Phiên sáng 23/9: Dòng bank trở lại, VN-Index hồi phục

(ĐTCK) Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng giúp VN-Index hồi phục trở lại sau phiên giảm khá sâu cuối tuần trước.
Phiên sáng 23/9: Dòng bank trở lại, VN-Index hồi phục

Thị trường vẫn chưa thoát khỏi trạng thái loay hoay quanh vùng giá 990-1.000 điểm. Trong tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index diễn biến khá rung lắc với những phiên tăng giảm xen ké, đáng kể là phiêu cuối tuần 20/9 đã chịu áp lực bán khá mạnh. Đà giảm có xu hướng mạnh hơn về cuối phiên do chịu thêm tác động bán ra của nhà đầu tư nước ngoài bởi ảnh hưởng của việc chốt sổ cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs.

Theo đánh giá của giới phân tích, sau kỳ táu cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sẽ giảm đi đáng kể và có thể sẽ xuất hiện các phiên mua ròng trở lại. Cùng với đó, thị trường cũng đón nhận thông tin nâng hạng của FTSE được công bố ngày 26/9.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, Việt Nam chưa thể được xem xét nâng hạng trong kỳ cơ cấu lần này của FTSE. Tuy nhiên, câu chuyện nâng hạng còn kéo dài sẽ là yếu tố cho TTCK Việt Nam vẫn còn cơ hội tăng trưởng, đặc biệt sự tồn tại của các quỹ chuyên đầu cơ theo câu chuyện nâng hạng sẽ giúp thanh khoản của TTCK Việt Nam tốt hơn.

Chưa nói đến việc nâng hạng, việc Fed giảm lãi suất đủ cho thấy dòng tiền cũng đang dần quay trở lại nhóm thị trường mới nổi và thị trường cận biên, đặc biệt là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao như Việt Nam. Vì vậy, theo ông Minh, yếu tố nâng hạng sẽ là điểm tích cực cho TTCK Việt Nam và câu chuyện nâng hạng còn kéo dài thì TTCK Việt Nam vẫn còn cơ hội tăng trưởng.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 23/5, tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng nhưng với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip, thị trường đã lấy lại sắc xanh ngay khi mở cửa.

Tuy nhiên, đà tăng khá hạn chế bởi dòng tiền tham gia chưa mấy tích cực, thậm chí có thời điểm VN-Index bị kéo lùi về sát mốc tham chiếu. Trong khi đó HNX-Index biến động giằng co và liên tục đổi sắc.

Sau khoảng 45 phút giao dịch, trên cả 2 sàn chỉ có 3 mã có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị và đều thuộc sàn HOSE là ASM, VPB và SCR.

Cổ phiếu ASM sau 5 phiên tăng khá mạnh đã gặp áp lực chốt lời khiến cổ phiếu này có lúc quay đầu điều chỉnh nhẹ trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, lực cầu khá tốt giúp ASM nhanh chóng lấy lại đà tăng với giao dịch sôi động. Hiện ASM tăng 1,8%, tạm đứng tại mức giá 7.750 đồng/CP và đang dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 1,9 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu bluechip, diễn biến khá phân hóa trong biên độ hẹp. Đóng vai trò là lực đỡ chính, cổ phiếu VNM đã đảo chiều và hồi phục tích cực khi tăng 1,5%, lên mức 123.900 đồng/CP. Ngoài ra, VIC, GAS, VCB cũng xanh nhạt.

Với sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip, thị trường đã chốt phiên giao dịch sáng trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 118 mã tăng và 159 mã giảm, VN-Index tăng 3,32 điểm (+0,34%), lên 993,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 97,94 triệu đơn vị, giá trị 2.298,9 tỷ đồng, tăng 7,24% về khối lượng nhưng giảm 14,34% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (20/9). Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 30,1 triệu đơn vị, giá trị 969,83 tỷ đồng.

Dòng bank đã đồng loạt khởi sắc dù mức tăng còn khá hạn chế nhưng cũng là một trong những lực đỡ khá tốt cho thị trường. Trong đó, STB là điểm sáng của ngành khi tăng 3,9% lên mức cao nhất 10.750 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, dẫn đầu thị trường với 6,35 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tác động mạnh tới thị trường, “ông lớn” VNM tiếp tục là bệ đỡ chính. Chốt phiên, VNM tìm tới mức giá cao nhất trong phiên sáng nay và cũng là mức đỉnh trong hơn 1 tháng qua, với mức tăng 2,4% lên 125.000 đồng/CP và thanh khoản tích cực với hơn 0,8 triệu đơn vị được khớp lệnh. Ngoài ra, các mã vốn hóa lớn như VHM, VIC, GAS cũng đều tăng nhẹ.

Trái lại, ROS tiếp tục lùi sâu hơn khi giảm 2,2% xuống mức 26.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4,38 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau STB về thanh khoản trên sàn HOSE.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sau 5 phiên tăng mạnh gần 30%, cổ phiếu ASM đã rung lắc và thu hẹp đà tăng với biên độ 0,7%, tạm chốt phiên sáng tại mức giá 7.660 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đạt 3,12 triệu đơn vị.

Trong khi đó, FTM xác lập phiên giảm sàn thứ 27 liên tiếp với mức giảm lên tới hơn 85%. Phiên hôm nay, FTM tiếp tục dư bán sàn khá lớn với gần 6,2 triệu đơn vị và chỉ khớp 119.860 đơn vị.

Trên sàn HNX, sau khoảng 1 giờ rung lắc quanh mốc tham chiếu, sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường hồi phục khá tốt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX cân bằng với 46 mã tăng và 46 mã giảm, HNX-Index tăng 0,66 điểm (+0,64%), lên 104,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11 triệu đơn vị, giá trị 143,95 tỷ đồng, giảm 26,15% về lượng và 18,3% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (20/9). Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,17 triệu đơn vị, giá trị 48,9 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bluechip tiếp sức cho thị trường hồi phục thành công gồm ACB tăng 1,3% lên 23.500 đồng/CP, SHB tăng 1,5% lên 6.600 đồng/CP, NVB tăng 1,3% lên 7.900 đồng/CP, VCS tăng 1,7% lên 98.500 đồng/CP, PVI tăng 2,1% lên 33.700 đồng/CP, PVS tăng 0,5% lên 20.300 đồng/CP…

Trong đó, cặp đôi cổ phiếu nhà bank là ACB và SHB dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 1,64 triệu đơn vị và 1,13 triệu đơn vị.

Trái lại, với lợi nhuận năm 2018 gấp 3,1 lần chỉ tiêu được ĐHCĐ giao phó, Mía đường Sơn La đã lên phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, quyết định này không giúp cổ phiếu SLS giao dịch khởi sắc. Sau phiên giảm cuối tuần trước (20/9), cổ phiếu SLS tiếp tục giảm sâu với biên độ 5,8% và lùi về mức giá 40.500 đồng/CP.

Trên UPCoM, mặc dù trong gần hết thời gian, UPCoM-Index đều đứng dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên, chỉ số này đã may mắn hồi nhẹ trước khi chốt phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%), lên 56,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 3,61 triệu đơn vị, giá trị 69,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,56 triệu đơn vị, giá trị hơn 54 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với 1,14 triệu đơn vị, tuy nhiên, chốt phiên BSR tiếp tục giảm 2,1% xuống mức giá 9.500 đồng/CP.

Trong khi đó, BCM có phiên tăng thứ 8 liên tiếp, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 31.900 đồng/CP, tăng 1,9% và giao dịch thành công 11.000 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục