Phiên sáng 24/10: Những cánh én lẻ loi

(ĐTCK) Ngoại trừ HPG, đa số các cổ phiếu ngành thép còn lại đều có phiên giao dịch khởi sắc sáng nay. Tuy nhiên, đây chỉ là những cánh én lẻ loi, không thể bù đắp được trước áp lực từ các mã lớn, nên VN-Index có phiên giảm khá mạnh trong sáng nay.
Phiên sáng 24/10: Những cánh én lẻ loi

Nhiều công ty chứng khoán và chuyên gia chứng khoán trước đó từng dự đoán, ngưỡng cản 690 điểm sẽ bị chinh phục và VN-Index sẽ hướng tới ngưỡng cao hơn là 700 - 720 điểm. Tuy nhiên, trong tuần trước, VN-Index đã nhiều lần thức sức với ngưỡng cản 690 điểm, nhưng đều thất bại do thiếu sự hỗ trợ cần thiết của dòng tiền.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý III đã đi qua gần nửa chặng đường và gần như không có quá nhiều đột biến tích cực, nên động lực để các mã bứt phá không có. Thêm vào đó, thông tin liên quan đến việc giải chấp diễn ra ở nhiều mã cũng khiến tâm lý nhà đầu tư bị dao động mỗi khi có ý định bắt đáy.

Đó là một trong những lý do khiến VN-Index chưa thể bứt qua được ngưỡng cản 690 điểm, thậm chí chỉ số này bị đẩy lại khá xa và đang thử thách ngưỡng hỗ trợ 680 điểm khi bước vào tuần giao dịch cuối cùng của tháng 10.

Trong phiên sáng nay, tâm lý thận trọng và dè dặt của nhà đầu tư khiến diễn biến thị trường diễn ra chậm, các chỉ số chủ yếu dao động dưới tham chiếu với thanh khoản thấp. Không có nhóm cổ phiếu nào đủ mạnh để bứt lên dẫn dắt thị trường, mà sự phân hóa diễn ra ở gần như hầu hết các nhóm.

Trong nhóm ngân hàng, trong khi VCB giảm nhẹ, thì CTG và BID có được sắc xanh nhạt, 3 mã còn lại cũng chủ yếu lình xình dưới tham chiếu. Sự phân hóa cũng diễn ra ở nhóm cổ phiếu bất động sản, hay nhóm cổ phiếu có tính thị trường.

Trong khi thị trường vẫn đang chịu sức ép từ một số mã lớn, ngoại VCB còn có VNM, VIC, GAS… 

Nhóm sắt thép khá hơn, nhưng sự khởi sắc cũng chỉ diễn ra ở SMC, TLH, NKG, trong khi 2 đại gia của ngành là HPG và HSG dù có sắc xanh, nhưng đà tăng không vững.

Chịu sức ép từ nhóm cổ phiếu lớn, nên VN-Index giảm điểm ngay khi mở cửa với mức giảm 1,69 điểm (-0,25%), xuống 683,14 điểm. Thanh khoản đứng ở mức thấp khi chỉ có hơn 2,7 triệu đơn vị, giá trị 35,85 tỷ đồng được chuyển nhượng.

Diễn biến cũng không khá khẩm gì hơn khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục, thậm chí VN-Index nới rộng đà giảm và đang thử thách ngưỡng hỗ trợ 680 điểm. Sau hơn 45 phút giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE cũng chỉ hơn 300 tỷ đồng.

Giao dịch sau đó có tích cực hơn, nhưng với việc các mã lớn như VNM, VIC, VIC, MSN, GAS, PVD giảm mạnh, VN-Index nới rộng đà giảm và về sát ngưỡng hỗ trợ 680 điểm.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 4,52 điểm (-0,66%), xuống 680,31 điểm với 74 mã tăng và 152 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,28 triệu đơn vị, giá trị 1.069,56 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,7 triệu đơn vị, giá trị 146,73 tỷ đồng.

Tương tự với 67 mã tăng trong khi có tới 103 mã giảm, HNX-Index cũng giảm 0,43 điểm (-0,52%), xuống 83,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,6 triệu đơn vị, giá trị 214,93 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu thép, trong khi cổ phiếu đầu ngành HPG giảm nhẹ, HSG cũng chỉ có sắc xanh nhạt, thì các mã nhỏ hơn lại khởi sắc. Trong đó, SMC, HMC đóng cửa ở mức trần 20.850 đồng và 9.000 đồng, NKG tăng 1,31%, TLH tăng 3,37%...

Trong khi đó, các mã lớn đều giảm khá manh, trong đó VNM giảm 1,25%, VCB giảm 0,41%, VIC giảm 0,7%, MSN giảm 2,56%, GAS giảm hơn 1%, BVH giảm 0,88%...

Trong nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi VHG được kéo lên mức trần 3.250 đồng với hơn 2,5 triệu đơn vị được khớp, thì TSC tiếp tục bị giảm sàn xuống 3.340 đồng với hơn 1,1 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn gần 1,5 triệu đơn vị. Tương tự, DAH cũng tiếp tục giảm sàn xuống 9.300 đồng, với hơn 3,44 triệu đơn vị được khớp, trong khi TCH đã phục hồi trở lại sau dấu hiệu được bắt đáy từ phiên cuối tuần qua. ROS cũng điều chỉnh giảm khá mạnh 4,28%, nhưng với lệnh mua bán với khối lượng ít, diễn biến của mã này khó lường. Chỉ cần lực cầu không quá lớn được tung ra cũng có thể giúp mã này lên mức trần, giống như những gì đã từng diễn ra trong nhiều phiên qua.

Trên HNX, diễn biến cũng tương tự HOSE. Trong khi các mã lớn trên sàn này có sự phân hóa, nhưng mức tăng giảm không lớn, thì các mã nhỏ tiếp tục bị bán tháo và đồng loạt giảm sàn như G20, BII, DPS, KVC, NHP, KHL… Tuy nhiên, đột biến đã diễn ra tại HKB khi mã này từ mức sàn 5.400 đồng với dư bán sàn rất lớn, đã nhận lực cầu khủng, hấp thụ hết lượng dư bán sàn, kéo HKB đóng cửa tăng 5,08% với 4,22 triệu đơn vị được khớp.

Về thanh khoản, HKB chỉ đứng sau SHB với 4,4 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 1,79%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục