Phiên sáng 23/7: “Nhóm Vin” đẩy VN-Index lên trên ngưỡng 985 điểm

(ĐTCK) Diễn biến chủ đạo trên thị trường vẫn là sự phân hóa mạnh, nhưng với sự khởi sắc của cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC và sự trợ giúp của HPG đã đưa chỉ số quay lại ngưỡng 985 điểm trong phiên sáng nay.

Trong phiên hôm qua, sau khi mở cửa rung lắc nhe, VN-Index đã được kéo lên mốc 985 điểm nhóm bluechip. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng sau đó khiến thị trường hạ độ cao về gần tham chiếu.

Càng về cuối phiên, nhóm bluechip càng phân hóa, cùng diễn biến “xanh vỏ đỏ lòng” của thị trường, VN-Index theo đó dần đuối sức và đóng cửa trong sắc đỏ.

Mặc dù vậy, theo MBS thì một phiên chốt lời trên diện rộng mà thanh khoản vẫn giữ được ở mức cao như thế này chứng tỏ dòng tiền có sự hấp thụ tốt lượng hàng chốt lời, đó là dấu hiệu của thị trường khỏe.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 23/7, VN-Index có nhịp rung lắc nhẹ quanh tham chiếu, trước khi bật mạnh lên ngưỡng 985 điểm nhờ 2 cổ phiếu lớn bất ngờ nới rộng đà tăng là VIC và HPG.

Đặc biệt là VIC, khi càng giao dịch, biên độ giá càng được mở rộng, có thời điểm đã tăng 3%, trong khi HPG cũng vọt hơn 2%. Nhưng sau đó, khi 2 mã này hãm bớt đà tăng, VN-Index theo đó hạ dần độ cao, nhưng vẫn giữ được ngưỡng điểm trên 985 sau hơn 1 giờ giao dịch.

Thông tin đáng chú ý cho là vào cuối ngày hôm qua, BIDV đã công bố thương vụ chào bán hơn 603,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 15%/vốn điều lệ với giá hơn 20.295 tỷ đồng cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc.

Nhưng trong phiên sáng nay, cổ phiếu BID lại có phản ứng khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, khi là mã giảm mạnh nhất trong số các cổ phiếu lớn (-1,8%), và là mã cổ phiếu gây lực cản lớn nhất đến thị trường.

Trên bảng điện tử, sự phân hóa mạnh diễn ra, khi độ rộng thị trường khá cân bằng với 120 mã tăng và cũng chừng đó mã giảm. Điểm nhấn đến từ một vài cái tên đơn lẻ như TGG, GAB giảm sâu, trong đó GAB tiếp tục giảm sàn về 10.750 đồng, khớp hơn 12.000 đơn vị và dư bán sàn gần 850.000 đơn vị.

Cổ phiếu CMX tăng kịch trần sau khi đón nhận thông tin kết quả kinh doanh quý II/2019 tích cực với doanh thu thuần đạt 326 tỷ đồng tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, và lợi nhuận sau thuế đạt  gần 47 tỷ đồng, tăng 261% so với quý II/2018.

Với sự vững vàng của VIC, HPG và có thêm VHM và GAS trợ lực, chỉ số VN-Index hồi dần từ mức 985 điểm, tuy nhiên thì sức cầu chưa đủ mạnh cùng sự phân hóa cao trên thị trường chỉ khiến chỉ số nhích thêm đôi chút khi tạm nghỉ giờ trưa.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 129 mã tăng và 155 mã giảm, VN-Index tăng 5,63 điểm (+0,57%), lên 987,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 83,71 triệu đơn vị, giá trị 2.240 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và tăng 18% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 19,8 triệu đơn vị, giá trị 755,4 tỷ đồng, trong đó, đáng chú ý có 7,93 triệu cổ phiếu VRE trị giá 291,3 tỷ đồng và 2,29 triệu cổ phiếu MWG, giá trị 206,2 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu họ Vingroup là nhân tố tác động chính đến chỉ số, trong đó, VIC tích cực nhất khi tăng 2,8% lên 119.800 đồng; VHM +1,5% lên 85.900 đồng; VRE +0,7% lên 36.950 đồng.

