Sau 6 phiên tăng liên tiếp và tiệm cận mốc 990 điểm, thị trường đã gặp khó khi chịu áp lực bán gia tăng mạnh và quay đầu đi xuống. Mặc dù lực bán không ồ ạt khiến thị trường giảm sâu nhưng VN-Index cũng đã đón nhận 3 phiên giảm và đe dọa mốc 980 điểm trong phiên hôm qua (23/5).
Chỉ số VN-Index đã rung lắc khá mạnh và khá chật vật giữ mốc 980 điểm do cung giá thấp được duy trì trên diện rộng trong khi cầu bắt đáy có phần khá dè dặt. Tuy nhiên, theo nhận định của PHS, việc đóng cửa vẫn giữ được ngưỡng kháng cự này đã đem lại triển vọng chỉ số sẽ giữ được đợt phục hồi từ vùng đáy.
Tuy nhiên, diễn biến không như mong đợi. Áp lực bán vẫn khá lớn khiến thị trường tiếp tục thoái lui khi bước vào phiên giao dịch sáng 24/5.
Lực bán lan rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, trong đó, hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều đảo chiều giảm điểm khiến VN-Index tiếp tục nới rộng biên độ và nhanh chóng bị đẩy về mốc 975 điểm.
Ngay khi chạm vùng giá này, thị trường đã bật ngược trở lại nhờ lực cầu bắt đáy được kích hoạt. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng khiến thị trường giao dịch dè dặt và khó có cơ hội để lấy lại thăng bằng, chỉ số VN-Index loay hoay dưới ngưỡng 980 điểm.
Sau gần 1 giờ giao dịch, trên toàn thị trường chỉ có duy nhất 2 cổ phiếu họ P là PVD trên sàn HOSE và PVS trên sàn HNX có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.
Thị trường đã bất ngờ đảo chiều thành công nhờ sự trở lại của một số mã bluechip và vốn hóa lớn giúp VN-Index vượt thành công mốc tham chiếu. Tuy nhiên, sắc xanh chỉ kịp le lói trong thời gian ngắn đã nhanh chóng bị đẩy thoái lui trước sức ép gia tăng. Lực cung giá thấp tiếp tục gia tăng trong hơn 30 phút cuối phiên khiến chỉ số VN-Index chính thức chia tay mốc 980 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 160 mã giảm và 106 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 4,7 điểm (-0,48%) xuống 978,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71,72 triệu đơn vị, giá trị 1.785,55 tỷ đồng, giảm 6,86% về lượng và 12,87% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 9,95 triệu đơn vị, giá trị 258,26 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn, chỉ có VRE, TCB, VCB nhích nhẹ, SAB tăng 1,1% lên 263.900 đồng/CP, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, đáng kể các mã giảm trên 1% như VHM giảm 1,4% xuống 85.300 đồng/CP, VIC giảm 1,1% xuống 115.700 đồng/CP, BID giảm 1,6% xuống 32.850 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip khác cũng giao dịch trong sắc đỏ như HPG giảm 1,5% xuống 32.250 đồng/CP, PLX giảm 1,8% xuống 66.300 đồng/CP, BVH giảm 1,4% xuống 77.500 đồng/CP, ROS giảm 2,3% xuống 29.300 đồng/CP…
Trong phiên hôm nay, PVD vẫn là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn, đạt 2,67 triệu đơn vị, tuy nhiên áp lực bán khá lớn khiến cổ phiếu tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp, với mức giảm 1,9% và chốt phiên tại 20.200 đồng/CP.
Tiếp theo đó, ROS khớp lệnh hơn 2,1 triệu đơn vị; STB khớp 1,99 triệu đơn vị, HPG khớp 1,94 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau 4 phiên tăng mạnh liên tiếp, HAR đã gặp áp lực chốt lời và diễn biến rung lắc. Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ tích cực đã giúp HAR đảo chiều và có lúc tăng kịch trần. Chốt phiên, HAR tăng 6,6% lên sát mức giá trần 3.700 đồng/CP và khớp 1,17 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng mạnh cùng sức ép lớn đến từ nhóm cổ phiếu bluechip khiến HNX-Index thủng mốc 106 điểm trong phiên sáng nay.
Chốt phiên, sàn HNX có 41 mã tăng và 73 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,61 điểm (-0,58%) xuống 105,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,26 triệu đơn vị, giá trị 228,1 tỷ đồng, tăng 6,27% về lượng và giảm nhẹ 1,26% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có 14 mã giảm và 9 mã tăng, trong đó, đáng kể một số mã giảm khá mạnh như PVB giảm 2% xuống 19.600 đồng/CP, PVS giảm 1,6% xuống 24.200 đồng/CP, SLS giảm 4,6% xuống 37.700 đồng/CP, các mã ACB, SHB, DGC, TV2… cũng giao dịch dưới mệnh giá.
Cổ phiếu PVS vẫn giao dịch sôi động nhất sàn HNX với khối lượng khớp lệnh hơn 2,51 triệu đơn vị. Tiếp đó, các mã có khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị gồm TNG đạt 1,77 triệu đơn vị, HUT khớp 1,51 triệu đơn vị, ACM khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau nhịp hồi phục giữa phiên thị trường đã bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,08%) xuống 55,35 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 110,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 11,07 triệu đơn vị, giá trị 523,38 tỷ đồng, trong đó riêng MPC thỏa thuận 10,2 triệu đơn vị, giá trị 516,43 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR trở lại vị trí thanh khoản trên thị trường UPCoM với khối lượng giao dịch đạt gần 1,2 triệu đơn vị, tuy nhiên chốt phiên giảm nhẹ 0,7% xuống 13.700 đồng/CP.
Đứng ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu nhỏ TOP có khối lượng giao dịch đạt 1,04 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá trần 900 đồng/CP, tăng 12,5%