Trong phiên hôm qua, dù phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ, nhưng nhờ sự khởi sắc của nhóm ngân hàng trong nửa cuối phiên chiều khi lực cầu bắt đáy chảy mạnh, nhất là CTG, VN-Index đã đảo chiều thành công tăng vọt lên mức cao nhất ngày.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán thế giới, nỗi lo virus Covid-19 lan rộng ra Hàn Quốc, Iran, châu Âu, Mỹ khiến giới đầu tư tiếp tục bán tháo trong phiên tối thứ Ba (25/2) theo giờ Việt Nam, đẩy phố Wall có phiên giảm mạnh hơn 3% thứ 2 liên tiếp, trong khi chứng khoán châu Âu dù không giảm mạnh như phiên đầu tuần, nhưng cũng mất gần 2%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau khi bị bán tháo mạnh phiên hôm qua, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm sâu trong phiên sáng nay. Chứng khoán Hồng Kông cũng quay đầu giảm mạnh sau phiên hồi phục hôm qua. Chứng khoán Hàn Quốc cũng trả lại hết những gì đã có trong phiên hồi phục hôm qua.
Nỗi lo virus Covid-19 lan rộng khi sáng nay, số người nhiễm tại Hàn Quốc tăng thêm 169 người, lên 1.146 người, trong đó có 12 người chết. Italy cũng ghi nhận số người nhiễm vượt 300 người, trong khi dịch cũng xuất hiện tại 3 nước châu Âu khác là Croatia, Áo và Thụy Sĩ. Trong khi đó, khoảng 1.000 người trong khách sạn ở Tây Ban Nha bị phong tỏa khi một khách lưu trú người Italy xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Ở Iran, dù số ca nhiễm không lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, nhưng số người chết tại lớn thứ 2 thế giới với 18 người, chỉ sau Trung Quốc đại lục. Ổ dịch ở Iran cũng đã bắt đầu lây lan sang một số nước Trung Đông khác.
Ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo Covid-19 sẽ lây lan ở nước này, kêu gọi người dân sẵn sàng đối phó.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với các thông tin tiêu cực từ Covid-19 trên thế giới, cùng đà lao dốc của chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, VN-Index mất hơn 11 điểm với hơn 200 mã giảm giá.
Tuy nhiên sau đó, lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực tại một số mã bluechip đã giúp hãm đà giảm của thị trường. VN-Index theo đó cũng lấy lại mốc 900 điểm, nhưng số mã giảm giá vẫn trên 200 mã, gấp gần 3 lần số mã tăng.
Dù một số mã bluechip hồi phục trở lại như VPB, FPT, nhưng trước áp lực bán vẫn chiếm ưu thế và số mã giảm áp đảo, VN-Index đã nới rộng đà giảm trở lại và chốt phiên sáng mất hơn 10 điểm.
Cụ thể, chốt phiên, VN-Index giảm 10,04 điểm (-1,10%), xuống 899,63 điểm với 90 mã tăng, trong khi có tới 231 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 76,6 triệu đơn vị, giá trị 1.615,8 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,2 triệu đơn vị, giá trị 168,4 tỷ đồng.
Trong các mã bluechip, ngoại trừ VPB tăng 0,88% lên 28.550 đồng, khớp 2,55 triệu đơn vị; FPT tăng 1,3% lên 54.700 đồng, khớp 2,25 triệu đơn vị; PNJ tăng 0,24% lên 83.200 đồng, khớp 0,38 triệu đơn vị, cùng 5 mã đứng giá tham chiếu là SAB, TCB, EIB, STB, BHN, còn lại đều giảm giá.
Trong đó, giảm mạnh nhất là GAS với mắc giảm 3,49%, xuống 80.100 đồng; BID giảm 2,66% xuống 47.500 đồng; VHM giảm 1,93% xuống 81.500 đồng. Các mã VNM, VCB, CTG, VJC, HPG, MSN, BVH, HVN, HDB, TPB giảm hơn 1% đến hơn 1,5%.
Về thanh khoản, STB là mã thanh khoản tốt nhất với 5,67 triệu đơn vị, tiếp theo là MBB khớp 3,85 triệu đơn vị, CTG khớp 3,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, VRC và YEG đi ngược xu hướng thị trường khi đều đóng cửa ở mức trần và còn dư mua giá trần, nhưng thanh khoản không cáo. Trong đó, YEG đã lao dốc từ vùng giá 240.000 đồng/CP về 37.000 đồng/CP, giảm tới 85% giá trị trong năm 2019 sau khi Công ty gặp sự cố về việc YouTube thông báo chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung. Tuy nhiên, cổ phiếu này thời gian qua đã hồi phục dần trở lại và tăng nhẹ hôm qua, rồi tăng trần hôm nay lên 52.700 đồng sau thông tin ái nữ Tân Hiệp Phát - Trần Uyên Phương trở thành cổ đông lớn sở hữu trên 21% vốn YEG.
Trong khi đó, dù số mã giảm cũng chiếm ưu thế so với số mã tăng, nhưng HNX-Index lại không giảm sâu, mà giằng co quanh tham chiếu và đóng cửa có sắc xanh nhạt nhờ đà tăng mạnh của SHB và VIF.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,06 điểm (+0,06%), lên 106,73 điểm với 45 mã tăng và 59 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44 triệu đơn vị, giá trị 412 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,4 triệu đơn vị, giá trị 82,9 tỷ đồng.
SHB bất ngờ nổi sóng khi có lúc tăng lên mức trần 8.000 đồng trước khi đóng cửa ở mức 7.900 đồng, tăng 8,22% với 21,8 triệu đơn vị được khớp, vượt trội so với các mã còn lại.
VIF cũng tăng mạnh 4,07% lên 17.900 đồng, nhưng chỉ khớp 408 đơn vị.
Trong khi đó, ACB giảm 1,2% xuống 24.800 đồng, VCS giảm 1,47% xuống 67.000 đồng, VCG giảm 1,65% xuống 23.800 đồng, PVS giảm 2,55% xuống 15.300 đồng, NVB giảm 2,25% xuống 8.700 đồng… Trong đó, ACB khớp 3,1 triệu đơn vị, NVB khớp 1,35 triệu đơn vị.
Một mã khác khớp trên 1 triệu đơn vị sáng nay là TIG khớp 1,52 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,32% xuống 7.500 đồng.
UPCoM sáng nay cũng chỉ dao động trong sắc đỏ, nhưng mức giảm không quá mạnh.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,35%), xuống 55,34 điểm với 79 mã tăng và 46 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,75 triệu đơn vị, giá trị 111 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp nửa triệu đơn vị, giá trị 26 tỷ đồng.
VIB là mã duy nhất trên UPCoM khớp trên 1 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1 bước giá. Trong khi các mã khác như BSR, GVR, LPB, VGI, CTR, ACV, VEA, MCH, MSR đều tăng giá, nhưng mức tăng cũng không mạnh.