Phiên sáng 22/8: Áp lực bán gia tăng cuối phiên

(ĐTCK) Dòng tiền bất ngờ nhập cuộc tích cực kéo VN-Index vượt qua ngưỡng 985 điểm với thanh khoản tăng mạnh. Tuy nhiên, áp lực bán đã diễn ra mạnh cuối phiên khiến đà tăng của thị trường bị hãm lại.
Phiên sáng 22/8: Áp lực bán gia tăng cuối phiên

Trong phiên sáng hôm qua, việc thiếu thông tin hỗ trợ khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng, giao dịch diễn ra không mấy sôi động. Thị trường chủ yếu lình xình, giằng co quanh tham chiếu.

Tuy vậy, VN-Index vẫn tăng điểm khi một số nhóm cổ phiếu trụ như bất động sản, chứng khoán...nâng đỡ

Bước vào phiên chiều, VN-Index sớm bật lên khi nhóm ngân hàng đồng loạt tăng điểm, trong khi các trụ đỡ khác duy trì sự ổn định đã giúp VN-Index kết phiên với mức tăng gần 10 điểm.

Theo nhìn nhận của một số công ty chứng khoán thì dòng tiền có sự cải thiện cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã có sự đồng thuận tốt hơn.

VN-Index có thể tiếp nối đà tăng để hướng đến các ngưỡng cao hơn lần lượt tại 990 điểm (MA50 tuần) và 1.000 điểm (MA20 tuần).

Tuy nhiên, nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng trước khi giải ngân mới. do chỉ số có thể sẽ gặp khó tại ngưỡng cản 1.000 điểm đồng thời thị trường cũng sắp bước vào kỳ review của các quỹ ETF.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 22/8, VN-Index nhanh chóng vọt lên trên hẳn ngưỡng 985 điểm nhờ lực mua kỹ thuật khá lớn, khiến sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.

Mặc dù sau đó, chỉ số gặp phải đôi chút áp lực rung lắc, nhưng với việc dòng tiền vẫn tìm đến nhóm cổ phiếu thị trường cùng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, và các trụ cột - các cổ phiếu vốn hóa lớn đều đang cho thấy sự khả quan khi đa số đang tăng điểm, đã đưa VN-Index trở lại vùng giá trên, và có sự chắc chắn hơn về hướng đi.

Điểm nổi bật phiên sáng nay vẫn là nhóm cổ phiếu thị trường với FLC thanh khoản vượt trội phần còn lại như GTN, ASM, HAG, SCR…và nhóm ngân hàng có sự đồng thuận cao khi tất cả đều tăng điểm và có thanh khoản khá, chỉ đứng sau nhóm cổ phiếu thị trường nêu trên.

Ngoài ra, điểm đáng chú ý vẫn là cặp đôi tân binh mới chào sàn trong vài phiên gần đây là YBM và CRC.

Theo đó, YBM tăng kịch trần ngày thứ 2 chào sàn +6,7% lên 19.050 đồng, và khối lượng khớp lệnh tương đương với cả phiên hôm qua là hơn 30.000 đơn vị.

CRC cũng đã có 2 phiên liên tiếp tăng tối đa từ ngày chào sàn 20/8 thì sang phiên sáng nay tiếp tục tăng kịch trần +6,8% lên 17.350 đồng, khớp lệnh cũng hơn 120.000 đơn vị từ sớm, thấp hơn đôi chút so với cả phiên hôm qua,

Bên cạnh đó, 2 mã PLP và LHG, mặc dù chưa có thêm thông tin mới nào đáng kể, nhưng cũng đã bất ngờ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, khi cả 2 đều đang tăng vọt.

Trong đó, PLP có sắc tím +6,9% lên 16.950 đồng và LHG + gần 6% lên 20.200 đồng, mặc dù đã có thời điểm cũng tăng kịch trần, khớp hơn 300.000 đơn vị chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch.

Sau khi leo lên mức cao nhất phiên tại mức hơn 986 điểm, chỉ số VN-Index đã đi xuống bởi sắc đỏ bao phủ các ông lớn VNM, SAB VCB và CTG trong khi các trụ cột khác vẫn chỉ lình xình với mức tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 166 mã tăng và 100 mã giảm, VN-Index tăng 3,65 điểm (+0,37%), lên 982,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 122,16 triệu đơn vị, giá trị 2.590,03 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 7% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 20 triệu đơn vị, giá trị 486,4 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là hơn 15,3 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 314 tỷ đồng.

