Trong phiên giao dịch hôm qua (21/1), với sự khởi sắc của nhóm ngân hàng và một số mã bluechip khác, sắc xanh đã lan tỏa khắp bảng điện tử giúp VN-Index bật mạnh gần 8 điểm vượt qua ngưỡng 986 điểm.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán Việt Nam nhận thông tin không mấy tích cực bên ngoài khi thị trường chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ do lo ngại virus viêm phổi lạ nCoV hay còn gọi là virus Vũ Hán bắt đầu lây lan ra một số quốc gia khác. Cùng với đó là việc IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 và 2021.
Với tác động từ bên ngoài, chứng khoán Việt Nam cũng mở cửa khá thận trọng khi VN-Index xuất hiện sắc đỏ. Nhóm ngân hàng và nhiều bluechip đứng trước áp lực chốt lời lớn khiến đà tăng tốt không còn được duy trì, thậm chí một số mã quay đầu điều chỉnh.
Tuy nhiên, sắc đỏ không duy trì lâu khi tâm lý nhà đầu tư trong nước đang khá hứng khởi trước kỳ nghỉ Tết. Lực cầu nhanh chóng nhập cuộc để đón cơ hội sóng sau Tết, giúp nhiều mã lấy lại đà tăng, qua đó giúp VN-Index lấy lại sắc xanh.
Điểm đặc biệt, dù biến động của chỉ số chung chỉ trong biên độ hẹp, nhưng thị trường trong những phiên cuối năm Âm lịch lại xuất hiện nhiều đợt sóng đơn lẻ khá lớn.
Trong phiên hôm qua, HAI, DLG, AMD, DIC, DRH, FTM... đóng cửa ở mức trần với dư mua trần khá lớn. Trong phiên hôm nay sắc tím vẫn tiếp tục được duy trì tại DRH, DIC, lại còn thêm TCM và đặc biệt là VRC.
Trong đó, dù mở cửa ở mức sàn 5.770 đồng, nhưng ngay lập tức, lực cầu lớn đã nhập cuộc hấp thụ hết lượng dư bán, kéo VRC lên mức trần 6.630 đồng với gần 3,9 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 300.000 đơn vị.
Trong khi đó, DLG, AMD, HAI, FTM dù không còn giữ được mức trần, nhưng cũng đang có đà tăng tương đối tốt.
Sắc xanh cũng xuất hiện ở nhiều mã thị trường khác như FLC, TSC, SCR cũng có sắc xanh.
Trong các mã lớn, dù chịu áp lực chốt lời, nhưng nhờ thông tin kết quả kinh doanh khả quan, nhóm ngân hàng vẫn duy trì sắc xanh, hỗ trợ cho VN-Index duy trì sắc xanh và hướng tới mốc 990 điểm.
Tuy nhiên, một số cổ phiếu ngân hàng sau đó quay đầu đã cản bước của VN-Index khiến chỉ số này quay đầu và lình xinh sát tham chiếu, đóng cửa chỉ tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 1,38 điểm (+0,14%), lên 987,75 điểm với 173 mã tăng và 114 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 86,5 triệu đơn vị, giá trị 1.899,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,3 triệu đơn vị, giá trị 528 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu nhỏ nổi sóng có thêm sự góp mặt của TNA và SJF, trong khi nhóm bluechip có sự phân hóa.
Trong nhóm ngân hàng, MBB, VPB, HDB, EIB, STB đảo chiều giảm giá, trong đó VPB giảm 1,27% xuống 23.250 đồng, các mã còn lại giảm dưới 1%. VCB, TCB cũng lùi về tham chiếu, chỉ còn BID, CTG và TPB tăng giá, với BID tăng mạnh nhất 1,67% lên 54.900 đồng.
Trong các mã khác, VHM, VNM, VRE, HPG, PLX, POW tăng giá, trong khi GAS, VJC, MSN, MWG, BVH, HVN giảm giá. Trong đó, HPG tăng 1,74% lên 26.300 đồng, khớp 5,48 triệu đơn vị, đứng đầu về thanh khoản trên sàn. Các mã khác có thanh khoản tốt còn có STB khớp 3,66 triệu đơn vị, MBB khớp 2,8 triệu đơn vị, CTG khớp 2,4 triệu đơn vị...
Mã có thanh khoản khớp thứ 2 sàn HOSE sáng nay cũng là nhóm tôn thép là HSG với tổng khớp 5,34 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,26% lên 9.000 đồng.
Trên HNX, chỉ số chính trên sàn này chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa giảm nhẹ với thanh khoản thấp.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,13%), xuống 105,46 điểm với 51 mã tăng và 44 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,35 triệu đơn vị, giá trị 119 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Trên sàn này, trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất chỉ có 3 mã tăng là PVI, IDC và DGC, trong đó IDC tăng mạnh 3,93% lên 18.500 đồng. Trong đó, 5 mã vốn hóa lớn nhất không có mã nào tăng, thậm chí 3 mã lớn nhất đều giảm là ACB, VCG và VCS, nhưng chỉ giảm trên dươi 0,5%, còn PVS và SHB đứng giá.
Trên sàn này sáng nay có 4 mã khớp trên 1 triệu đơn vị là SHB, HUT, ACB và TNG.
Trên thị trường UPCoM, diễn biến khá giống HOSE, nhưng chỉ số UPCoM-Index nới rộng đà tăng, chứ không hạ nhiệt như VN-Index.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,24%), lên 46,09 điểm với 53 mã tăng và 21 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,4 triệu đơn vị, giá trị 50,56 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 60 tỷ đồng.
Trên thị trường này chỉ duy nhất BSR khớp trên 1 triệu đơn vị (1,29 triệu đơn vị), đóng cửa tăng 3,7% lên 8.400 đồng.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên lao dốc hôm qua, các nhà đầu tư đã lấy lại sự bình tĩnh nên đồng loạt đảo chiều tăng trở lại, ngoại trừ Shanghai Composite không kịp trở lại.