Trong phiên hôm qua, những thông tin tiêu cực xuất hiện ổ dịch Covid-19 tại Hàn Quốc và Itala đã khiến thị trường quốc tế và chứng khoán trong nước lao dốc mạnh ngay khi mở cửa, khiến VN-Index lùi xuống 910 điểm.
Càng về cuối phiên, lực bán càng dâng cao, với hàng loạt mã lớn nhỏ nằm sàn, đẩy VN-Index thủng mốc 905 điểm và tương đương mất gần 30 điểm khi đóng cửa.
Theo nhận định của BVSC thì khoảng trống (gap) đã xuất hiện với khối lượng tăng đột biến cho thấy, đây là một phiên bán tháo mạnh, do vậy về mặt lý thuyết phản ứng hồi phục có thể xuất hiện.
Tuy nhiên, sự tồn tại của nến Marzubozu đỏ kết hợp với việc các chỉ báo MACD, RSI và Stochastics Oscillator và Chaikin Money Flow đều duy trì xu hướng giảm và nằm dưới đường tín hiệu. Điều này cho thấy nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong ngắn hạn.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 25/2, lực bán tồn dư cuối phiên hôm qua đã lan sang phiên ATO, khiến chỉ số lao dốc, mất gần 10 điểm, về quanh 893 điểm.
Nhưng tại thời điểm này, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã kéo chỉ số nảy trở lại, thậm chỉ còn chớm xanh, trước khi thêm một lần nữa áp lực bán lại gia tăng, kéo chỉ số giảm mạnh trở lại, xuống ngưỡng 895 điểm.
Mặc dù vậy, thị trường vẫn chịu tâm lý từ bên ngoài, khi chứng khoán châu Âu và phố Wall đêm qua có phiên bán tháo mạnh, cùng nhiều thị trường châu Á sáng nay cũng chưa thể phục hồi...bảng điện tử theo đó nhìn chung vẫn tiêu cực, khi có tới hơn 200 mã giảm, trong khi chỉ có gần 80 mã tăng, nhưng đa số các mã thanh khoản tốt lại đang giảm, thậm chí nhiều mã còn có thời điểm chạm giá sàn.
Đang cứu cho chỉ số không giảm sâu là nhóm cổ phiếu lớn như BID, CTG, VNM và một vài sắc xanh nhạt khác tại HPG, HDB, SAB, PNJ.
Sự không chắc chắn và thiếu thông tin tích cực khiến thị trường có thêm một nhịp về 895 điểm về giữa phiên, trước khi bật trở lại gần 900 điểm về cuối phiên, chủ yếu nhờ CTG, VNM, BID đứng vững.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 109 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index giảm 3,87 điểm (-0,43%), xuống 899,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 131,8 triệu đơn vị, giá trị 2.094,7 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 32% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,3 triệu đơn vị, giá trị 302,8 tỷ đồng.
Như đã đề cập, một số cổ phiếu lớn đứng vững giúp chỉ số không giảm sâu, đáng kể nhất là CTG khi +3,3% lên 25.200 đồng, khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 7 triệu đơn vị.
Ngoài ra là BID +1,3% lên 46.900 đồng; VNM +1,3% lên 107.800 đồng; VPB +1,3% lên 27.150 đồng; HPG +1,3% lên 23.000 đồng; PNJ +1% lên 82.000 đồng; TCB +0,9% lên 21.700 đồng…
Gây áp lực còn cao là VHM -1,8% xuống 82.500 đồng; VIC -1,2% xuống 106.000 đồng; VCB -1% xuống 86.300 đồng; VJC -1,7% xuống 125.800 đồng; HVN -5% xuống 23.800 đồng; POW -1,6% xuống 9.840 đồng; NVL -1,1% xuống 53.000 đồng và ROS -5,1% xuống 7.510 đồng…các mã VRE, PLX, MBB, MSN kết phiên trong sắc đỏ, mặc dù số điểm giảm thấp hơn.
Thanh khoản chỉ đứng sao CTG là MBB với hơn 6,9 triệu đơn vị khớp lệnh; ROS có 5 triệu đơn vị; HPG có 4,33 triệu đơn vị; VPB có 4,3 triệu đơn vị; STB có 2,6 triệu đơn vị; TCB có hơn 2 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường đa số giảm. Một vài cổ phiếu ngược dòng có HQC, DXG, JVC, DRH, APG. GAB tăng mạnh trở lại +5,4% lên 86.400 đồng. Đáng chú ý, FIT, ELC, HCD, TVC, VRC, DPG, MCG giảm sàn...
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index may mắn hơn, khi kết phiên trong sắc xanh, mặc dù đa số thời gian giao dịch là giằng co quanh tham chiếu.
Khá nhiều mã tốt đảo chiều hỗ trợ là ACB +2,1% lên 24.500 đồng; SHB +1,4% lên 7.200 đồng; VCS +1,1% lên 66.700 đồng; CEO +1,3% lên 8.000 đồng; SHS +1,5% lên 6.600 đồng; TNG +0,7% lên 13.800 đồng; AMV +2,4% lên 17.400 đồng; TAR +0,6% lên 31.600 đồng; và IDJ tăng kịch trần +9,9% lên 16.700 đồng.
Mặc dù vậy, vẫn còn khá nhiều cổ phiếu giảm như VCG -3,3% xuống 23.300 đồng; PVS -0,7% xuống 15.300 đồng; PVI -0,3% xuống 31.100 đồng; NVB -1,1% xuống 8.800 đồng; MBS -3,5% xuống 11.100 đồng; VC3 -1,2% xuống 16.100 đồng; VCR -6% xuống 11.000 đồng; PVB -2% xuống 14.900 đồng..
Đáng kể, C69 và MBG đồng loạt giảm sàn xuống lần lượt 6.500 đồng và 15.600 đồng.
Thanh khoản 2 mã ngân hàng SHB và ACB cao nhất với 7,35 triệu và 5,36 triệu đơn vị.
Tiếp theo là NVB với 1,54 triệu đơn vị; PVS có 1,36 triệu đơn vị. 2 mã nhỏ ART, HUT có trên dưới 0,8 triệu đơn vị và dừng ở giá tham chiếu.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 42 mã tăng và 50 mã giảm, HNX-Index tăng 0,77 điểm (+0,74%), lên 104,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,88 triệu đơn vị, giá trị 293,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,27 triệu đơn vị, giá trị 34,3 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giảm sâu ngay khi mở cửa, nhưng cũng được hỗ trợ tốt và “bò” dần lên gần tham chiếu, và kết phiên có được sắc xanh nhạt.
Mặc dù vậy, đa số các cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất đều giảm như BSR, VIB, LPB, CTR, VGI, OIL, ACV, DVN, VGT, VEA…
Một vài cổ phiếu còn tăng là GVR, HND, EVF, PXL, MPC, CEN…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%), lên 55,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,52 triệu đơn vị, giá trị 72,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,51 triệu đơn vị, giá trị 50,5 tỷ đồng.