Sau khi có sự đồng thuận lớn về hướng khi với tất cả các mã đều tăng thì đến nửa phiên sau, nhóm cổ phiếu ngân hàng, động lực tâm lý thị trường đã bị phân hóa, với sắc đỏ từ VCB -0,3% xuống 62.500 đồng; CTG -0,6% xuống 26.350 đồng; EIB -1% xuống 14.200 đồng và BID bị đẩy xuống tham chiếu tại 33.000 đồng.

Số còn lại đà tăng cũng bị chặn đứng vơi VPB chỉ còn +0,2% lên 25.550 đồng; MBB +0,2% lên 23.500 đồng; HDB +1,4% lên 36.000 đồng; STB tăng tốt nhất +2,7% lên 11.500 đồng; TPB +1,3% lên 26.600 đồng.

Khớp lệnh nhóm này STB cao nhất với hơn 4,4 triệu đơn vị; CTG và MBB có trên dưới 3,5 triệu đơn vị; BID có 2,37 triệu đơn vị; VPB có 1,84 triệu đơn vị; TCB có 1 triệu đơn vị...

2 mã vốn hóa lớn nêu trên là VNM -0,6% xuống 162.100 đồng và SAB -0,9% xuống 211.000 đồng là nguyên nhân khá lớn khiến chỉ số bị đẩy lui, trong khi VIC, VHM chỉ tăng nhẹ 0,4 và 0,5%.

Tăng tốt nhất trong nhóm là GAS, khi +2,2% lên 99.600 đồng, nhưng cũng không đủ để kéo nhóm dầu khí đi lên khi gần như chỉ còn PLX tăng (+0,9%), còn lại mất điểm như PVD, PVT, CNG.

Ngoài GAS, một số bluechip khác tăng khá tốt như BVH +3,6% lên 86.500 đồng; GMD +3,7% lên 26.450 đồng; CTD +2% lên 155.100 đồng; ROS +2,4% lên 42.450 đồng; REE +2% lên 35.150 đồng...

Ngược lại, mất điểm mạnh nhất là KDC -2,5%, còn lại cũng chỉ trên dưới 1% ngoài VNM, SAB là PNJ -1%; CII -0,8%; MWG -0,8%; NVL -0,8%; SSI -0,3%...

Nhóm cổ phiếu thị trường, FLC vẫn hút người mua nhất với hơn 13,37 triệu đơn vị khớp lệnh, dẫn đầu thanh khoản, chốt phiên mã này +2% lên 6.730 đồng.

Theo sau FLC còn có GTN, ASM, SCR, ITA, IDI, DLG, TTF, khớp từ hơn nửa triệu đến 4,5 triệu đơn vị.

Trong khi đó, giảm điểm là GEX, HAG, PVD, OGC, HNG, CIG, HHS, khớp từ hơn 300.000 đến 3,1 triệu đơn vị.

Một số mã khác đáng chú ý là PTB +4,2% lên 60.200 đồng; THI +4,7% lên 45.600 đồng; TCH +3,3% lên 29.550 đồng, LHG +5,2% lên 20.100 đồng, cùng YBM, CRC và PLP tăng kịch trần.

Trên sàn HNX, sự phân hóa lại diễn ra mạnh mẽ hơn, nhất là về cuối phiên đã đẩy chỉ số HNX-Index về sát mức tham chiếu và tạm nghỉ tăng không đáng kể.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 53 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%), lên 110,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,89 triệu đơn vị, giá trị 371,9 tỷ đồng, tăng mạnh 49% về khối lượng và 56% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 160.000 đơn vị, giá trị 3,7 tỷ đồng.

Các nhóm cổ phiếu chia đôi ngả, với sắc đỏ từ SHB -1,2% xuống 8.500 đồng, và PVS, ACB, CEO, KLF, VC3, PVI đứng tham chiếu.

Tăng điểm đáng kể là VCS +3,9% lên 87.300 đồng; HUT +3,8% lên 5.400 đồng; VCG +2,4% lên 17.400 đồng; VGC +2,4% lên 17.000 đồng; SHS +0,7% lên 15.000 đồng...

Khớp lệnh tốt nhất sàn là SHB với hơn 4,5 triệu đơn vị; PVS có 3,3 triệu đơn vị; ACB có 2,85 triệu đơn vị; HUT có 1,98 triệu đơn vị...

Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng tăng từ sớm, nhưng đã có rung lắc, và tạm nghỉ cũng trong tình trạng phân hóa.

Theo đó, các mã tăng là LPB, BSR, VEA, DVN, ART, MSR, ACV...trong khi HVN, VIB, VGT lại chặn đà tăng của chỉ số.

Chỉ có 2 mã thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là LPB với 1,48 triệu đơn vị; BSR có 1,09 triệu đơn vị,

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,16%), lên 51,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,83 triệu đơn vị, giá trị 83,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 330.000 đơn vị, giá trị 4,73 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục