Phiên giao dịch ngày hôm qua chứng kiến ngày khởi sắc của thị trường ngay khi mở cửa với sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng và sự đồng thuận của các bluechip khác.
Tâm lý hưng phấn ngày càng tăng về cuối phiên, dòng tiền tiếp tục nhắm tới các mã bank và lan tỏa toàn thị trường, giúp VN-Index chinh phục thành công ngưỡng kháng cự 910 điểm.
Mặc dù vậy, theo BVSC nhận định thì nhà đầu tư đang kỳ vọng vào một xu hướng tăng của chỉ số trong giai đoạn trước và sau kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Tuy nhiên, đà đi lên của chỉ số sẽ gặp phải thử thách ở đường SMA50 (tương ứng 915- 920 điểm) trong những phiên tới. Do đây là vùng điểm hội tụ khá nhiều các ngưỡng cản như các đường MAs, ngưỡng Fibonacci, dải BB…
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 22/1, áp lực rung lắc nhẹ đã ngay lập tức xuất hiện, tuy nhiên, chỉ số VN-Index chỉ dao động trong vùng hẹp từ 911 đến 913 điểm sau đó.
Nhóm cổ phiếu tăng mạnh, dẫn dắt thị trường hôm qua là ngân hàng sang đến hôm nay đã có dấu hiệu hụt hơi ở một số mã như VCB, BID, MBB, TCB, STB.
Còn lại vẫn đang thu hút lực mua khá, đặc biệt là CTG, khi khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 5,5 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch, và vọt hơn 2,5%.
Hai mã khác là HDB và VPB cũng đang giữ vững sắc xanh. HDB tăng 2% và VPB rung lắc nhẹ, tăng trên dưới 1,5%.
Đặc biệt phải kể đến EIB, khi tăng kịch trần từ sớm +6,7% lên 16.000 đồng. Có lẽ thông tin kết quả kinh doanh vào cuối ngày hôm qua tích cực đã nâng đỡ cổ phiếu này.
Cụ thể, trong năm 2018, lợi nhuận trước thuế của EIB đạt 6.388 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2017 và vượt 12% kế hoạch năm 2018.
Tổng tài sản đạt 329.000 tỷ đồng, tăng 16% huy động vốn đạt 270.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng là 228.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 0,7%.
Nửa phiên sau, diễn biến thị trường vẫn không có nhiều thay đổi, VN-Index chỉ dừng lại ở mức giá trên tham chiếu đôt chút khi tạm nghỉ giờ trưa, tuy nhiên, điểm thiếu tích cực là thanh khoản có dấu hiệu sụt giảm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 118 mã tăng và 133 mã giảm, VN-Index tăng 1,10 điểm (+0,12%), lên 912,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 79,4 triệu đơn vị, giá trị 1.407 tỷ đồng, giảm hơn 16% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 14,1 triệu đơn vị, giá trị 263,7 tỷ đồng.
Đa số các mã lớn, bluechip phân hóa, chia đôi ngả xanh đỏ, tuy nhiên biên độ dao động thấp.
Cụ thể, nhóm mang sắc đỏ có VCB -0,2%; TCB -0,2%; MSN -0,1%; VRE -1%; BVH -0,9%; VJC -0,3%; MBB -0,7%; ROS -0,7%...
Giảm sâu có PLX -2,5% xuống 53.900 đồng, cùng một vài bluechip trong tổ VN30 như CTD -3,6% xuống 144.000 đồng; CII -3% xuống 23.000 đồng; KDC -2,1% xuống 21.100 đồng, cùng sắc đỏ tại NVL, PNJ, REE, HSG.
Ngược lại, tăng điểm và tăng tốt vẫn là một số mã ngân hàng nêu trên, như CTG + 2,3% lên 19.900 đồng, khớp lệnh dẫn đầu HOSE với hơn 6,48 triệu đơn vị, trong đó, khối ngoại mua ròng hơn 310.000 đơn vị.
EIB +6,7% lên 16.000 đồng, khớp hơn 0,4 triệu đơn vị. 2 mã tăng khá từ sớm là VPB và HDB đã gặp đôi chút áp lực chốt lời và hãm bớt đà tăng.
Chốt phiên VPB chỉ còn +0,5% lên 20.100 đồng, khớp hơn 1,6 triệu đơn vị; HDB +1,7% lên 30.150 đồng, khớp hơn 1,04 triệu đơn vị.
Ngân hàng cũng là nhóm cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất, ngoài CTG, VPB, HDB thì MBB khớp hơn 3,4 triệu đơn vị; STB có 2 triệu đơn vị, tăng nhẹ 0,4% lên 11.750 đồng, và khối ngoại mua ròng hơn nửa triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa với đà giảm của FLC, ASM, ITA, KBC, FTM, SJF, HQC, QCG…khớp lệnh từ hơn nửa triệu đến 1,6 triệu đơn vị, riêng FLC có hơn 5,5 triệu đơn vị.
Ngược lại, có được sắc xanh là OGC, PVD, HAG, HAR, HNG, GTN, HHS, DXG…khớp lệnh cũng có từ nửa triệu đến 2,5 triệu đơn vị.
Đáng chú ý phiên sáng nay còn có SKG -6,1% xuống 14.600 đồng, thậm chí đã có thời điểm giảm sàn sau thông tin quý IV/2018 chỉ đạt lợi nhuận sau thuế gần 3 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2018, doanh thu thuần của SKG tuy đạt 442,5 tỷ đồng tăng 10,2% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm 25,4% xuống còn 129 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index rung lắc nhẹ tại nửa trên tham chiếu sau nửa đầu phiên, nhưng sau đó đã bị đẩy xuống tham chiếu do một số mã lớn đảo chiều giảm.
Theo đó, ACB -0,7% xuống 29.300 đồng; MBS -2,7% xuống 14.500 đồng; SHS -1,9% xuống 10.500 đồng; PVS -0,6% xuống 18.200 đồng; VGC -0,5% xuống 19.300 đồng; DGC -2,1% xuống 43.100 đồng.
Tăng giá chỉ còn VCS +0,6% lên 63.400 đồng; VCG +1,4% lên 22.100 đồng; PGS +1,2% lên 34.000 đồng; HUT +2,8% lên 3.700 đồng; cùng nhóm cổ phiếu nhỏ ART, KLF, DSC tăng trần, và hàng loạt mã đứng tham chiếu như CEO, SHB, NVB, VNR…
Khớp lệnh cao nhất sàn có ART với hơn 2,6 triệu đơn vị; ACB có 1,45 triệu đơn vị; PVS có 1,2 triệu đơn vị; SHB có 1,16 triệu đơn vị; HUT có 0,7 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 34 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,22%), xuống 103,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,9 triệu đơn vị, giá trị 163 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,8 triệu đơn vị, giá trị 15,2 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lại tích cực hơn, khi tăng từ sớm và liên tục đi lên, mặc dù có chút rung lắc nhưng chốt phiên vẫn có được số điểm gần như cao nhất trong phiên.
Việc các mã thanh khoản tốt đều tăng là nguyên nhân chính kéo chỉ số đi lên như BSR, VEA, HVN, NTC, LPB, QNS,VTP…, trong đó, VEA được khối ngoại mua bán khá mạnh với gần 0,8 triệu đơn vị mua và 0,65 triệu cổ phiếu được bán ra.
Các mã giảm, hãm đà tăng của chỉ số có MPC, VGT, VGI, MCH, GVR, MSR…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,47%), lên 53,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,3 triệu đơn vị, giá trị 84,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,85 triệu đơn vị, giá trị 30,77 tỷ đồng.