Thị trường đã trải qua những tuần tăng điểm liên tiếp giúp VN-Index lần lượt chinh phục các ngưỡng kháng cự cao hơn. Sau nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tuần trước, thị trường đã có 2 phiên khởi sắc đầu tuần này để có lúc tiến sát ngưỡng 930 điểm, trước khi hạ đồ cao đóng cửa phiên hôm qua ở mức 918,3 điểm.
Theo đánh giá của ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng phân tích cá nhân CTCK Rồng Việt, các mã vốn hóa lớn đang tác động mạnh tới chỉ số VN-Index. Với nhiều mã đã đạt và vượt mức giá mục tiêu đầu tư, có khả năng bong bóng sẽ hình thành trên chính các mã đó và dẫn đến hệ quả là tạo ra bong bóng trên chỉ số.
Dù vậy, ông Lân vẫn cho rằng, trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn chưa rời nhóm vốn hóa lớn mà chỉ là đổi “trụ”. Những cổ phiếu đã đuối sức sẽ bắt đầu đi ngang hoặc giảm nhẹ. Dòng tiền tìm tời các cổ phiếu vốn hóa lớn tại nhóm ngân hàng, bất động sản hay các ngành công nghiệp khác hiện đang chậm chân hơn.
Không nằm ngoài nhận định trên, sau một tuần liền khởi sắc và làm trụ chính dẫn dắt thị trường, “ông lớn” VNM đã chịu áp lực bán và quay đầu đi xuống ngay khi mở cửa phiên sáng 22/11. Tuy nhiên, các cổ phiếu lớn khác đã thay thế và làm tốt vai trò nâng đỡ thị trường, tiếp tục tiếp sức cho VN-Index tiến bước.
Chỉ số Vn-Index đã khá giằng co quanh ngưỡng kháng cự 925 điểm khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục.
Trong đó, VNM vẫn đóng vai trò là lực hãm chính với mức giảm 1,7%, tạm đứng tại mức giá 185.700 đồng/CP sau gần 1 giờ giao dịch.
Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí đang tăng khá tốt với các mã lớn VCB, BID, GAS, PLX đều có mức tăng từ 1-1,6%.
Ở cặp đôi lớn VIC-VRE, sau nhịp rung lắc đầu phiên cổ phiếu VIC đã lấy lại sắc xanh và tiếp tục tăng nhẹ 0,8% lên mức 77.600 đồng/CP, trong khi đó VRE đánh mất sắc tím sau 2 phiên tăng trần nhưng vẫn tăng khá tốt 3,9% lên mức 53.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch khá sôi động đạt 2,72 triệu đơn vị.
Đáng chú ý là cổ phiếu lớn ngành bia SAB. Thông tin Bộ Công Thương đã chỉ đạo bộ phận đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco tổ chức giới thiệu cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư (roadshow) cho các nhà đầu tư nước ngoài tại hai thị trường lớn là Singapore, Anh trong thời gian từ ngày 24-27/11, đã tiếp sức giúp cổ phiếu SAB tiếp tục tăng tốc trong phiên sáng nay.
Hiện SAB tăng 2,9% lên mức giá kỷ lịc 301.500 đồng/CP, đây là cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và so với thời điểm đầu năm, giá cổ phiếu SAB đã tăng khoảng 50%.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 6,86 điểm (+0,75%) lên mức 925,16 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 120,96 triệu đơn vị, giá trị 4.105,39 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,2 triệu đơn vị, giá trị 1.300,83 tỷ đồng, trong đó VNM thỏa thuận 6,5 triệu đơn vị, giá trị 1.143,47 tỷ đồng.
Dù có chút rung lắc nhẹ đầu phiên nhưng sau khi phục hồi, dòng bank đã tăng tốc và trở thành điểm sáng của thị trường. Trong đó, BID nhờ lực cầu nội và ngoại khá mạnh đã có thời điểm chạm mức giá trần và đóng cửa tăng 5% lên mức 25.250 đồng/CP, VCB tăng 1,9% lên mức 47.600 đồng/CP, CTG tăng 3,1% lên mức 21.850 đồng/CP với cùng khối lượng khớp đều trên 2 triệu đơn vị.
STB cũng khởi sắc khi tăng 2,5% và kết phiên tại mức giá 12.150 đồng/CP với lượng khớp 3,95 triệu đơn vị, MBB tăng 0,4% lên mức 24.100 đồng/CP và khớp 6,47 triệu đơn vị; VPB tăng 1,2% lên 39.400 đồng/CP và khớp 1,16 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cặp đôi lớn cổ phiếu ngành bia là SAB-BHN tiếp tục nới rộng đà tăng. Cụ thể, SAB tăng 3,4% lên mức giá cao nhất phiên 303.000 đồng/CP, và BHN cũng đã tăng hết biên độ 6,9% lên mức giá trần 132.600 đồng/CP.
Các cổ phiếu lớn khác như GAS, MSN, BVH, PLX, VJC, VRE… cũng đều tăng khá tốt hơn 1%.
Trái lại, bộ đôi VNM và VIC cùng lao dốc mạnh và là gánh nặng chính hãm đà bứt phá của VN-Index. Trong đó, VNM giảm 3,2% về mức 183.000 đồng/CP với khối lượng khớp 962.850 đơn vị; và VIC cũng đảo chiều sau 5 phiên tăng liên tiếp với mức giảm 3% xuống 74.700 đồng/CP và khớp 940.380 đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC có phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp, với mức tăng 2,8% và đóng cửa tại mức giá 6.680 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 10,78 triệu đơn vị, dẫn dầu thanh khoản thị trường.
Trên sàn HNX, dù áp lực bán khá lớn khiến sắc đỏ có phần chiếm ưu thế với 83 mã giảm và 58 mã tăng, nhưng sự hỗ trợ tích cực của một số mã lớn đã giúp chỉ số sàn chốt phiên trong sắc xanh.
Cụ thể, HNX-Index tăng 0,19 điểm (+0,18%) lên 108,21 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 28,56 triệu đơn vị, giá trị gần 368 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 555.708 đơn vị, giá trị 11,86 tỷ đồng.
Cổ phiếu ACB dù có chút rung lắc đầu phiên nhưng cũng đã lấy lại sắc xanh sau 3 phiên liên tiếp giao dịch thiếu tích cực. Với mức tăng 0,6%, ACB đóng cửa tại mức giá 33.000 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 1,42 triệu đơn vị.
Trong khi đó, “người anh em” SHB đứng giá tham chiếu 8.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 6,97 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tăng khá tốt như PVC tăng 1% lên mức 10.000 đồng/CP, PGS tăng 0,4% lên mức 23.100 đồng/CP, đáng kể PVS tăng 1,8% lên mức 17.300 đồng/Cp và khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHB, đạt 5,34 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, thị trường cũng rung lắc nhẹ đầu phiên và nhanh chóng hồi phục, duy trì đà tăng đến hết phiên.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,74%) lên 53,96 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,24 triệu đơn vị, giá trị 144,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 419.724 đơn vị, giá trị hơn 4 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB đã hồi phục sắc xanh sau 3 phiên liên tiếp giao dịch thiếu tích cực với mức tăng 1,6%, tạm chốt phiên tại mức giá 13.100 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 1,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.
Cặp đôi cổ phiếu lớn ngành hàng không là HVN và ACV tăng mạnh, trong đó HVN tăng 7,3% lên mức 32.400 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 1,44 triệu đơn vị; ACV tăng 3,8% lên mức 85.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 60.000 đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng khởi sắc, hỗ trợ tốt cho thị trường như GEX, DVN, MSR, VIB, FOX, MCH…