100 đồng.
Còn lại, VIC giảm 1,6% xuống 125.000 đồng, khớp 1,43 triệu đơn vị; VRE giảm 2,5% xuống 46.800 đồng, khớp hơn 670.000 đơn vị; GAS giảm 1,8% xuống 126.500 đồng, khớp hơn 300.000 đơn vị; VJC giảm 2,6% xuống 190.000 đồng, và giảm mạnh nhất là MSN khi mất 4% xuống 92.000 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị.
BID giảm 0,3% xuống 37.900 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị; CTG giảm 2,5% xuống 29.600 đồng, khớp 2,65 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng còn lại đều mất điểm như VPB giảm 3% xuống 55.300 đồng, khớp 1,16 triệu đơn vị; STB giảm 1,8% xuống 13.900 đồng, khớp 2,91 triệu đơn vị; MBB giảm 1,8% xuống 30.000 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị; HDB giảm 2,7% xuống 43.800 đồng, khớp 1,18 triệu đơn vị; TPB giảm 1% xuống 30.500 đồng; IEB giảm 1,7% xuống 14.850 đồng…
Nhóm VN30 tăng điểm ngoài VCB, VNM, SAB thì chỉ còn ROS +1,9% lên 81.600 đồng và FPT +0,2% lên 56.500 đồng, khớp 1 triệu đơn vị và HSG cùng REE đứng tham chiếu, thì còn lại đều giảm.
Đặc biệt NVL, trong buổi sáng diễn ra Đại hội cổ đông đã bị bán mạnh và giảm về mức giá sàn từ khá sớm, chốt phiên mất 6,9% xuống 66.100 đồng, khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu mất điểm nhiều còn có CII -4% xuống 31.500 đồng; BVH -3,9% xuống 96.100 đồng; SSI -3,9% xuống 35.950 đồng; CTD -3,1% xuống 133.200 đồng; MWG -2,6% xuống 102.900 đồng; BMP -2% xuống 53.900 đồng…
Việc thị trường ảm đạm kéo theo cả những mã cổ phiếu nhỏ cũng tiêu cực khi chỉ còn một số ít tăng điểm như OGC, HHS, HAG, HNG, EVG, thanh khoản từ hơn nửa triệu đơn vị đến 3,7 triệu đơn vị.
Còn lại những IDI, HQC, FLC, SCR, QCG, ITA, HAI, FIT….chìm trong sắc đỏ, khớp lệnh cao nhất là IDI với hơn 3,7 triệu đơn vị.
Thanh khoản khớp lệnh cao nhất HOSE phiên sáng nay là ASM với hơn 4,4 triệu đơn vị, chốt phiên ASM đứng tham chiếu 14.500 đồng.
Nhóm cổ phiếu còn lại đáng chú ý là FRT của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT khi chào sàn hôm nay với giá tham chiếu 125.000 đồng, và đã tăng hết biên độ lên 150.000 đồng khi chốt phiên, khớp lệnh 880.880 đơn vị.
Trong khi đó, mất điểm mạnh nhất sàn còn có VHC, khi giảm sàn về 63.800 đồng; ANV cũng giảm về mức giá sàn -6,9% xuống 23.100 đồng; BHN giảm 5,6% xuống 98.200 đồng; PNJ giảm 3,3% xuống 168.300 đồng...
Tương tự, HNX-Index cũng bị đẩy mạnh sau khi chớm xanh đầu phiên khi ACB, SHB, PVS, VGC, VCS đều đang chìm trong sắc đỏ.
Các mã tăng giá chỉ còn CEO là đáng kể, khi +1,7% lên 17.700 đồng, khớp lệnh hơn 1,41 triệu đơn vị, còn lại đều là một màu đỏ ở các mã khác, nhất là các mã lớn chi phối.
Cụ thể, SHB giảm 2,5% xuống 11.500 đồng, khớp 3,64 triệu đơn vị; ACB giảm 3,4% xuống 42.900 đồng, khớp 3,1 triệu đơn vị; PVS giảm 1,5% xuống 19.900 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị; SHS giảm 1% xuống 19.600 đồng; VGC giảm 0,8% xuống 23.500 đồng; VCG giảm 1% xuống 19.800 đồng; VCS giảm 1,4% xuống 108.900 đồng…
Thanh khoản tốt nhất HNX sáng nay là DST với hơn 5,6 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 5,6% xuống 5.100 đồng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 40 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index giảm 2,31 điểm (-1,83%), xuống 123,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,24 triệu đơn vị, giá trị 371,77 tỷ đồng, giảm 22% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng 24/4. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
Trên sàn UpCoM, sắc xanh cũng chỉ duy trì trên UpCoM-Index trong hơn 1 giờ giao dịch, sau đó là phiên lao dốc về cuối phiên với gần như tất cả các mã khớp lệnh tốt đều giảm, trừ POW +1,4% lên 14.100 đồng, khớp 1,04 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.
Trong khi đó, LPB và OIL đứng tham chiếu ở 15.000 đồng và 16.000 đồng, khớp lệnh từ hơn 670.000 đến 815.000 đơn vị.
Còn lại BSR giảm 3,3% xuống 20.700 đồng; HVN giảm 7,9% xuống 35.100 đồng, khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị.
Các mã khác như DVN, QNS, ART, VGT, VIB, ACV cũng bị sắc đỏ bao trùm, khớp lệnh trên dưới 100.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn UpCoM có 42 mã tăng và 49 mã giảm, UpCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,73%), xuống 56,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,95 triệu đơn vị, giá trị 96,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,63 triệu đơn vị, giá trị 124,9 tỷ đồng.