Các bluechip khác tăng đáng kể hỗ trợ thị trường là GAS +1,2% lên 106.700 đồng; HPG +1,9% lên 21.150 đồng; MWG +1,7% lên 108.300 đồng; MBB +1,6% lên 22.550 đồng; PNJ +1,2% lên 77.100 đồng, cùng các mã SAB, CTG, PLX, NVL, FPT…nhưng các cổ phiếu này chỉ có mức tăng nhẹ.

Trái lại, dù có thông tin đã chốt được thương vụ lớn với đối tác Hàn Quốc, nhưng BID lại bất ngờ giảm 1,1% xuống 35.350 đồng; ROS giảm 1,8% xuống 27.000 đồng và VNM giảm 0,2% xuống 125.200 đồng.

Áp lực rung lắc lớn khiến nhiều mã đứng tham chiếu như VCB, TCB, VJC, HVN, POW, HDB, TPB, DPM.

Khớp lệnh ROS vẫn cao nhất nhóm với hơn 4,7 triệu đơn vị; MBB với 3,65 triệu đơn vị. Đây cũng là 2 mã thanh khoản cao nhất toàn sàn HOSE.

Tiếp theo là HPG có 2,6 triệu đơn vị; CTG có 1,22 triệu đơn vị. Các cổ phiếu VHM, MWG, VRE, CTG, VIC, STB khớp từ 0,5 triệu đến 0,96 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường đa số giảm. Sắc xanh chỉ còn đáng kể tại HAG, YBM, EVG, PDR, lCG, SJF, DRH…khớp từ 0,3 triệu đến 0,7 triệu đơn vị.

GAB có thời điểm hấp thụ gần như toàn bộ lượng cổ phiếu ở mức giá sàn, và thu hẹp đà giảm, nhưng những phút cuối lại gặp áp lực xả và quay trở lại mức giá thấp nhất -6,9% xuống 10.750 đồng, khớp hơn 1,08 triệu đơn vị.

YEG sau khi công kết quả kinh doanh quý II/2019 với lợi nhuận công ty mẹ trong âm 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn có lãi đến 42 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 112 tỷ đồng, đã giảm 2% xuống 74.000 đồng, khớp lệnh chỉ hơn 36.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index diễn biến có phần tiêu cực hơn khi chỉ số HNX-Index rung lắc, liên tục đảo chiều quanh tham chiếu trong suốt thời gian giao dịch.

Hầu hết các cổ phiếu lớn hay thanh khoản cao đều giảm hoặc chỉ đứng tham chiếu như ACB -0,3% xuống 30.900 đồng; VCG -0,8% xuống 26.300 đồng; NVB -1,2% xuống 8.000 đồng; SHS -1% xuống 9.600 đồng; CEO -2,8% xuống 10.600 đồng.

VCR nối tiếp phiên giảm sàn hôm qua, -9,7% xuống 17.700 đồng.

Các mã tăng, giữ cho chỉ số không giảm sâu có VCS +1,7% lên 77.500 đồng; DGC +4,5% lên 32.700 đồng; MBS +2,1% lên 14.700 đồng; PVB +2% lên 20.400 đồng.

Khớp lệnh cao nhất sàn là 2 mã SHB và PVS với 1,72 triệu và 1,5 triệu đơn vị, nhưng cả 2 chỉ đứng ở mức tham chiếu khi kết phiên.

Tiếp theo là CEO với 0,93 triệu đơn vị; C69 có 0,76 triệu đơn vị; ACB có 0,69 triệu đơi vị; VCR có 0,45 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 44 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index giảm 0,09 điểm (-0,08%), xuống 106,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,37 triệu đơn vị, giá trị 210,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị 17,1 tỷ đồng.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự HNX, nhưng phần lớn thời gian chỉ số UpCoM-Index giao dịch dưới tham chiếu, và may mắn hơn khi kịp vươn lên sắc xanh về cuối phiên.

Nhóm cổ phiếu tăng khá hỗ trợ có LPB, GVR, VGI, MIG, VRG, CTR, VEA, MFS…trong khi giảm điểm vẫn là BSR, ACV, MSR.

Khớp lệnh phiên này LPB vượt trội với 1,57 triệu đơn vị và tăng khá +6,3% lên 8.400 đồng/cổ phiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%), lên 58,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6,73 triệu đơn vị, giá trị 109,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,84 triệu đơn vị, giá trị 102,6 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục